Sau khi thu hàng tỉ đô nhờ "bán bia, bán sữa", năm 2018 sẽ bán gì?

KH |

Đại diện Bộ Tài chính cho biết sau Sabeco, Vinamilk, trong năm 2018 tới các đại gia lớn như PVN, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng Công ty điện lực dầu khí, PVoil, các công ty của Tập đoàn Caosu tiến hành thoái vốn nhà nước với số tiền rất lớn.

Phát biểu tại họp báo chuyên về về cổ phần hoá DNNN, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn trong cổ phần hoá, bởi trong danh mục các DNNN thoái vốn nhà nước mới thực hiện được những cái tên như Sabeco, Vinamilk còn Habeco, PVN, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng Công ty điện lực dầu khí, PVoil, các công ty của Tập đoàn Caosu sẽ lần lượt thoái vốn.

Tuy nhiên khác với năm 2017, các thương vụ lớn sẽ phải phân bổ đều ra cả năm chứ không theo kiểu "đầu năm đủng đỉnh rồi cuối năm chạy tiến độ", làm cho bức tranh điều hành dồn dập, thị trường bị dồn vào 1 thời điểm và sức nóng sẽ không chỉ dồn vào cuối năm.

Khi được hỏi về việc đại gia Thái Lan núp bóng doanh nghiệp Việt để thâu tóm Sabeco với giá 5 tỉ USD có phải là lách luật hay không, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, nhà đầu tư Thái đã tuân thủ pháp luật Việt Nam và DN Việt nhưng có vốn nước ngoài 49% thì theo Luật Đầu tư vẫn coi như DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với DN bia - sữa, Chính phủ tuyên bố sẽ không nắm, không phân biệt doanh nghiệp sở hữu trong hay ngoài nước.

Ông Tiến cũng khẳng định, thương vụ tỷ phú Thái mua Sabeco có cơ chế đấu giá, có chính sách pháp luật cụ thể, nhà đầu tư đảm bảo đúng cơ chế, đúng pháp luật Việt Nam. Các Bộ Tư pháp, KH&ĐT, Công an đều có ý kiến thẩm tra và cho rằng phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Xung quanh câu hỏi về việc sử dụng số tiền gần 5 tỉ USD bán được từ Sabeco, đại diện bộ Tài chính cho biết, số tiền bán vốn Sabeco và nhiều tập đoàn, DN khác sẽ được chuyển về kho bạc Nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước và không phải để trả nợ, việc thu chi liên quan đến số tiền này sẽ được báo cáo, kiểm toán định kỳ.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2017 (tính đến ngày 20.12.2017), đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 213.747 tỉ đồng và giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 88.390 tỉ đồng.

Đối với chuyển nhượng vốn nhà nước tại Sabeco, ngày 18.12, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá thành công 343.662.587 cổ phần (53,59% vốn điều lệ) của Sabeco và dự kiến thu về khoảng 109.972 tỉ đồng (ngày 28.12 là hạn thanh toán cuối cùng của nhà đầu tư trúng giá).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại