"Bộ ba cha đẻ ngành tên lửa và du hành vũ trụ hiện đại thế giới" là Коnstаntin E. Tsiolkovsky (1857-1935, Nga) - Robert H. Goddard (1882-1945, Mỹ) - Hermann J. Oberth (1894-1989, Đức) tuy không sinh cùng thời, không cùng quốc tịch nhưng cùng đau đáu về một phương tiện có thể nâng cánh tàu vũ trụ thoát khỏi lực hút Trái Đất, tiến thẳng lên quỹ đạo và đi vào không gian sâu.
Ngày nay, phương tiện đó đã được nhiều người biết đến. Nó chính là tên lửa đẩy nhiều tầng, sử dụng các loại nhiên liệu chính là hydro và oxy hóa lỏng, chưa kể một số nhiên liệu đẩy khác.
Quay trở lại những thập niên 1950, 1960, nếu như "xương sống" của chương trình không gian vũ trụ Mỹ chính là tên lửa đẩy hạng nặng Saturn V (từng đưa Neil Armstrong và đồng đội đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng năm 1969 - Hiện Saturn V vẫn giữ ngôi vị đầu bảng là tên lửa đẩy mạnh nhất hành tinh) thì ở Trung Quốc "xương sống" của ngành vũ trụ thế kỷ 21 của nước này chính là dòng tên lửa Trường Chinh (Long March), do Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) phát triển.
Hơn 50 năm sau khi phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo, Bắc Kinh đang củng cố chỗ đứng của mình trong không gian. Các kế hoạch xây dựng Trạm vũ trụ Trung Quốc (CSS) Thiên Cung và phóng tàu thám hiểm Chúc Dung lên sao Hỏa đều đã và đang gặt hái những thành tựu ban đầu ngoài sức tưởng tượng của thế giới.
Cùng Reuters phân tích vai trò quan trọng của dòng tên lửa Trường Chinh Trung Quốc và hãy xem quốc gia này nuôi tham vọng soán ngôi Mỹ ở nhiều lĩnh vực công nghệ vũ trụ như thế nào.
BAY LÊN TỪ BIỂN
Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga thực hiện thành công vụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo ở bệ phóng nổi trên biển vào tháng 6/2019. Tên lửa đẩy Trường Chinh 11 mang theo 7 vệ tinh đã phóng đi từ bệ trên một sà lan nửa chìm ở biển Hoàng Hải.
Trường Chinh 11 phóng đi ngoài khơi ở biển Hoàng Hải. Ảnh: Reuters / Stringer
Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, tính linh hoạt/di động của các vụ phóng trên biển - các bãi phóng và bãi hạ cánh có thể được di chuyển để đáp ứng nhu cầu của các trọng tải khác nhau - sẽ cho phép Trung Quốc cung cấp các dịch vụ phóng thương mại tốt hơn cho các quốc gia khác nếu họ có nhu cầu.
Địa điểm các trạm/bãi phóng vũ trụ phóng tên lửa Trường Chinh trên đất liền (vàng) và trên biển (đỏ) của Trung Quốc. Nguồn: Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc
Hiện tại, ngoại trừ bệ phóng nổi này, tất cả các bãi phóng vũ trụ của Trung Quốc đều nằm trong đất liền. Ở trên đất liền, Trung Quốc hiện có các trạm phóng ở Văn Xương (Wenchang), Tây Xương (Xichang), Thái Nguyên (Taiyuan) và Tửu Tuyền (Jiuquan).
Điều đó cho thấy, tuy hành trình "bay lên từ biển" của Trung Quốc còn khá nhỏ bé nhưng nó lại mang ý nghĩa biểu tượng và ẩn dụ vô cùng lớn: Cái gì Mỹ đã làm được, Trung Quốc cũng làm được và có thể làm tốt hơn; nhưng cái gì Trung Quốc làm được chưa chắc Mỹ sẽ làm được!
XƯƠNG SỐNG TRƯỜNG CHINH
Chương trình thám hiểm vũ trụ là một trong những dự án bí mật nhất tại Trung Quốc. Bắt đầu năm 1956 với việc thành lập Học viện thứ năm của Bộ Quốc phòng, hiện nay là Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc. Đây là nơi thực hiện hầu hết các nghiên cứu và phát triển công nghệ không gian của quốc gia này.
Trong bài phát biểu năm 1958, Mao Trạch Đông đã tuyên bố rằng Bắc Kinh cũng nên phóng một vệ tinh nhân tạo vào không gian, sau khi chứng kiến các vụ phóng thành công của Liên Xô và Mỹ trước đó.
12 năm sau, Trường Chinh 1 đã đưa vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc là "Dong Fang Hong 1" (Đông Phương Hồng 1, nặng 173 kg) lên quỹ đạo vào ngày 24/4/1970. Loạt tên lửa đẩy Trường Chinh do CNSA chế tạo nhanh chóng trở thành trụ cột trong chương trình vũ trụ của Trung Quốc, đưa nước này sánh vai cùng phương Tây.
Kể từ năm 1970, gần 20 biến thể của Trường Chinh đã được phát triển và đưa vào sử dụng. Dòng Trường Chinh đã hoàn thành tổng cộng 323 lần ra mắt (tính đến năm 2019). Trong thập kỷ qua, tần suất các vụ phóng đã tăng lên nhanh chóng; có 37 lần phóng vào năm 2018 so với chỉ 11 lần vào năm 2008.
Vụ phóng quan trọng gần đây nhất của dòng Trường Chinh chính do Trường Chinh 5B thực hiện ngày 19/4/2021 mang thành công Thiên Hà - mô-đun vũ trụ lõi của trạm vũ trụ Thiên Cung, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 - lên quỹ đạo. Mặc dù, Trường Chinh 5B gặp sự cố rơi không kiểm soát, và may mắn đã rơi xuống vùng biển Ấn Độ Dương, nhiệm vụ ngày 29/4 đã nổ 'phát súng' đầu tiên cho hành trình lắp đặt Thiên Cung 100 tấn ngoài quỹ đạo.
Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình chế tạo tên lửa siêu hạng nặng Trường Chinh 9. Nguồn: Inf.news
Thế hệ các tên lửa đẩy Trường Chinh chịu trách nhiệm cho một loạt các nhiệm vụ không gian quan trọng của Bắc Kinh, bao gồm chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, thám hiểm Mặt Trăng, thám hiểm sao Hỏa, phóng Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou (BDS) và dự án quan sát Trái Đất Gaofen.
Không dừng ở đó, Trung Quốc hiện đang phát triển dòng Trường Chinh 8, một tên lửa đẩy hạng trung có thể tái sử dụng, chi phí thấp.
Ngạc nhiên hơn nữa, Bắc Kinh tuyên bố đến năm 2030 sẽ cho Trường Chinh 9 đi vào sử dụng - một tên lửa đẩy siêu nặng, có sức chở và sức mạnh tương đương Saturn V của Mỹ. Các kế hoạch hiện tại yêu cầu Trường Chinh 9 phải có khả năng chịu tải tối đa là 140 tấn tới quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO), 50 tấn khi bay xuyên Mặt Trăng và 44 tấn khi lên sao Hỏa.
Nhưng điểm trọng yếu khác với Saturn V của Mỹ chính là Trường Chinh 9 còn có thể tái sử dụng. Dự kiến, vụ phóng thử của Trường Chinh 9 sẽ được CNSA thực hiện năm 2028. Nếu thành công, dòng tên lửa này có thể "soán ngôi vương" Saturn V của Mỹ.
ĐỘT KÍCH MẶT TRĂNG
Tối ngày 3/1/2019, tàu thăm dò Mặt Trăng mang tên Hằng Nga 4 (Chang'e-4) của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống nửa tối Mặt Trăng - Đây là khu vực mà chưa một quốc gia nào dám đưa tàu đổ bộ. Một pha "đột kích" ngoạn mục khiến Mỹ và các cường quốc khác ngỡ ngàng.
Thành tựu này đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba (sau Mỹ và Liên Xô) đưa tàu thám hiểm đến Mặt Trăng. Nhưng các cuộc đổ bộ của Mỹ và Liên Xô trước đó đều ở khu vực nửa sáng. Thành công này có vai trò của tên lửa Trường Chinh 3B.
Báo chí phương Tây vẫn ca ngợi đây là cuộc đổ bộ phi thường, bởi nửa tối của Mặt Trăng cắt đứt mọi liên lạc vô tuyến có thể diễn ra tại bề mặt khu vực này với Trái Đất. Tín hiệu radio bị vô hiệu hóa khi ở nửa tối Mặt Trăng. Với việc phóng vệ tinh chuyển tiếp liên lạc Quequiao trước khi đổ bộ, Trung Quốc đã hóa giải được bài toán khó mà Mỹ, Liên Xô chưa từng làm được.
Sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo của Chang'e-5 - do tên lửa Trường Chinh 5 phóng đi - tiếp tục mang đến cho Trung Quốc thành tựu mới: Mang thành công mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất nghiên cứu hồi 12/2020.
Không dừng ở đó, Trung Quốc còn đặt tham vọng ngang tầm NASA và ESA (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) khi muốn xây dựng căn cứ có người ở tại Mặt Trăng. Để thực hiện các tham vọng này, Trung Quốc tuần tự triển khai các sứ mệnh của Chang'e-6,7,8 trong tương lai (Chang'e-6 dự kiến sẽ được Trường Chinh 5 phóng đi năm 2023 hoặc 2024).
SỐNG TRONG KHÔNG GIAN
Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 (sau Mỹ và Liên Xô) đưa con người vào vũ trụ. Phi hành gia Dương Lợi Vĩ đã dành khoảng 21 giờ trong không gian trên tàu vũ trụ Thần Châu 5 (Thuộc Chương trình Thần Châu, chương trình không gian có người lái của Trung Quốc bắt đầu từ năm 1992).
Từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (sa mạc Gobi, thuộc khu tự trị Nội Mông Cổ), tên lửa Trường Chinh 2F đã đưa Thần Châu 5 (Shenzhou 5) bay vào vũ trụ. Điều đặc biệt, trước khi phóng, CNSA không công khai bất cứ thông tin gì về các ứng cử viên phi hành gia Trung Quốc thực hiện sứ mệnh tiên phong này. Tên của Dương Lợi Vĩ chỉ bị rò rỉ cho giới truyền thông 1 ngày trước khi ra mắt.
Bộ đồ không gian của Dương Lợi Vĩ, phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc bay vào vũ trụ năm 2003, được trưng bày trong một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh năm 2003. Ảnh: Reuters
Sau sứ mệnh thành công của Dương Lợi Vĩ, Bắc Kinh đã thực hiện thêm 5 nhiệm vụ có người lái khác từ năm 2005 đến 2016.
Nhiệm vụ mới nhất vào năm 2016 đã đưa các phi hành gia Jing Haipeng và Chen Dong vào quỹ đạo, nơi họ đã dành một tháng làm việc tại Thiên Cung 2, phòng thí nghiệm vũ trụ của Trung Quốc. Tên lửa Trường Chinh 2F chịu trách nhiệm phóng các sứ mệnh này.
Thành tựu nổi bật nhất của Trung Quốc chính là quốc gia đang trong quá trình xây dựng, lắp đặt trạm vũ trụ mới là Thiên Cung. Nếu hoàn thành, Thiên Cung sẽ là trạm vũ trụ độc lập của một quốc gia (của riêng Trung Quốc) đầu tiên trong lịch sử. Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trước đó là do Nga và Mỹ cùng thực hiện có khả năng sẽ "nghỉ hưu" vào năm 2025.
MỘT TRẬT TỰ MỚI?
Không chỉ xây các bệ phóng, thiết kế tên lửa đẩy, xây trạm vũ trụ ở quỹ đạo Trái Đất, khám phá Mặt Trăng, thăm dò sao Hỏa, Trung Quốc còn nuôi tham vọng khám phá Hệ Mặt Trời và không gian sâu hơn nữa. Thám hiểm sao Mộc, đưa vật liệu từ tiểu hành tinh về Trái Đất, khai thác Mặt Trăng... cũng là kế hoạch nằm trong tầm mắt của CNSA.
Để làm được những điều đó, chi tiêu ngân sách dành cho không gian của Trung Quốc tăng lên đáng kể.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy năm 2016, chi tiêu cho không gian của Trung Quốc là 5,6 tỷ USD. Năm 2018, Trung Quốc xếp thứ 2 (sau Mỹ) trên tổng 10 quốc gia có chi tiêu ngân sách dành cho không gian lớn nhất thế giới. Các chi tiêu cụ thể không được Trung Quốc công bố rộng rãi.
Danh sách tính theo đơn vị tiền là tỷ đô la Mỹ. Nguồn: Euroconsult
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ra mắt hệ thống định vị vệ tinh BeiDou (Bắc Đẩu), đối thủ của hệ thống GPS của Mỹ, vào năm 1994.
Năm 2007, BeiDou bước vào đấu trường chống vệ tinh bằng cách phá hủy một vệ tinh thời tiết cũ trên quỹ đạo cao, địa cực. Cuộc thử nghiệm hủy diệt, vốn được quốc tế quan tâm rộng rãi, đã tạo ra đám mây mảnh vụn quỹ đạo lớn nhất trong lịch sử với hơn 3.000 vật thể. Khả năng như vậy cho phép thực hiện các cuộc tấn công vào vệ tinh của đối phương - làm 'mù' chúng hoặc làm gián đoạn liên lạc - cũng như cung cấp cơ sở công nghệ để đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Đến nay, chỉ có Mỹ, Nga và gần đây nhất là Ấn Độ tiến hành được các cuộc thử nghiệm như vậy.
Tính đến năm 2020, Trung Quốc dùng Trường Chinh phóng tổng cộng 35 vệ tinh Bắc Đầu vào quỹ đạo. Dự án Bắc Đẩu ước tính trị giá 10 tỷ USD là câu trả lời của Bắc Kinh cho Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) do Mỹ sở hữu.
The Diplomat (Mỹ) thông tin, sứ mệnh sao Hỏa (phóng tàu Chúc Dung) chỉ là sự khởi đầu của các sứ mệnh khám phá các hành tinh trong Hệ Mặt Trời của Trung Quốc, với các sứ mệnh tiếp theo được lên kế hoạch cho sao Mộc (2029) và sao Kim (2030).
Sau thành công của sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên (tháng 5/2021), Trung Quốc bắt tay ngay kế hoạch gửi một tàu đổ bộ thứ hai lên sao Hỏa vào năm 2028 và cuối cùng là đưa các mẫu từ hành tinh này trở lại vào năm 2030 - Đây là một kỳ công phức tạp mà NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đang thực hiện. NASA hy vọng rằng đất và đá do tàu thám hiểm Perseverance thu thập có thể được mang về Nhà vào năm 2031...
The Diplomat (Mỹ) bình luận, năng lực trình diễn sức mạnh không gian, tiến bộ công nghệ vũ trụ và hành trình xây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Đến mức, ngay cả một số cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không loại trừ khả năng hợp tác với Trung Quốc.
Động thái này thoạt nghe tưởng có vẻ ngược đời, nhưng khi nghe các cố vấn hàng đầu của ông Biden lập luận thì lại cho thấy sự hợp lý. Theo họ, điều quan trọng là phải hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực khám phá không gian. Quan hệ đối tác không gian hạn chế giữa Washington và Bắc Kinh có thể làm giảm căng thẳng và khả năng xảy ra một cuộc chạy đua không gian gây bất ổn. Động thái này sẽ giống như sự hợp tác giữa Mỹ và các chương trình không gian dân sự của Liên Xô trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, Politico.com thông tin.
Giờ đây, Mỹ cũng không giấu được mối lo ngại rằng, các đồng minh và đối tác của họ đang muốn tham gia các dự án chinh phục vũ trụ của Trung Quốc - và thực tế đã có nhiều cựu cường quốc gửi đề nghị đến Bắc Kinh. Và đương nhiên, trong trật tự không gian mới này, kẻ dẫn đầu không còn là Mỹ nữa.
* Bài viết sử dụng các nguồn: Reuters, Financial Post, The Diplomat, Firstpost, Politico