Văn hóa nuôi dạy con cái của người Nhật vốn được biết đến là 1 nền văn hóa có kỉ luật cao với nhiều tiêu chuẩn không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Đó là nền văn hóa nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn đạo đức cao như sự trung thực, khiêm tốn, danh dự và lòng tin.
Với cha mẹ Nhật, con cái không phải là để uốn nắn và dạy dỗ theo kiểu áp đặt, khuôn mẫu, họ cũng không nuông chiều con cái mà thay vào đó họ luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho con được sống tự lập từ khá sớm.
Tất cả góp phần trở thành nền tảng của nền văn hoá và phong cách làm cha mẹ ở đất nước mặt trời mọc.
Nước Nhật có một nền văn hóa giáo dục với kỉ luật cao, nhiều tiêu chuẩn không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Nữ nhà báo người Mỹ, Maryanne Murray Buechner, đã từng có 6 năm sinh sống tại Nhật cùng chồng và hai cậu con trai nhỏ.
Trong suốt quãng thời gian đó, cô đã có cơ hội được quan sát, chứng kiến và tìm hiểu sâu hơn về phong cách nuôi dạy con độc đáo của cha mẹ Nhật, điều này khiến cô cảm thấy vô cùng ấn tượng.
Trong một bài báo trên trang Time uy tín, tất cả những điều thú vị đó đã được nữ nhà báo tiết lộ và chia sẻ tới đông đảo các bậc phụ huynh trên khắp thế giới với mong muốn tiếp cận những điều thú vị và đặc biệt trong văn hóa dạy con của cha mẹ Nhật.
1. Khuyến khích con tự lập ngay từ nhỏ
Dạy con tự lập ngay từ nhỏ là điều mà bất cứ cha mẹ Nhật nào cũng hướng đến.
Khi sống ở Nhật, điều đầu tiên mà nữ nhà báo Buechner khám phá ra đó là trẻ em luôn được cha mẹ khuyến khích để trở nên độc lập ngay từ nhỏ.
Con sẽ đi học mà không cần bố mẹ đưa đón, kể cả khi con đi học bằng phương tiện giao thông công cộng thì con cũng sẽ tự mình đi. Lí giải cho việc này, cô chia sẻ: "Nhật có tỷ lệ tội phạm cực thấp đồng nghĩa với việc đây là nơi an toàn đối với trẻ nhỏ.
Tâm lý chung của cha mẹ Nhật đó là tin tưởng vào cộng đồng và con cái họ sẽ được tất cả những người xung quanh để mắt khi di chuyển trên đường".
2. Cha mẹ không bao giờ “tám chuyện” về con cái
Trong khi phần đa các ông bố bà mẹ có xu hướng thích chia sẻ những nỗ lực hay khó khăn khi chăm con với bất cứ ai có thể thì các mẹ Nhật lại coi đó là chuyện riêng và chỉ chia sẻ với những người thật sự thân thiết.
Ví dụ đơn giản như việc chia sẻ con bạn chơi cho đội bóng nào hay học trường gì cũng bị xem là khoe khoang hơi lố ở Nhật. Cha mẹ Nhật cho rằng, chỉ cần thấy con mặc đồng phục học sinh là đủ hiểu mà không cần nói thêm gì.
Nhưng theo nữ nhà báo người Mỹ, họ không nói về con không có nghĩa là họ không quan tâm đến việc con học trường nào, ngược lại làm cha mẹ ở Nhật rất áp lực và siêu cạnh tranh, từ việc chọn đúng trường học cho tới việc chuẩn bị cực kì gắt gao cho con với các kì thi đầu vào căng thẳng, khốc liệt tại đất nước này.
3. Luôn gắn bó với con nhưng không phải là bao bọc
Nhà báo Buechner chia sẻ: “Tôi chứng kiến các mẹ Nhật thường đưa con nhỏ ra ngoài cùng mình đến khắp mọi nơi bằng nôi hoặc xe đẩy, hoặc cũng có thể địu con đi quanh nhà, đi chợ, đạp xe quanh phố.
Thậm chí tôi còn thấy nhiều ông bố cõng con nhỏ đằng sau và cùng đi trượt tuyết. Cha mẹ luôn gần gũi với con theo cách như vậy để thể hiện tình thương yêu thay vì hôn con hoặc ôm con”.
Khi đi ngủ, hầu hết các gia đình ở Nhật đều ngủ chung giường vì cha mẹ thích ngủ cùng con cái.
Bố mẹ sẽ nằm hai bên, còn các con nằm ở giữa để tạo sự thân thiết, gắn bó không chỉ trong các hoạt động ban ngày mà còn ngay cả lúc ngủ. Việc ngủ chung này sẽ kéo dài đến khi con đến tuổi đi học.
Các mẹ Nhật cũng rất hay đưa con nhỏ đến phòng tắm công cộng, phòng tắm nước nóng để cùng tắm chung.
Người Nhật gọi đó là “skinship - tiếp xúc da” bởi tất cả mọi người đều không mặc đồ và cùng ngâm mình trong bồn tắm nước nóng.
Tại Nhật Bản, việc tất cả trẻ nhỏ cùng tắm với bố mẹ là một điều vô cùng hiển nhiên, không chỉ tắm chung ở phòng tắm công cộng mà còn tắm chung tại nhà.
Phụ huynh Nhật quan niệm thời gian tắm chính là thời điểm bố mẹ, con cái có thể cùng nhau trò chuyện về những việc diễn ra trong ngày, đồng thời bố mẹ Nhật cũng tranh thủ lúc tắm để dạy dỗ con, trong đó có việc giảng dạy về giới tính.
4. Giúp con rèn luyện tính kiềm chế, giữ thái độ điềm đạm
Trong 6 năm ở Tokyo, tác giả Buechner cũng quan sát một yếu tố quan trọng trong văn hóa nuôi dạy con của người Nhật, đó là sự kiềm chế.
Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã khuyến khích và răn dạy con cái về việc duy trì hòa khí trong gia đình và môi trường xung quanh mình.
Ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật đã được cha mẹ dạy về văn hóa xếp hàng mọi lúc mọi nơi.
Cô kể rằng: "Bất cứ nơi nào: Từ nhà hàng, bảo tàng, nơi bán đồ ăn đến làn đường dành cho người đi bộ chật cứng người đứng hay con đường đi bộ nổi tiếng, tôi đều trông thấy những đứa trẻ Nhật trật tự, bình tĩnh và rất điềm đạm, không hề chen lấn, xô đẩy, trong khi lũ trẻ nhà tôi nói chuyện khá ồn ào, chen lấn lẫn nhau, thậm chí còn đẩy người đằng trước”.
5. Hết sức chu đáo và cực kì tâm huyết khi chuẩn bị đồ ăn cho con
Đối với mẹ Nhật, việc chuẩn bị bữa ăn là công việc vô cùng quan trọng.
Các mẹ Nhật luôn cố gắng và dành nhiều tâm huyết chuẩn bị cho con những bữa ăn không chỉ ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng mà còn phải đẹp mắt, giúp kích thích vị giác và con ăn ngon miệng hơn.
Mẹ Nhật thường dậy sớm mỗi buổi sáng, nấu nhiều món ngon và trình bày đẹp mắt trong hộp cơm trưa để cho con mang theo tới trường.
Mẹ Nhật luôn dành nhiều công sức và thời gian để chuẩn bị những hộp cơm vừa bổ dưỡng vừa bắt mắt cho con đem tới trường hoặc đi dã ngoại.
Nhà báo Buechner chia sẻ: "Các mẹ Nhật đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe cho bữa ăn cơm hộp của con.
Họ chuẩn bị kỹ lưỡng từng món vừa tốt cho sức khỏe, lại vừa bắt mắt như cá, rau, đậu phụ, rong biển, cơm.
Tất cả nguyên liệu được tạo thành hình cây cối, con vật phù hợp với trẻ nhỏ", Buechner chia sẻ. Mỗi hộp cơm như chứa đựng tất cả tình yêu thương của người mẹ và hy vọng con sẽ thích những món mẹ làm.
6. Không có khái niệm “phù hợp hay không phù hợp với trẻ”
Trong khi các nước trên thế giới luôn có cảnh báo trước mỗi bộ phim như “Không dành cho trẻ dưới… tuổi” hoặc lời nhắc nhở về đối tượng xem, những hình ảnh có trong phim, thì nước Nhật hầu như không có khái niệm này.
Ở Nhật, những bộ phim chiến tranh, mang tính bạo lực, hình ảnh gợi cảm không có gì lạ và càng không cần phải ngăn cấm trẻ xem.
Các cửa hàng đồ chơi vẫn bán đầy rẫy những khẩu súng trông như thật. Nhiều hình ảnh gợi cảm vẫn thường xuất hiện trong truyện tranh manga.
7. Kiểm soát chặt chẽ nơi nào và khi nào trẻ có thể chơi đùa
Mỗi gia đình ở Nhật thường hay tổ chức các buổi dã ngoại ngắm hoa anh đào vừa để thư giãn vừa tăng tính gắn kết các thành viên trong gia đình. Đây được xem là sự kiện chung và là một hoạt động nghiêm túc của cả gia đình.
Tuy nhiên, khi tham gia picnic dã ngoại, trẻ cần phải tuân thủ nghiêm khắc những quy định về vị trí được phép vui chơi và nô đùa.
Buechner cho hay:"Mỗi đứa trẻ sau khi chào đời đều sẽ được chụp ảnh cùng hoa anh đào nở.
Các công viên và khu vườn ở Nhật được thiết kế một cách tỉ mỉ và tính toán cẩn thận để quy định rõ nơi nào và khi nào trẻ có thể chạy nhảy chơi đùa, và cha mẹ sẽ kiểm soát chặt chẽ vấn đề này".
Cha mẹ sẽ kiểm soát chặt chẽ nơi nào và khi nào trẻ có thể chơi đùa.
8. Tôn trọng và cực kì nghiêm túc với các truyền thuyết, câu chuyện cổ tích
Trong suốt nhiều năm sinh sống tại đất nước mặt trời mọc, nhà báo Buechner cũng nhận ra rằng người Nhật muốn chia sẻ truyền thuyết và huyền thoại của họ thông qua các câu chuyện thú vị và đầy màu sắc.
Họ thường chia sẻ các câu chuyện truyền thuyết, nhân vật huyền thoại trong các dịp lễ hội như lễ hội Tengu Matsuri tôn vinh một con yêu tinh mũi dài, hay lễ hội Setsubun rắc hạt đậu nành để đuổi tà ma.
Và tất nhiên các bậc phụ huynh Nhật rất nghiêm túc với những câu chuyện như vậy, chứ họ không chỉ coi nó như là những câu chuyện của trẻ con.
Điều này thấm nhuần tư tưởng của phần lớn người dân Nhật và tiếp tục truyền lại những thế hệ sau.
Nguồn: Parent