'Sau lấy phiếu tín nhiệm tôi biết có những người rất buồn'

VIẾT LONG - ĐỨC MINH |

“Tôi cho rằng việc bỏ phiếu là một hình thức giám sát rất có tác dụng. Các bộ trưởng có phiếu thấp hơn với người kia có thể thấy buồn…”.

Đó là chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bùi Sỹ Lợi về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh.

Kết quả bỏ phiếu phản ánh khách quan

Ông Lợi cũng bày tỏ chia sẻ với các vị bộ trưởng, nhưng cho rằng những cá nhân này phải cố gắng hơn nữa để khắc phục nhằm có phiếu tín nhiệm cao. Nếu có chuyển biến, đến cuối năm, các tư lệnh ngành sẽ được đánh giá tốt hơn.

Trong khi đó, Trưởng Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, lại tỏ ra vui mừng trước kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân cũng như đối với 48 người thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này. Bà Thanh Hải đánh giá, kết quả của các đại biểu Quốc hội là khách quan, dân chủ.

"Tôi rất cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội và hiểu rằng họ đã đại diện cho cử tri đưa ra đánh giá qua từng lá phiếu. Qua kết quả nhận được, cá nhân tôi cũng phân tích để thấy những gì mình đã làm được, những gì chưa làm được, với những phiếu tín nhiệm thấp thì qua đó để mình cố gắng hơn nữa khắc phục những hạn chế, những điểm còn yếu của mình, làm tốt hơn công việc, nhiệm vụ được giao phó.

Tôi cũng coi những phiếu tín nhiệm cao dành cho mình là sự động viên, khích lệ để mình phát huy, và đó là động lực để mình phấn đấu. Kết quả tín nhiệm sẽ giúp tôi hoàn thiện hơn, khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, cố gắng làm việc để nhận được đánh giá cao hơn trong thời gian tới…", bà Hải chia sẻ.

Về lĩnh vực mình phụ trách, bà Hải đánh giá thời gian qua các báo cáo Ban Dân nguyện tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng bước có hiệu quả, đặc biệt là chuyển biến tích cực trong việc tiếp thu, trả lời ý kiến cử tri của các bộ trưởng, trưởng ngành.

Nếu như trước đây các ý kiến, đặc biệt là kiến nghị của cử tri còn để tồn đọng rất nhiều, nhưng qua sự quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc này đã có chuyển biến mạnh mẽ và nhận được sự đánh giá cao của cả 63 đoàn đại biểu Quốc hội.

"Đương nhiên là trong quá trình làm việc thì có những sự va chạm nhất định, nhưng những kết quả công việc và sự đánh giá tích cực đã khích lệ chúng tôi. Chúng tôi luôn ý thức lấy sự hài lòng của cử tri làm thước đo đánh giá công việc của mình…", bà Thanh Hải nhấn mạnh.

Dấu ấn của Thủ tướng

Với câu hỏi nền kinh tế khởi sắc, nhưng phiếu tín nhiệm dành cho bộ trưởng kinh tế vẫn chưa cao, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương), khẳng định, yêu cầu của Quốc hội là rất cao đối với mỗi cá nhân được giao nhiệm vụ và trọng trách trước nhân dân.

Yêu cầu cao thì anh phải phấn đấu cao hơn nữa. Đó là một cái giám sát mang tính chất chặt chẽ, chu đáo và nhìn nhận một cách toàn diện của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Bởi vì, ĐBQH thì người dân sẽ giám sát nên chính ĐBQH cũng phải theo dõi sát các Bộ trưởng. 12/26 bộ trưởng đạt được tín nhiệm cao trên 50%, còn mức độ đạt được tín nhiệm.

Với phiếu tín nhiệm cao dành cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, ông Vũ Trọng Kim cho rằng mức phiếu trên thể hiện vị Chủ tịch Quốc hội đã hoàn thành được nhiệm vụ, với cương vị là người đứng đầu cơ quan lập pháp, thực hiện việc xây dựng pháp luật cũng như vai trò giám sát. 

Đồng thời đưa ra được nhiều nội dung cuộc họp, kỳ họp được cải tiến, đưa ra được nhiều chuyên đề giám sát, vừa ra được những vấn đề có tính chất phát huy dân chủ của đại biểu để đi sâu vào công việc của Quốc hội...

"Điều đó rất bình thường, đúng mức, khác với bên Chính phủ. Cuộc sống của người dân hàng ngày tác động và trách nhiệm quản lý điều hành thế nào để có kết quả thì nó lại cần lĩnh vực khác, một phạm vi khác, một yêu cầu khác…", ông Vũ Trọng Kim đánh giá.

Đặt vấn đề chưa bao giờ người đứng đầu Chính phủ đạt được số phiếu "tín nhiệm cao" cao nhất trong khối Chính phủ nhưng lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được số phiếu "tín nhiệm cao" cao nhất trong số các thành viên Chính phủ.

Ông Vũ Trọng Kim khẳng định điều đó chứng tỏ từ năm 2016 đến nay, từ sau ĐH Đảng, chúng ta lập ra một Chính phủ kiện toàn trong đó đưa lên ưu tiên hàng đầu là kiến tạo, phục vụ nhân dân, liêm chính và phải thực hiện được chức năng phục vụ nhân dân tốt nhất.

Theo hướng đó đã thúc đẩy kinh tế phát triển, các vấn đề xã hội được bảo đảm an toàn và những tiến bộ xã hội rõ rệt. Cho nên kết quả thu được tốt hơn.

"Dấu ấn cá nhân của Thủ tướng là đầy nhiệt huyết, trách nhiệm; còn những sáng kiến, sáng tạo dần dần đã đi vào cuộc sống. Bước đầu có hiệu quả và hiệu quả đó được xã hội ghi nhận…",ông Kim nói.

Tại sao khối lập pháp có phiếu tín nhiệm cao?

Khối lập pháp có những người xuất sắc, đã xây dựng được hệ thống pháp luật của chúng ta từ khâu đưa ra kế hoạch, tức là các sáng kiến pháp luật, là phải đưa ra được các đầu công việc về pháp luật.

Sau đó là tổ chức thực hiện, bằng những biện pháp cụ thể để khác trước, tức là sâu sát với thực tế hơn, đã giải quyết được các vấn đề thực tiễn cuộc sống, người dân thấy rằng giám sát của Quốc hội là có giá trị, đã thúc đẩy, tháo gỡ được các vấn đề vướng mắc, vượt qua được những khó khăn nhất định.

Ví dụ, nợ xấu ngân hàng, quyết định của Quốc hội rất có giá trị. Hay quản lý nợ công hiện nay khác hẳn. Cho nên hệ thống ngân hàng, chính sách tiền tệ ổn định trở lại và mọi việc có những bước tiến rõ rệt.

ĐB Vũ Trọng Kim



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại