09:07 sáng ngày 12/4/1961,
Một phi hành gia trẻ 27 tuổi, người Liên Xô ngồi trên đỉnh tên lửa R-7 - tên lửa liên lục địa đầu tiên đầu tiên trên thế giới, bên trong con tàu Vostok-1 (Phương Đông 1).
Anh ấy tên là Yuri Gagarin. Vài phút sau đó, anh đã thay đổi lịch sử nhân loại mãi mãi để trở thành người đầu tiên trên thế giới bay ra ngoài vũ trụ.
Chính xác thì 11 phút sau, Yuri Gagarin đã ở trên quỹ đạo, bay với vận tốc gấp 10 lần vận tốc của một viên đạn súng trường. Trở thành người đầu tiên rời khỏi hành tinh.
Vào dịp kỷ niệm 60 năm sau chuyến đi vào vũ trụ huyền thoại đó (1961-2021), tác giả kiêm nhà làm phim người Anh Stephen Walker đã viết cuốn sách tựa đề "Beyond: Câu chuyện đáng kinh ngạc về người đầu tiên rời khỏi hành tinh của chúng ta và du hành vào vũ trụ" để kể câu chuyện hoàn toàn mới mẻ về Yuri Gagarin và biệt đội đặc biệt của Mỹ-Xô. Mời độc giả theo dõi.
THÁNG 4 NĂM 1961: NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI NHẤT CỦA CHIẾN TRANH LẠNH
Mỹ và Liên Xô đối đầu nhau qua một bức màn sắt. Chiến trường mới của họ là Không Gian.
01. Mercury Seven Vs. Vanguard Six
Sâu trong khu rừng bạch dương ở quận Shchyolkovsky phía đông bắc Moscow, cách xa đường cao tốc chính đến thành phố và khuất khỏi những cặp mắt tò mò, là một tòa nhà hai tầng nhỏ, kiểu cũ, mờ nhạt trong tuyết trắng.
Chẳng ai ngờ đó là nơi đặt một trong những cơ sở bí mật nhất của Liên Xô. Tên mật mã của nó là Đơn vị Quân đội 26266, còn được biết đến với tên viết tắt là TsPK - hoặc Tsentr Podgotovki Kosmonavtov: Trung tâm Huấn luyện Phi hành gia.
Và chính tại đây, vào thứ Tư đặc biệt ngày 18/1/1961 — hai ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ở Washington; một ngày trước khi Alan Shepard được lựa chọn là phi hành gia đầu tiên của Mỹ — 6 người đàn ông sau những đợt kiểm tra gắt gao đã trở thành những ứng cử viên du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô, họ thuộc biệt đội Vanguard Six.
Nếu như NASA (Mỹ) có Mercury Seven (ảnh trái) thì Liên Xô cũng sở hữu Vanguard Six. Ảnh: Stephenwalkerbeyond.com
Giống như biệt đội phi hành gia Mercury Seven của NASA ở Langley, bang Virginia, 6 con người ưu tú của Vanguard Six cũng đang ngồi trong một lớp học. Nhưng điểm tương đồng (giữa Mỹ và Liên Xô) chỉ dừng ở đó.
Bởi thành viên của Vanguard Six trẻ hơn Mercury Seven của Mỹ, ở độ tuổi 20 chứ không phải 30. Tất cả đều mặc quân phục thay vì áo Banlon bình thường mà các phi công Mercury Seven của Mỹ ưa chuộng.
Và chỉ số chiều cao cũng như cân nặng của thành viên Vanguard Six đều nhỏ hơn. Tất cả để đáp ứng điều kiện ngồi gọn bên trong viên nang hình cầu của tàu Phương Đông, đặt trên đầu tên lửa R-7, mà tất cả họ đều hy vọng một ngày nào đó sẽ sớm bay vào vũ trụ.
Tòa nhà trong rừng bạch dương là công trình kiến trúc đầu tiên theo thời gian, một khu phức hợp rộng lớn, được bảo vệ nghiêm ngặt, khép kín với thế giới bên ngoài và chỉ dành riêng cho việc đào tạo các phi hành gia của Liên Xô.
Không những được che chắn bởi khu rừng, địa điểm này còn cách không xa Moscow. Nó cũng chỉ cách căn cứ không quân Chkalovsky vài km, sân bay quân sự lớn nhất Liên Xô. Và còn nằm gần OKB-1, nhà máy thiết kế và sản xuất bí mật tại Kaliningrad, nơi các viên nang của tàu vũ trụ Phương Đông đang được chế tạo khi đó.
02. Biệt đội trong bóng tối
Không ai ở Chkalovsky biết tại sao 6 người đàn ông ở đó hoặc họ đang được đào tạo để làm gì. Cha mẹ họ, bạn bè của họ, hoặc đồng nghiệp cũ của họ trong lực lượng không quân cũng vậy. Ngay cả vợ của họ cũng không được khuyến khích đặt quá nhiều câu hỏi. Không giống như Mercury Seven - những ứng viên phi hành gia nổi tiếng khắp nước Mỹ nếu không muốn nói là cả thế giới - biệt đội Vanguard Six chỉ tồn tại trong bóng tối.
Có một điểm khác biệt chính giữa Vanguard Six so với Mercury Seven. Sáu người này không phải là những phi hành gia vũ trụ duy nhất được đào tạo. Còn 14 người khác nữa. Trong một quá trình tuyển chọn thậm chí còn tàn nhẫn hơn các phi hành gia Mỹ đã trải qua, 20 người này đã được chọn từ một nhóm ban đầu gồm gần 3.500 phi công quân sự.
Vanguard Six tại bãi phóng Baikonur ở Kazakhstan trước chuyến bay của Yuri Gagarin. Từ trái sang: Grigory Nelyubov, Valery Bykovsky, Yuri Gagarin, Andriyan Nikolayev, Gherman Titov, Pavel Popovich. Ảnh: Trung tâm Đào tạo Phi hành gia / Roskosmos
Chương trình không gian của Liên Xô có tham vọng chinh phục vũ trụ, hoặc ít nhất là phải đưa người bay thoát ra khỏi lực hút Trái Đất, và họ cần nhân lực để thực hiện. Tất cả 20 người đàn ông đã bắt đầu đào tạo vào mùa Xuân năm 1960, chỉ 2 tháng sau khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev kêu gọi các kỹ sư vũ trụ trưởng của mình rằng họ "nên nhanh chóng nhắm vào không gian để tránh nguy cơ bị Mỹ vượt mặt". Lúc đó Mercury Seven đã được huấn luyện gần 1 năm. Liên Xô cần nhanh chóng bắt kịp và 20 phi hành gia này chính là câu trả lời.
Tên lửa đẩy, viên nang tàu vũ trụ, nhà thiết kế, kỹ sư, trung tâm đào tạo, địa điểm phóng, và tất nhiên là bản thân các phi hành gia - tất cả đều nằm trong bóng tối.
Vào mùa thu năm 1960, chương trình không gian có người lái của Liên Xô đã trở thành mục tiêu quốc gia hàng đầu, đặc biệt là vì hồi đó NASA đang nhắm đến việc đưa một người Mỹ vào không gian sớm nhất là vào tháng 12/1960. Để tăng tốc độ mọi thứ và ưu tiên đào tạo trên trình mô phỏng duy nhất, một danh sách rút gọn gồm 6 người ưu tú nhất đã được đề ra, trong đó, dĩ nhiên có Yuri Gagarin.
Về bản chất, họ là biệt đội hàng đầu đấu trực tiếp với Mercury Seven, với sự khác biệt là người Liên Xô biết về các đối thủ người Mỹ của họ, trong khi người Mỹ không biết gì về người Liên Xô.
"Tất cả 6 phi hành gia đều là những người tuyệt vời," Trung tướng Nikolai Kamanin, trưởng ban huấn luyện của họ, viết vào ngày Vanguard Six thực hiện bài kiểm tra cuối cùng của họ.
"Ai trong số 6 người này sẽ đi vào lịch sử với tư cách là người đầu tiên bay vào vũ trụ?". "Ai sẽ là người đầu tiên trong số họ phải trả giá bằng mạng sống của mình khi thực hiện nỗ lực táo bạo này?" - Trung tướng Nikolai Kamanin viết trong nhật ký.
Bay trong không gian hoàn toàn có thể chết trong không gian. Đó là điều mà Liên Xô và các phi hành gia Vanguard Six ý thức rõ ràng được. Bởi thế, sứ mệnh tiên phong bay vào vũ trụ chính là sứ mệnh cảm tử.
Trở lại vào tháng 12/1960, tất cả 20 nhà du hành vũ trụ được yêu cầu bỏ phiếu xem ai trong số các đồng nghiệp của họ nên bay trước. Đa số đã bỏ phiếu cho Yuri Gagarin.
Nhưng ngay cả khi những kỳ thi tại Đơn vị Quân đội 26266 đã kết thúc và đã biết kết quả, quyết định người thực hiện sứ mệnh bay vẫn chưa được đưa ra.
Tại Langley, Virginia, Bob Gilruth, người đứng đầu Nhóm Nhiệm vụ Không gian chịu trách nhiệm về Mercury Seven, có thể triệu tập 7 phi hành gia của mình vào một lớp học và nói với họ, đơn giản và theo thẩm quyền của mình, rằng ai sẽ là người đầu tiên.
Ở Liên Xô - Không giống như Mercury Seven, Vanguard Six sẽ phải đợi — và họ sẽ phải đợi cho đến giây phút cuối cùng.
Ứng viên đầu tiên mà chính phủ Liên Xô lựa chọn là Yuri Gagarin. Vị trí thứ hai thuộc về Gherman Titov. Người thứ ba là Grigory Nelyubov.
Cuối cùng, lịch sử đã vang danh Yuri Gagarin.
Không phụ lòng mong đợi của các nhà lãnh đạo Liên Xô, Yuri Gagarin đã làm nên lịch sử sau khi hoàn thành sứ mệnh vòng quanh Trái Đất trong 108 phút trên con tàu vũ trụ Phương Đông 1, giúp Liên Xô vượt mặt Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại đưa người ra vũ trụ. Yuri Gagarin đánh bại người Mỹ, đánh bại phi hành gia NASA Alan Shepard - Người Mỹ đầu tiên bay vào không gian vào ngày 5 tháng 5 năm 1961 (chậm hơn Liên Xô 3 tuần).
Thành tựu của Yuri Gagarin là một đòn giáng mạnh vào niềm tự hào của người Mỹ. Khi Alan Shepard nghe tin, anh đập tay xuống bàn rất mạnh đến mức khiến nhân viên NASA tưởng rằng tay anh bị gãy.
Trở lại Liên Xô, lãnh đạo Nikita Sergeyevich Khrushchyov gọi Yuri Gagarin là "Christopher Columbus của Liên Xô".
Cho đến nay, kỳ tích này vẫn được nhiều người nhắc đến bởi chính Yuri Gagarin đã mở ra kỷ nguyên vũ trụ mới trong lịch sử loài người!
Yuri Gagarin - tên đầy đủ là Yuri Alekseyevich Gagarin - là con trai của một người thợ mộc, sinh ra (ngày 9/3/1934) và lớn lên tại ngôi làng Klushino bình dị ở Smolensk, miền Tây Liên Xô.
Năm 16 tuổi, Yuri Gagarin chuyển đến thủ đô để học việc làm thợ đúc trong một xưởng đúc kim loại ở Lyubertsy. Cơ duyên sải cánh trên bầu trời đến với chàng trai trẻ khi anh nhập học trường kỹ thuật ở Saratov. Tại đây, anh tham gia một câu lạc bộ bay và lần đầu tiên có được trải nghiệm phóng khoáng từ trên cao.
Yuri Gagarin quyết định thi vào trường Sĩ quan Không quân Liên Xô để hiện thực ước mơ bay nhiều hơn nữa trên bầu trời.
Năm 1957, ở độ tuổi 23 đầy sức sống, Yuri Gagarin tốt nghiệp xuất sắc và trở thành phi công chiến đấu chính thức. Cũng trong năm này, anh gặp gỡ và kết hôn với Valentina Goryacheva (khi đó đang là kỹ thuật viên y tế, vừa tốt nghiệp trường Y khoa Orenburg) và có hai cô con gái về sau.
Tham khảo: Air Space Magazine