Sau khi ép vua nhường ngôi, vì sao Tào Phi chỉ ngồi trên ngai vàng 6 năm thì chết?

Minh Nhật |

Tào Phi trong "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung tầm thường, chẳng có điểm gì nổi bật nhưng Tào Phi trong lịch sử lại hoàn toàn khác. Ông là người đã ép Hán Hiến Đế nhường ngôi và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Tào Ngụy.

Sau khi ép vua nhường ngôi, vì sao Tào Phi chỉ ngồi trên ngai vàng 6 năm thì chết? - Ảnh 1.

Sau khi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, Tào Phi chỉ ngồi trên ngai vàng 6 năm thì chết. Ảnh Sohu.

Theo Sohu, Tào Phi (187 - 226) là con trai thứ của Tào Tháo - một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc.

Theo Ngụy thư, Tào Phi từ nhỏ văn võ song toàn, 8 tuổi có thể đặt bút viết thơ, giỏi kị xạ, múa kiếm, thông hiểu Bách gia chư tử (những tư tưởng và triết lý của Trung Quốc thời cổ đại) nên được Tào Tháo hết sức yêu mến. Năm 217, sau khi đánh bại em trai Tào Thực trong việc tranh giành quyền thừa kế, Tào Phi chính thức được phong làm thế tử nước Ngụy, tức Ngụy thế tử, trở thành người kế vị Tào Tháo.

Trong số những người con của Tào Tháo, Tào Phi được đánh giá là người sắc sảo nhất. Thay vì dùi mài kinh sử hay thao luyện quân binh, Tào Phi thường có mặt trong triều cùng các bá quan văn võ để tranh thủ sự ủng hộ của họ và tham gia vào việc quân sự cùng Tào Tháo.

Năm 220, Ngụy vương Tào Tháo chết, Tào Phi kế nghiệp chức Thừa tướng nhà Hán, nhận danh hiệu Ngụy vương.

Lên làm Ngụy vương, Tào Phi không e ngại dư luận như Tào Tháo và có chí hướng muốn soán Hán tự lập. Mùa thu năm đó, Tào Phi sai thân tín dâng thư lên Hán Hiến Đế, khuyên Hiến Đế nhường ngôi cho Ngụy vương. Để tỏ ra khiêm nhường, Tào Phi đã từ chối 3 lần, đến lần thứ 4 mới nhận. Đây được gọi là sự kiện Tào Phi soán Hán nổi tiếng.

Sau khi Tào Phi lên ngôi, lý tưởng lớn nhất của ông là thực hiện ước nguyện cuối cùng của cha mình là Tào Tháo - thống nhất thiên hạ. Tuy nhiên, Tào Phi đã chết khi mới làm hoàng đế được 6 năm. Khi chết, ông chỉ vừa mới bước sang tuổi 40 - vốn là thời điểm sung mãn, chín muồi nhất của một người đàn ông.

Lý do vì sao Tào Phi lại chết sớm, khi còn chưa kịp làm nhiều việc, chẳng hạn như diệt trừ nhà họ Tư Mã?

Theo Sohu, thứ 1, tuổi thọ trung bình của người xưa rất thấp, tuổi thọ trung bình của hoàng đế cũng không cao, chỉ 39,2 tuổi.

Xét về tuổi thọ trung bình, Tào Phi sống đến 40 tuổi là đã đạt tuổi thọ trung bình của hoàng đế. Ngoài các nguyên nhân như bị đau ốm, bị ám sát, một nguyên nhân lớn khác khiến các hoàng đế cổ đại có tuổi thọ thấp phần lớn là do chính họ tự chuốc lấy.

Thứ 2, một người như Tào Phi - tính cách đa dâm giống hệt Tào Tháo. Khi ngồi được lên ngai vàng, lại càng không biết tiết chế dục vọng, ham mê tửu sắc, ngày đêm hoan lạc, vì thế tao tổn tuổi thọ là điều dễ hiểu.

Sử sách chép rằng, Tào Phi không chỉ kế thừa đại nghiệp của Tào Tháo mà còn kế thừa các thê thiếp và mỹ nữ của Tào Tháo.

Vì đam mê tửu sắc lâu ngày, thân thể Tào Phi nhanh chóng không chống đỡ được và cuối cùng đổ bệnh. Đến mẹ ruột của Tào Phi là Biện phu nhân cũng gay gắt lên án việc Tào Phi nạp hết thê thiếp và mỹ nữ của cha và từng mắng rằng: "Ngươi thật đáng chết". Thậm chí, khi Tào Phi qua đời, Biện phu nhân vẫn còn giận ông.

Là bậc quân vương sắc sảo nhất trong dòng họ Tào sau Tào Tháo, Tào Phi chết khi mới 40 tuổi được xem là một điều đáng tiếc cho đế chế Tào Ngụy. Mặc dù người kế vị của Tào Phi là Tào Duệ tương đối thông minh và có năng lực, nhưng tuổi thọ cũng không cao hơn khi cũng qua đời ở tuổi 36. Các thế hệ sau của nhà họ Tào đều tầm thường, yếu kém nên giang sơn cuối cùng rơi vào tay họ Tư Mã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại