Prithvi là một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn, sản phẩm của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), nằm trong Chương trình phát triển tên lửa dẫn hướng tích hợp (IGMDP).
Tên lửa Prithvi I (SS-150) bắt đầu được sản xuất từ ngày 25/2/1988, nhưng phải đến năm 1994 nó mới chính thức được chấp nhận đưa vào phục vụ trong biên chế Lục quân Ấn Độ.
Prithvi I có trọng lượng 4.400 kg; chiều dài 9 m, đường kính thân 110 cm, sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng một giai đoạn, tầm bắn tối đa đạt 150 km khi mang tải 1.000 kg, độ sai lệch mục tiêu (CEP) nằm trong khoảng 10 - 50 m nhờ cơ chế dẫn đường quán tính.
Tên lửa đạn đạo Prithvi I cùng xe mang phóng tự hành
Dựa trên Prithvi I, Ấn Độ đã phát triển tiếp phiên bản Prithvi II (SS-250) dành cho không quân, mặc dù chỉ mang theo đầu đạn 500 kg (trên tổng trọng lượng phóng 4.600 kg) nhưng tầm bắn được nâng lên 250 km.
Loại tên lửa này bắn thử lần đầu tiên vào ngày 27/1/1996, hoàn thành giai đoạn nghiên cứu vào năm 2004.
Trong lần bắn thử gần nhất hôm 22/12/2010, tầm hoạt động của Prithvi II đã vươn tới 350 km, tên lửa được nâng cấp hệ thống dẫn hướng và bổ sung các biện pháp đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương.
Biến thể mới nhất trong gia đình Prithvi là phiên bản hải quân Prithvi III (còn gọi là Dhanush, SS-350), loại tên lửa này có kích thước lớn nhất với trọng lượng phóng 5.600 kg.
Giai đoạn đầu khi mới rời bệ phóng, Dhanush sử dụng động cơ nhiên liệu rắn cung cấp lực đẩy 157 kN, giai đoạn tiếp theo chuyển sang bay hành trình bằng nhiên liệu lỏng.
Dhanush mang được đầu đạn 1.000 kg đi xa 350 km, tăng lên tới 600 km nếu giảm trọng lượng đầu đạn đi một nửa và đạt tới tầm bắn xa nhất 750 km khi mang phần chiến đấu nặng 250 kg.
Lần thử nghiệm đầu tiên của Prithvi III diễn ra vào năm 2000 khi được phóng đi từ chiến hạm INS Subhadra, vụ thử thứ sáu cũng là lần gần nhất vào ngày 26/11/2015 từ tàu INS Subhadra (P51) trên vịnh Bengal.
Bắn thử tên lửa Dhanush từ khinh hạm INS Subhadra (P51)
Tuy rằng đã có tín hiệu tích cực từ Chính phủ Ấn Độ, nhưng cũng tương tự nhiều chương trình hợp tác quốc phòng khác, việc chuyển giao tên lửa Prithvi cho Việt Nam vẫn chưa diễn ra.
Nguyên nhân được giải thích có thể là do bộ máy hành chính phức tạp của Ấn Độ, hoặc giống như trường hợp BrahMos, Prithvi phải ưu tiên trang bị đầy đủ cho quân đội nước này trước khi giao cho một đồng minh thân thiện như Việt Nam.
Vậy trong thời điểm hiện tại, khi quốc gia Nam Á tỏ ý đã sẵn sàng bán BrahMos, liệu Việt Nam có sắp nhận được Prithvi thành phẩm, hay tuyệt vời hơn là công nghệ để chế tạo loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn tiên tiến trên nhằm thay thế cho số Scud-B đã cũ và rất lạc hậu?
Khả năng trên hoàn toàn có thể xảy ra, nếu vậy Prithvi sẽ là đối thủ cạnh tranh nặng ký với tên lửa LORA do Israel sản xuất trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.