Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được nhiều sự tán đồng sau quyết định tấn công căn cứ quân sự của Syria, nhưng nhiều người ủng hộ theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở Mỹ và nước ngoài lại đang chỉ trích động thái này và giữ khoảng cách với Trump.
Nigel Farage, chính khách ủng hộ Brexit là người từng lên tiếng ủng hộ Trump trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái và cũng là một trong những người đầu tiên gặp gỡ Trump sau khi ông đắc cử. Tuy nhiên, Farage cũng phải thành thật rằng ông đã "rất ngạc nhiên" bởi động thái quân sự của Mỹ.
Chính khách Anh Nigel Farage.
"Tôi nghĩ rằng rất nhiều người từng bỏ phiếu cho Trump phải vò đầu bứt tai khi thức dậy vào sáng nay và thốt lên câu hỏi: Tất cả những chuyện này sẽ kết thúc ở đâu?", Farage nói, "Là một người ủng hộ Trump, tôi phải nói là, đúng, bức tranh rất tồi tệ, nhưng tôi rất ngạc nhiên. Dù Assad có tội lỗi gì thì ông ta vẫn (là một người) thế tục".
(Thế tục: Trạng thái không liên quan tới tôn giáo)
Những bình luận của Farage thể hiện sự bức bối và tức giận của phe cánh hữu sau khi vụ việc xảy ra.
Những người theo chủ nghĩa dân túy, những người từng tán thành Trump khi ông coi thường hoạt động can thiệp của Mỹ ở nước ngoài và tuyên bố rằng Mỹ "không thể là sen đầm của thế giới", rất kinh ngạc bởi vụ tấn công. Ngược lại, cộng đồng quốc tế từng tỏ ra xa cách Trump lại đứng lên ủng hộ.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel - những nhà lãnh đạo vốn có quan hệ không mấy nồng ấm với Trump - cho rằng: Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho tình thế hiện tại.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố, Chính phủ của ông "hoàn toàn ủng hộ hành động tập trung và có giới hạn của Mỹ - quyết định khiến khả năng triển khai các cuộc tấn công hóa học nhằm vào dân thường vô tội của chính quyền Assad bị hạ thấp".
Trả lời BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói: "Chúng tôi toàn tâm ủng hộ những gì người Mỹ đã làm" và nhận xét cuộc tấn công là "có chừng mực và hoàn toàn phù hợp".
Khi người ủng hộ quay lưng
Quan điểm của ông Fallon trái ngược với lập trường của Farage. Cựu lãnh đạo đảng Độc lập hối thúc Anh không nên tham gia vào bất cứ cuộc tấn công nào nữa: "Những động thái can thiệp trước đây tại Trung Đông khiến tình trạng thêm tồi tệ, hơn là cải thiện nó".
Còn theo lãnh đạo hiện tại của đảng Độc lập Paul Nuttall, cuộc tấn công "nóng vội, bộc phát, vô nghĩa và sẽ không đem lại điều gì".
"Cả thế giới lên án việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, nhưng cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào chế độ Assad lại không giúp xoa dịu căng thẳng, cũng không thúc đẩy hòa bình tại đất nước này", Nuttal nói.
Tại Pháp, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen cũng có vẻ không đứng cùng một phía với Trump. Đăng tải trên Twitter, bà Le Pen "cực lực lên án" cuộc tấn công "tồi tệ" vào căn cứ không quân Syria.
Chính khách Pháp Marine Le Pen.
"Chờ đợi kết quả điều tra độc lập trước khi tiến hành tấn công Syria có phải là một đề nghị quá đáng không?", bà Le Pen phát biểu trên kênh truyền hình France 2.
Các lãnh đạo dân túy tại Mỹ cũng thể hiện sự bất mãn của mình. "Tôi vô cùng quan ngại rằng, những cuộc tấn công này có thể một lần nữa kéo Mỹ quay trở lại vũng lầy ở Trung Đông", Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói, "Nếu 15 năm qua có thể nói lên một điều thì đó là: Hoạt động quân sự ấy là thảm họa đối với an ninh Mỹ, kinh tế Mỹ và nhân dân Mỹ".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul thì kêu gọi Trump tham vấn Quốc hội: "Tổng thống cần được Quốc hội ủy quyền để tiến hành các hoạt động quân sự, theo đúng quy định của Hiến pháp. Tôi kêu gọi ông ấy thực hiện một cuộc tranh luận thích hợp với Quốc hội".
Các chuyên gia chính sách ngoại giao bảo thủ, những người thường ủng hộ lập trường của tân Tổng thống Mỹ cũng tỏ ra bất bình. Chuyên gia John Glaser thuộc viện nghiên cứu Cato cho rằng, "Quyết định tấn công chính quyền Syria của Trump không có giá trị pháp lý và gần như không xoa dịu được những gì người Syria chịu đựng trong cuộc nội chiến".
Glaser còn nói rằng: "Vấn đề bây giờ là phải xem liệu Trump có thể kiềm chế được ham muốn leo thang căng thẳng và tránh được điều đáng sợ đã khiến Mỹ lún sâu vào bãi lầy vô vọng ở Trung Đông trong quá khứ hay không".
Thậm chí, những người ủng hộ Trump thuộc phe cánh hữu khác (alt-right) cũng chỉ trích vụ tấn công bằng tên lửa. "Tôi nghĩ Trump không phải là con rối của Putin. Ông ta là con rối của phe tân bảo thủ. Tôi chính thức rời khỏi phe Trump", Paul Joseph Watson của Infowars nói.
"Trò vui đã qua rồi", Watson đăng trên Twitter, "Tôi sẽ tập trung nỗ lực của mình vào Le Pen, người đã cố gắng cảnh báo Trump về thảm họa này".
Bình luận viên cánh hữu Ann Coulter, người đã vận động cho Trump viết trên Twitter rằng: "Những người muốn chúng tôi can thiệp vào Trung Đông đã bỏ phiếu cho ứng viên khác".
"Trump không chỉ tranh cử với lập trường không can thiệp vào Trung Đông", Coulter viết, "Ông ta nói quyết định đó sẽ giúp kẻ thù của chúng ta và khiến nhiều người phải tị nạn. Thế rồi ông ta nhìn thấy một bức ảnh trên truyền hình".
Cựu biên tập viên Breibart Milo Yiannopoulos cũng đăng trên Twitter rằng, "Cuối cùng đã tới một ngày trong đời mọi đứa trẻ, khi cha nó khiến nó thất vọng cay đắng".