1. “Con đường thành công của bóng đá Việt Nam thực ra không còn gì để gọi là bí mật cả. Nó đến từ chuyện kết hợp với CLB Arsenal ( Học viện HAGL) để đào tạo trẻ một cách chuyên nghiệp, sau đó là việc mời được HLV Park Hang Seo về cầm quân.
Điều quan trọng nhất là cách làm bóng đá trẻ chuyên nghiệp đã đánh thức được sự quan tâm của cả xã hội với nền bóng đá Việt Nam“, tờ Sina (Trung Quốc) bình luận về sự chuyển mình của bóng đá Việt Nam khi U22 hạ U22 Trung Quốc 2-0 ngay trên sân khách.
Là một người yêu bóng đá, bạn sẽ nghĩ gì về quan điểm của truyền thông Trung Quốc khi nhìn về sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam?
Bóng đá Trung Quốc nếu nhìn ở mọi góc độ thì điều kiện phát triển tốt hơn rất nhiều so với bóng đá Việt Nam. Thậm chí, họ hơn hẳn so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran khi giải vô địch quốc gia có thể thu hút nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới như Oscar, Renato Augusto, Hulk, Paulinho, Alexandre Pato, Ezequiel Lavezzi, Graziano Pelle…
Ngoài ra, Trung Quốc đang nhận được sự dẫn dắt của hai chiến lược gia hàng đầu thế giới là Marcello Lippi (từng vô địch World Cup cùng tuyển Ý, Champions League, Serie A…) và HLV Guus Hiddink (thầy HLV Park Hang Seo, từng đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002, vô địch Champions League).
Bầu Đức tạo nên sự đặc biệt cho cả nền bóng đá Việt Nam trong sự đánh giá của truyền thông Trung Quốc.
Nhưng trong một điều kiện kim tiền với những ngôi sao danh giá đến chơi bóng, còn các ĐTQG được những nhà cầm quân trứ danh dẫn dắt thì Trung Quốc chưa cho thấy được sự tiến bộ. Thậm chí, họ đang thụt lùi so với sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Cùng một sự tương đồng khá lớn về chuyện mở hầu bao mời những cầu thủ nổi tiếng đến thi đấu như Trung Quốc đang làm, Qatar đã có sự tiến bộ kinh ngạc với chức vô địch ASIAN Cup 2019. Điểm khác biệt là Qatar có Học viện Aspire - nơi được ví như trái tim của nền bóng đá nước nhà.
Học viện đào tạo trẻ Aspire được thành lập vào năm 2004. Mục đích là tìm kiếm những tài năng trẻ xuất sắc nhất để đào tạo dưới một môi trường chuyên nghiệp. Qatar quyết xây dựng một chân đế vững chắc về chuyện tạo ra thế hệ những cầu thủ tài năng, có đủ đẳng cấp vươn tầm châu lục và thế giới.
2. Từ câu chuyện của bóng đá Qatar và Trung Quốc, chúng ta nhìn về sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam để thấy giá trị từ việc Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG ra đời vào năm 2007, tức trễ hơn 3 năm so với Học viện đào tạo trẻ Aspire của Qatar.
Bầu Đức hoàn toàn có thể chọn một cách làm bóng đá nhẹ nhàng, không cần tốn nhiều công sức, bằng cách bỏ tiền mua những ngôi sao bóng đá bước qua sườn dốc sự nghiệp về đánh bóng thương hiệu HAGL. Và thực tế, bầu Đức đã làm như thế trong 6 năm đầu tiên chơi bóng đá chuyên nghiệp khi mua những ngôi sao như Kiatisak về chinh phục V.League một cách dễ dàng. Thương hiệu HAGL cũng tạo tiếng vang cực lớn ở Đông Nam Á.
Chọn cách làm cũ thì bầu Đức sẽ không mất tiền nhiều hơn cho Học viện bóng đá HAGL - JMG, vì mỗi năm sẽ lấy thêm vài chục tỷ nuôi đào tạo trẻ đầu tư nhiều hơn cho CLB HAGL. Bầu Đức cũng không cần quan tâm nhiều đến sự phát triển của các cầu thủ, hay các ĐTQG. Thậm chí, bầu Đức sẽ thuê nhiều người có chuyên môn giỏi về cầm trịch CLB HAGL, còn ông chỉ cần rớt tiền và tập trung làm kinh tế.
Bầu Đức bỏ cách làm bóng đá mua các ngôi sao làm thương hiệu, chọn một con đường mới bằng cách mở Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG.
Nhưng bầu Đức đã không chọn cách làm theo kiểu đổ tiền vào bóng đá để khai thác triệt để hình ảnh về thương hiệu, hay thông qua bóng đá phát triển công việc làm ăn. Bầu Đức làm nghiêm túc bằng cách sang tận nước Anh ngồi nói chuyện với HLV Wenger, xin thọ giáo về con đường phát triển bóng đá chuyên nghiệp từ gốc rễ.
Bầu Đức không chỉ bỏ tiền, công sức mà còn tâm huyết theo kiểu một người đi xây giấc mơ lớn. Bầu Đức gác công việc, bỏ thời gian chăm sóc những đứa trẻ như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy… theo một triết lý riêng. Bầu Đức hiểu quá rõ bóng đá nước nhà nên nhất định phải đem giáo dục vào bóng đá, từ chuyện ăn học tử tế, học ngoại ngữ, đối nhân xử thế trên sân cỏ, sau đó mới đào tạo bóng đá.
Thế nên, Học viện bóng đá HAGL - JMG là niềm tự hào, sự kiêu hãnh của bầu Đức. Khi ông chủ HAGL nuôi dưỡng từ mọi khía cạnh, từ tinh thần đến khát vọng cho cả một nền bóng đá, với giấc mơ vươn ra biển lớn. Nó là một sự khác biệt hoàn toàn so với cách làm chung của bóng đá Việt Nam, khi HLV Alfred Riedl từng nói thẳng là “xây nhà từ nóc”.
Bóng đá được xây dựng bài bản, tử tế và bản sắc tự tạo ra những giá trị lớn. Khi hàng triệu người hâm mộ dành tình yêu cho lứa Công Phượng và thứ tình cảm đó bền chặt theo năm tháng. Đó là kết quả của một quá trình dõi theo từng bước chân các cầu thủ trưởng thành, nuôi dưỡng cảm xúc từ hạnh phúc đến buồn vui. Nó giống như cách bầu Đức từ ngày mở Học viện trông đợi các cầu thủ trưởng thành.
Cũng giống như sự thành công của bóng đá Việt Nam, một lứa cầu thủ được đào tạo chuyên nghiệp thì có thể thất bại trong một thời điểm nhất định, nhưng kết quả cuối cùng sẽ gặt được những thành tích khác biệt.
Sâu xa hơn, một lứa cầu thủ tạo được niềm tin yêu của người hâm mộ thì kéo cả một nền bóng đá tiến bộ. Lứa Công Phượng đã làm được những điều còn hơn thế khi tạo ra văn hóa bóng đá về cái đẹp, tình yêu từ sự tử tế. Những đội bóng khác nhìn thấy được ý nghĩa và khác biệt, họ đã phải thay đổi nếu không sẽ chững lại so với bầu Đức và Học viện bóng đá HAGL - JMG.
HLV Park Hang Seo đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam nhờ có bầu Đức đưa về và trả lương, cùng thế hệ cầu thủ giỏi, đào tạo bài bản.
3. Bầu Đức có điều đặc biệt là mọi thứ chưa thành công, hay thất bại thì ông không bao giờ ngừng lại giấc mơ và khát vọng. Lẽ đó, bầu Đức mới mời được HLV Park Hang Seo về Việt Nam. Vì bầu Đức chấp nhận từ bỏ mọi thứ thì có lẽ ông dừng lại sau SEA Games năm 2017, thời điểm rất nhiều ý kiến “ném” về phía ông trong nỗi đau khôn cùng, như ông nói thì “người hâm mộ đau một, thì tôi đau mười”.
Rõ ràng, từ bỏ bao giờ cũng dễ dàng hơn tiếp tục theo đuổi thành công. Về khía cạnh này, mỗi chúng ta khó có thể nói với bầu Đức, một doanh nhân lẫy lừng của Đông Nam Á. Nhưng phải cám ơn ông vì chính sự kiên định tuyệt vời đó trong suốt hơn 1 thập kỷ để bóng đá Việt Nam bay cao như hôm nay.
Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG có một vị trí đặc biệt trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Đó là những điều diễn ra ở thực tế, từ chính sự thừa nhận của cả Đông Nam Á, ngay đến truyền thông Trung Quốc cũng nhìn thấy được chứ không phải quan điểm của một cá nhân, bởi bóng đá là sân khấu bốn mặt nên không thể che giấu điều gì với người hâm mộ nước nhà. Tình yêu của họ dành cho ông chủ CLB HAGL nói lên tất cả.
Chỉ có một điều tiếc nuối là bầu Đức bây giờ không còn mặn mà với V.League, khi chính ông từng góp phần tạo ra nó. Giá như cả nền bóng đá Việt Nam có cùng một tầm nhìn như bầu Đức thì có lẽ mọi thứ còn khác biệt hơn rất nhiều, thay vì để một người dành cả 20 năm kiến tạo thành công cho bóng đá nước nhà xác định cuộc chơi cấp CLB bây giờ đang bị biến dạng, chỉ đá vui và giữ phong trào.