Chỉ vài phút sau khi Vũ Hán gỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 76 ngày vào nửa đêm 8/4, Zhang Hai (50 tuổi) tự lái xe rời đi. Zhang đi khỏi thành phố, nơi cha ông đã thiệt mạng vì đại dịch Covid-19.
"Trái tim tôi đã tan nát tại Vũ Hán," - Hai chia sẻ. "Nơi ấy với tôi chỉ còn đau thương và tức giận mà thôi."
3 tháng trước, Hai đã phải lái xe hơn 1000 cây số, đưa cha anh - ông Zhang Lifang đến Vũ Hán để phẫu thuật cho cái chân bị gãy. Lý do phải đi xa như vậy là vì ông Lifang về hưu tại Vũ Hán, và sẽ được chữa trị miễn phí ở thành phố này.
Vũ Hán ngày gỡ phong tỏa
Cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Nhưng bi kịch thay, Zhang Lifang đã nhiễm Covid-19 khi đang dưỡng thương trong bệnh viện.
Ông được xác nhận dương tính vào ngày 30/1, rồi ra đi mãi mãi sau đó 2 ngày, hưởng thọ 76 tuổi.
"Tôi đã không biết dịch bệnh tại Vũ Hán tệ như thế nào, nên đã vô tình đưa bố vào chỗ chết. Mỗi lần nghĩ lại, tôi lại cảm thấy ngập tràn hối hận và tức giận với chính mình." - Hai nói thêm khi đang quay trở lại Thâm Quyến, nơi ông từng sống với bố.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì ông vẫn sẽ phải quay trở lại Vũ Hán. Bởi lẽ, tro cốt của cha vẫn còn đang được giữ tại nhà tang lễ của thành phố.
Ông Zhang Lifang - cha của Zhang Hai đã thiệt mạng vì virus corona ở tuổi 76.
Tuần qua, cuộc sống của người Vũ Hán bắt đầu trở lại bình thường.
Người dân quay lại làm việc, các cơ sở kinh doanh và cửa hiệu tái mở cửa, hè phố có người qua lại và xe cộ lấp đầy những con đường từng cực kỳ hoang vắng.
Nhưng với những người như Zhang Hai, thành phố này sẽ chẳng bao giờ được như xưa nữa.
Kể từ khi dịch bùng nổ hồi tháng 1/2020, virus corona đã cướp đi hơn 2.500 sinh mạng tại Vũ Hán - chiếm 77% số người tử vong của Trung Quốc, theo số liệu của Ủy ban y tế quốc gia.
Và giờ khi mọi thứ trở lại bình thường, cũng là lúc hàng ngàn gia đình phải thực hiện một việc đã bị trì hoãn hàng tháng trời: làm lễ tang, chôn cất cho người thân.
Sự đau thương bị trì hoãn
Ngày 25/1, trong nỗ lực ngăn cản sự phát tán của dịch bệnh, chính quyền Vũ Hán đã cấm toàn bộ dịch vụ tang lễ trong thành phố. Các nghĩa trang theo đó cũng phải đóng cửa, không được phép tổ chức.
Gần như toàn bộ người Vũ Hán không thể rời khỏi nhà, giao thông công cộng ngưng hoạt động.
Cộng thêm việc dịch vụ tang lễ đóng cửa, tro cốt của hàng ngàn người thiệt mạng vì virus và các nguyên nhân khác được lưu trữ trong các nhà tang lễ thành phố. Phải đến khi chính phủ gỡ bỏ lệnh phong tỏa, họ mới được phép đến nhận.
Người Vũ Hán đã chẳng thể chôn cất cho người thân kể từ khi dịch vụ tang lễ trong thành phố buộc phải đóng cửa.
Đa số các gia đình đã không được trông thấy thi thể người thân.
Vì lo sợ virus phát tán, mọi thi thể người nhiễm hoặc nghi nhiễm sẽ được chuyển thẳng từ bệnh viện đến nhà tang lễ để tiến hành hỏa táng, theo như thông báo từ Ủy ban y tế quốc gia. Và cùng với đó, nỗi đau xót cho người thân cũng phải kìm nén, chờ đợi.
Cuối tháng 3, sau khi không có thêm người nhiễm mới ở thành phố trong nhiều ngày liên tiếp, cư dân Vũ Hán cuối cùng đã được phép đến nhận tro cốt của người thân, đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Một loạt hình ảnh người dân xếp thành hàng dài trước nhà tang lễ xuất hiện, lan tỏa trên mạng xã hội và được các kênh truyền thông bên ngoài Trung Quốc ghi nhận.
Zhang Hai sinh sống tại Thâm Quyến, và ông đã rất lo lắng về việc chôn cất cho cha mình, vốn là giảng viên tại một trường đại học ở Vũ Hán trước khi về hưu.
Ngôi trường này đã liên hệ với anh, cho biết anh sẽ không được phép đến nhận tro cốt trừ phi đi cùng một người từ ngôi trường nơi cha anh giảng dạy, hoặc một công chức ủy ban khu phố.
Trong đại dịch, các ủy ban sẽ chịu trách nhiệm duy trì trật tự, phối hợp với bệnh viện và chính quyền địa phương để kiểm soát dịch bệnh.
Hai cho biết, ông thấy khó chịu khi nghĩ đến việc người lạ sẽ xen vào thời khắc cuối cùng anh với tro cốt của cha. "Việc tiếp nhận và làm hậu sự cho cha là điều tôi nghĩ phải làm một mình, vì đó là khoảnh khắc riêng tư. Còn họ thì chẳng phải gia đình tôi."
Những đám tang lặng lẽ
Peng Yating - một nhà tư vấn giáo dục 34 tuổi vội vã đến nghĩa trang Biandanshan ở Vũ Hán vào rạng sáng ngày 28/3.
Mỗi mùa xuân, Peng và mẹ lại đi tảo mộ ở đây vào Tiết Thanh Minh.
Nhưng năm nay, cô đến vì một lý do khác: để chọn nơi an nghỉ cuối cùng cho mẹ, một trong những nạn nhân tử vong khi cơn bão virus corona quét qua Vũ Hán.
Một người đàn ông bên di ảnh của người thân phía trước nghĩa trang Biandanshan.
Sáng sớm ngày 4/4, Peng đến nghĩa trang để nhận mộ cho mẹ, thì thứ đón cô là một hàng dài người đang chờ đợi. Cô vào xếp hàng, với số thứ tự 71.
"Có lẽ do quá sớm, nghĩa trang khi đó tĩnh lặng đến rùng mình. Nhiều gia đình có mặt ở đây nhưng họ không gây ồn ào.
Không kêu không, cũng không thể hiện điều gì quá nhiều. Họ chỉ lặng lẽ đứng xếp hàng, chờ đợi đến lượt," - Yating chia sẻ trên Weibo.
"Người chết chẳng thể nói được nữa, nhưng người sống cũng không muốn lên tiếng."
Ở thời điểm ấy, Vũ Hán vẫn chưa gỡ hoàn toàn lệnh phong tỏa, đám tang cũng chưa được phép tổ chức. Một bà mẹ giấu tên chia sẻ, bà sẽ tiến hành chôn cất cho con gái vào ngày 9/4 cùng với chồng và cháu gái.
Đội cảnh vệ trong trang phục phòng độc đứng canh gác tại nghĩa trang Biandanshan ngày 31/3
"Sẽ không có lễ tang nào cả, chẳng có cách nào hết. Chúng tôi chỉ có thể chôn con trong lặng lẽ," - bà trả lời phỏng vấn qua điện thoại.
Cách Vũ Hán cả ngàn cây số, Zhang Hai đã trở về nhà ở Thâm Quyến vào ngày 9/4 sau khi vượt qua xét nghiệm virus corona - thủ tục bắt buộc dành cho bất kỳ ai từ Vũ Hán.
Trong căn hộ của mình, anh vẫn nghĩ về cha, và không thôi tự trách mình vì đã mang ông đến Vũ Hán vào ngày 17/1.
Khi đó, các chuyên gia y tế đã nhận định "không có bằng chứng nào cho thấy virus có thể lây từ người sang người" và dịch bệnh "có thể phòng ngừa và đang được kiểm soát."
"Những quan chức không đưa tin kịp thời cần phải bị trừng phạt thích đáng," - Hai nhận xét.