Sau hơn 3 giờ giao lưu trực tuyến, thái độ của Putin với Mỹ đã rõ

Đức Huy |

Trao đổi với báo điện tử Trí Thức Trẻ, nhà báo Nguyễn Đăng Phát nhận định, gam màu chung của buổi giao lưu trực tuyến giữa Tổng thống Putin và người dân Nga tương đối "nhẹ nhàng".

Nhân buổi giao lưu trực tuyến (GLTT) của Tổng thống Vladimir Putin với người dân Nga hôm 14/4 vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, nguyên Trưởng đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Nga.

Xem toàn bộ nội dung buổi GLTT tại đây: >> Tổng thống Nga Vladimir Putin giao lưu trực tuyến cùng người dân

Khác với những tuyên bố hùng hồn, đanh thép trong thông điệp liên bang cũng như buổi trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí trong và ngoài nước hồi cuối năm 2015, ông Putin thể hiện một phong thái nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong buổi GLTT lần này, nhà báo Phát nhận định.


Nhà báo Nguyễn Đăng Phát (phải) tham gia tường thuật trực tiếp buổi GLTT của Tổng thống Putin. (Ảnh: Mạnh Quân)

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát (phải) tham gia tường thuật trực tiếp buổi GLTT của Tổng thống Putin. (Ảnh: Mạnh Quân)

Trong 3 tiếng 39 phút giải đáp thắc mắc của người dân Nga, Tổng thống Putin đã trả lời khoảng 80 câu hỏi, phần lớn trong số đó đã được nhận từ trước khi buổi giao lưu bắt đầu.

"Chính vì thế, bộ phận chuẩn bị có thể định hướng được chủ đề, chọn được cái 'tông' mà họ muốn cho buổi giao lưu trực tuyến, mà lần này là một cái 'tông' tương đối nhẹ nhàng" - nhà báo Phát nhận định.

Sự "nhẹ nhàng" ấy được thể hiện qua nhiều khía cạnh, như qua cách trả lời khá "mềm" và pha chút hóm hỉnh của ông Putin, hay qua việc có rất nhiều câu hỏi ngộ nghĩnh do các em nhỏ gửi đến được Tổng thống Nga chọn trả lời, cũng như qua chính nội dung các câu hỏi được lựa chọn.


Câu hỏi khá hồn nhiên của một bé gái 11 tuổi gửi đến Tổng thống Nga.

Câu hỏi khá hồn nhiên của một bé gái 11 tuổi gửi đến Tổng thống Nga.

Theo nhà báo Phát, việc ông Putin và các chuyên viên truyền thông điện Kremlin chọn gam màu "nhẹ nhàng" cho buổi GLTT lần này, có 2 lý do chính.

Thứ nhất, về mặt đối nội, trước thềm cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga vào tháng 9 tới đây, nhà báo Phát cho rằng Tổng thống Putin muốn giữ một bầu không khí ổn định trong nước.

Nguyên trưởng phân xã TTXVN tại Nga cũng chỉ ra rằng, trong cuộc bầu cử Duma năm 2011, chỉ có 7 đảng tranh cử, và 4 đảng có ghế trong Quốc hội. Nhưng lần này, có thể có khoảng 14 đảng đủ điều kiện tham gia bầu cử.

"Các điều kiện tham gia tranh cử Quốc hội đã được nới lỏng hơn rồi.

Có thể thấy chính quyền Nga cũng muốn bắn đi những tín hiệu, một là tin tưởng đảng Nước Nga thống nhất (đảng cầm quyền - PV) sẽ có kết quả thuận lợi, cũng như muốn tránh tranh cãi gay gắt liên quan đến các vấn đề đối lập" - nhà báo Phát nhận định.

Ông cho biết, luật pháp bầu cử Nga đã thay đổi rất nhiều, để tránh tình trạng biểu tình dài ngày diễn ra hậu bầu cử như trong năm 2011, khiến giá trị của bầu cử giảm đi rất nhiều.

"Xu hướng hiện nay, ông Putin muốn cho mọi thứ 'yên lành' hơn. Tuy còn nhiều khó khăn về đối nội, nhưng phải giữ bầu không khí nhẹ nhàng để người dân an tâm bầu cử" - nhà báo Phát phân tích.

Thứ hai, trong các vấn đề đối ngoại, nhà báo Phát cho rằng trong thời gian gần đây, Nga-Mỹ đã có những hợp tác tốt, với những tín hiệu tương đối tích cực trong phối hợp song phương tại Syria. Và ông Putin đã tiếp nối chiều hướng ấy trong buổi GLTT lần này.

Có thể thấy rõ điều đó qua nhận định của Tổng thống Nga về người đồng cấp Barack Obama trong câu hỏi về việc Obama mới đây thừa nhận Libya chính là "sai lầm lớn nhất" của ông trong 2 nhiệm kì Tổng thống.

"Điều đó khẳng định Tổng thống Mỹ là một người nghiêm chỉnh. Nói ra một điều như thế là một việc hoàn toàn không đơn giản... Ông ấy [Obama] đã có sự dũng cảm để đưa ra những tuyên bố như thế" - ông Putin phát biểu.

Đương nhiên, Tổng thống Nga cũng không quên "đá xoáy" Mỹ rằng "những sai lầm như thế lại cứ được lặp lại", và đó cũng là một phần lý do tại sao tuy quan hệ Nga-Mỹ đang tiến triển tốt, nhà báo Phát cho rằng vẫn chưa thể nói trước điều gì.

"Đừng có nói là 'tan băng' vội, chưa gì cả, nhưng không khí đã có mềm hơn, có ấm lên một chút" - ông nhận định.

Ngay chính trong các phát biểu về Thổ Nhĩ Kỳ, khi quan hệ hai nước vẫn còn trục trặc kể từ sau vụ Su-24 bị bắn hạ hồi tháng 11/2015, Tổng thống Putin vẫn giữ một thái độ khá mềm dẻo khi nói rằng, ông vẫn coi "dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ là bạn", và chỉ có hiềm khích với "một số chính trị gia" nước này.

Để thấy rõ sự khác biệt, trong Thông điệp Liên bang vài tháng trước, ông Putin đã nói về Thổ Nhĩ Kỳ như thế này:

Đúng là "nhẹ nhàng" hơn hẳn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại