Sau khi Mỹ siết chặt gọng kìm, ông Tập đưa ra lời kêu gọi cấp thiết về những điểm yếu "bóp nghẹt" TQ

Hồng Anh |

"Chúng ta [Trung Quốc] càng đối mặt với nhiều thách thức và kìm hãm, chúng ta càng không nên tự cô lập chính mình", ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Trung Quốc đang phải đối mặt với những thay đổi "sâu sắc và phức tạp"

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin, ngày 11/9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi cộng đồng khoa học trong nước vượt qua những điểm yếu đang "bóp nghẹt" Trung Quốc, đặc biệt là việc nước này vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ của nước ngoài.

Theo bài đăng hôm 12/9 của hãng thông tấn trung ương Tân Hoa Xã, ông Tập đã nhấn mạnh tại một diễn đàn ở Bắc Kinh rằng hiện nay Trung Quốc đang cần những giải pháp khoa học để giải quyết những vấn đề của mình hơn bao giờ hết.

"Giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ trên trường quốc tế, chúng ta cần phải tìm ra con đường riêng để phát triển, để trở nên sáng tạo hơn và đạt được nhiều đột phá hơn ngay từ đầu", ông Tập phát biểu tại diễn đàn.

Lời kêu gọi trên được nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ tăng cường siết chặt quyền sử dụng công nghệ Mỹ của các công ty Trung Quốc, đồng thời mở rộng lệnh cấm đối với các sinh viên Trung Quốc theo học ngành khoa học tại Mỹ.

Hôm 10/9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố hủy visa của hơn 1.000 công dân Trung Quốc đang học tập hoặc làm nghiên cứu tại Mỹ, với cáo buộc rằng những người này có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Phía Bắc Kinh đã lên án động thái của Washington là "phân biệt chủng tộc và ngược đãi chính trị công khai".

Phát biểu trong sự kiện ngày 11/9, ông Tập cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với những thay đổi "sâu sắc và phức tạp" ở trong nước và nước ngoài, và những thay đổi này yêu cầu ngành khoa học của Trung Quốc phải có những bước tiến nhanh chóng hơn nữa.

Một số những lĩnh vực nghiên cứu chủ chốt cần khắc phục đã được ông Tập liệt kê bao gồm: vấn đề phụ thuộc vào hạt giống nhập khẩu của ngành nông nghiệp, giải quyết nhu cầu nhập khẩu nhiều linh kiện quan trọng trong ngành sản xuất kỹ thuật trọng yếu, và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, ông Tập cũng liệt kê hàng loạt những vấn đề ngăn cản sự phát triển của kinh tế và xã hội mà "Trung Quốc cần giải quyết", bao gồm việc thiếu kỹ thuật nông nghiệp, ô nhiễm và phân bổ nguồn nước không đồng đều. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của bộ phận dân số đang già hóa, nước này cũng cần tiếp tục cải thiện lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế.

"Đối với các ngành công nghệ - kỹ thuật có thể dễ dàng đạt được giải pháp và đột phá, chúng ta cần nhanh chóng tiến lên. Đối với các ngành cần nhiều thời gian hơn, chúng ta cần triển khai nguồn lực từ trước", ông Tập cho biết.

Sau khi Mỹ siết chặt gọng kìm, ông Tập đưa ra lời kêu gọi cấp thiết về những điểm yếu bóp nghẹt TQ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Imagine China

"Trung Quốc cần trở nên cởi mở hơn"

Bên cạnh việc trở nên tự lực, ông Tập nói rằng Trung Quốc cũng cần trở nên cởi mở hơn, toàn diện và tích cực hơn trong vấn đề tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học.

"Chúng ta càng đối mặt với nhiều thách thức và kìm hãm, chúng ta càng không nên tự cô lập chính mình", nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được giải quyết, ông Tập cho rằng giới khoa học Trung Quốc cần tăng cường hợp tác với các nhà khoa học đến từ các quốc gia khác trên thế giới để ngăn chặn virus corona lây lan, từ việc phát triển vaccine đến việc cải thiện các xét nghiệm.

Một giải pháp được ông Tập đề ra là thu hút các chuyên gia hàng đầu và tạo ra "các điều kiện và môi trường cạnh tranh, hấp dẫn" để các nhà khoa học nước ngoài đến Trung Quốc làm việc: "Chúng ta sẽ từng bước cho phép các tổ chức khoa học-kỹ thuật quốc tế hoạt động tại Trung Quốc, cho phép các nhà khoa học nước ngoài làm việc trong các viện nghiên cứu khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc".

Ông Tập cũng đã kêu gọi các nhà khoa học Trung Quốc cần "sáng tạo và phát huy tinh thần yêu nước" bằng cách noi gương những thế hệ cha, anh đã giúp nước này đạt được nhiều thành tựu như phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa và vệ tinh trong giai đoạn thập niên 1950-1970.

"Tôi hy vọng rằng các bạn, những nhà khoa học của chúng ta... sẽ phát huy tinh thần yêu nước, cùng gánh vác nghĩa vụ lịch sử và gắn mục tiêu nghiên cứu khoa học của mình với sự nghiệp vĩ đại của đất nước - đó là xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại", ông Tập cam kết sẽ tăng cường đầu tư vào lĩnh vực khoa học - công nghệ để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại