Sau gần 70 năm chia cách, VĐV hai miền bán đảo Triều Tiên bối rối vì... bất đồng ngôn ngữ

Tất Đạt |

Theo tờ Korean Herald, ngày hôm qua (29/1), đội khúc côn cầu chung của hai miền báo đảo Triều Tiên đã gặp một thử thách bất ngờ trong buổi tập luyện đầu tiên.

Các vận động viên (VĐV) hai bên bất đồng ngôn ngữ và sử dụng những thuật ngữ khúc côn cầu khác biệt khi thi đấu, khiến cả đội bối rối và phải tìm cách giải quyết vấn đề.

Sau 7 thập kỉ chia cách từ Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, ngôn ngữ chung trên bán đảo đã dần phân hóa rõ rệt do những ảnh hưởng của thời đại mới, và cũng một phần do giao tiếp dân sự giữa hai nước Triều Tiên – Hàn Quốc bị chặn trong nhiều năm qua.

Người dân hai miền vẫn sử dụng cùng hệ thống chữ viết – còn được gọi là chữ Hangul – một bảng chữ cái được phát triển vào thế kỉ 15 để thay thế chữ Hán.

Các VĐV Hàn Quốc sử dụng nhiều từ mượn từ tiếng Anh và giữ nguyên cách phát âm gốc đối với các thuật ngữ khúc côn cầu. Trong khi đó, các VĐV Triều Tiên lại tạo thuật ngữ riêng, thuần ngôn ngữ Triều Tiên để sử dụng.

Để giải quyết vấn đề giao tiếp, các huấn luyện viên và giám sát viên Hàn Quốc đã lập một bảng từ vựng và phát cho các VĐV trước khi tập luyện. Bảng này còn bao gồm phát âm tiếng Anh của thuật ngữ bên phía Triều Tiên để huấn luyện viên người Canada của đội tuyển Hàn Quốc có thể sử dụng.

Trả lời tờ Chosun, một cán bộ tại Hiệp hội Khúc côn cầu Hàn Quốc (KIHA) nói: "Bảng từ vựng giúp các VĐV hiểu nhau hơn và họ đang cố gắng quen với những cụm từ mới. Trong quá trình luyện tập, chúng tôi thường xuyên nghe thấy các VĐV dùng sai thuật ngữ".

Hãng News1 của Hàn Quốc cho biết, buổi luyện tập chung đầu tiên đã diễn ra trong bầu không khí "nghiêm túc nhưng không kém phần thân thiện", và nhiều VĐV Triều Tiên đã cho thấy họ có "tinh thần tập trung cao độ và ý chí thi đấu vững vàng".

Sau khi hai miền bán đảo bị chia cách, Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ thi đấu dưới cùng màu cờ hồi năm 1991, khi các VĐV nữ giành huy chương vàng tại giải vô địch bóng bàn thế giới tổ chức ở Nhật Bản, và đội bóng chung U19 vào được vòng tứ kết thế giới tại Bồ Đào Nha.

Hàn Quốc và Triều Tiên diễu hành dưới cùng 1 lá cờ thống nhất tại Olympic Sydney năm 2000. Nguồn: Youtube

Hai quốc gia bán đảo đều có mã thi đấu riêng tại các kì Olympic – PRK (Triều Tiên) và KOR (Hàn Quốc) – và khi đội thể thao chung được thành lập, họ sẽ thi đấu dưới mã COR, bắt nguồn từ từ "Corée" trong tiếng Pháp, có nghĩa là Triều Tiên.

Đội VĐV khúc côn cầu được thành lập từ 23 VĐV Hàn Quốc và 12 VĐV Triều Tiên. Họ sẽ có trận giao hữu đầu tiên với đội Thụy Điển vào ngày 4/2 tới.

Bình Nhưỡng sẽ cử thêm 10 VĐV để tham gia những môn thể thao khác, bao gồm trượt tuyết và trượt băng nghệ thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại