Đây là lần triển khai chiến đấu mới nhất của máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-2 kể từ năm 2017. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, các cuộc không kích nhắm vào năm địa điểm lưu trữ vũ khí được bảo vệ nghiêm ngặt, ở các khu vực do Houthi kiểm soát. Vụ đánh bom diễn ra vào sáng sớm hôm 17/10. Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức nào về mức độ thiệt hại.
Đây cũng là lần đầu tiên máy bay B-2 Spirit được sử dụng trong các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Houthi, lực lượng này đã nhắm mục tiêu vào các tàu thuyền ở hành lang Biển Đỏ trong nhiều tháng, đặc biệt là liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas ở Gaza.
B-2 tấn công Houthi
Kênh tin tức al-Masirah do Houthi kiểm soát đã đưa tin về các cuộc không kích xung quanh thủ đô Sana'a của Yemen. Họ cũng đưa tin về các cuộc không kích tại thành trì Saada của Houthi. Tuy nhiên, không công bố bất kỳ thông tin nào về thương vong hoặc mức độ tàn phá.
Ông Austin cho biết: "Hoạt động này chứng minh khả năng của Mỹ trong việc tấn công các cơ sở mà đối thủ cho là nằm ngoài tầm với của chúng ta, bất kể chúng nằm sâu dưới lòng đất, hay kiên cố đến mức nào".
Cả Bộ trưởng Austin và Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đều chưa cung cấp thông tin về mức độ thiệt hại của mục tiêu. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Trung ương tuyên bố rằng, không có thường dân nào thiệt mạng.
B-2 Spirit
B-2 Spirit là máy bay chiến đấu đắt tiền nhất thế giới, giá trị hơn 2 tỷ USD một chiếc, được Northrop Grumman phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1997. Đây là máy bay ném bom chiến lược được trang bị công nghệ tàng hình, khiến nó cực kỳ khó bị radar và hệ thống phòng không của đối phương phát hiện.
Với chiều dài 21 mét, sải cánh 52 mét và chiều cao 5,1 mét, B-2 được thiết kế để giảm thiểu tín hiệu radar bằng cách sử dụng vật liệu composite tiên tiến và công nghệ hấp thụ radar. Mặc dù có kích thước lớn, nhưng nó gần như vô hình trên radar.
B-2 được trang bị bốn động cơ phản lực cánh quạt General Electric F118-GE-100, cho phép đạt tốc độ khoảng 1.010 km/h. Tầm hoạt động của máy bay là khoảng 11.100 km (không cần tiếp nhiên liệu).
B-2 được trang bị hệ thống điều khiển và dẫn đường tiên tiến, bao gồm dẫn đường quán tính dựa trên GPS và điều khiển bay điện tử fly-by-wire, cùng một loạt các cảm biến như radar phát xạ thấp, hệ thống hồng ngoại và thiết bị trinh sát quang điện tử. Các hệ thống này cho phép máy bay nhắm mục tiêu chính xác và hoạt động hiệu quả trong môi trường phức tạp. Trong trường hợp của Houthis, lực lượng này sử dụng một mạng lưới boongke ngầm để lưu trữ vũ khí và đạn dược, vì vậy mà khả năng tàng hình của B-2 là rất quan trọng đối với sự thành công của nhiệm vụ.
Tải trọng vũ khí của B-2 cũng rất ấn tượng, có khả năng mang tới 18.000 kg đạn dược, bao gồm bom thông thường và bom hạt nhân như GBU-57, GBU-31 và AGM-158. Đặc biệt, bom GBU-57 được thiết kế để xuyên thủng các công trình kiên cố, sâu, mang lại cho B-2 lợi thế đáng kể trước các máy bay ném bom khác như B-1B hoặc B-52.
Tại sao lại là B-2
B-2 được lựa chọn trong nhiệm vụ này là do yêu cầu tránh tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phòng thủ của đối phương trong khi vẫn thực hiện một cuộc tấn công chính xác, tầm xa. B-2 có tầm hoạt động lớn hơn B-1 và B-52, nghĩa là nó cần ít điểm dừng tiếp nhiên liệu hơn trong các nhiệm vụ kéo dài, điều này rất quan trọng khi hoạt động ở một khu vực như Trung Đông.
Địa hình phức tạp của Yemen, đặc trưng bởi những ngọn núi hiểm trở và việc Houthi có các boongke ngầm rộng lớn, càng khiến cho B-2 trở thành lựa chọn lý tưởng cho hoạt động này. Nhiều mục tiêu của Houthi nằm ở những khu vực khó tiếp cận hoặc ẩn sâu dưới lòng đất, đòi hỏi một máy bay có thể xâm nhập không phận của đối phương mà không bị phát hiện.
B-52 mặc dù có thể mang được lượng vũ khí lớn nhưng dễ bị phát hiện hơn, và B-1 Lancer được tối ưu hóa về tốc độ nhưng chỉ mang theo đạn dược thông thường. Điều này khiến B-2 trở thành lựa chọn tốt nhất cho các nhiệm vụ có độ chính xác và rủi ro cao như vậy.
Nỗ lực đối phó với Houthi
Xung đột ở Yemen đã leo thang đáng kể trong 12 tháng qua, đặc biệt là khi Houthi tăng cường các cuộc tấn công vào các nước láng giềng và các tuyến thương mại quốc tế quan trọng. Được Iran hậu thuẫn, Houthi đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cả hai đều là thành viên quan trọng của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu.
Những cuộc tấn công của Houthi chủ yếu nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy lọc dầu, gây ra thiệt hại đáng kể và làm tăng bất ổn khu vực. Một số cuộc tấn công này thậm chí còn lan đến các thành phố như Abu Dhabi và Jeddah, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Ngoài việc nhắm vào cơ sở hạ tầng khu vực, Houthi còn gây ra mối đe dọa đối với các tuyến đường biển quốc tế qua Biển Đỏ và Eo biển Bab el-Mandeb, một điểm nghẽn quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Những mối đe dọa này đã thúc đẩy Mỹ và các đồng minh tăng cường các hoạt động quân sự chống lại các vị trí và mạng lưới hậu cần của Houthi.
Trong năm qua, Quân đội Mỹ đã tăng cường đáng kể các hoạt động của mình, tiến hành các cuộc không kích nhằm phá hủy các kho vũ khí, boongke ngầm và đường tiếp tế của Houthi.
Quang Hưng