1. Trước trận đấu với đội tuyển Malaysia tại Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam của thầy Park đang xếp áp chót bảng G, với vỏn vẹn 1 điểm. Trong khi đó, cả UAE, Thái Lan lẫn Malaysia đều xếp trên, dẫu cho cả Thái Lan lẫn Malaysia đều đã thi đấu 2 trận. Chỉ có con đường duy nhất là thắng Malaysia, thì thầy trò HLV Park Hang-seo mới "có cửa" tranh chấp chiếc vé đi tiếp, khi nó chỉ dành cho đội đầu bảng, và 4/8 đội nhì bảng.
Có thể nói, đây là trận đấu bước ngoặt của đội tuyển Việt Nam trên con đường chinh phục tham vọng tiến càng xa càng tốt ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Nếu chẳng may "sẩy chân" trước Malaysia, thì con đường phía trước của thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ cực kỳ mù mịt, khi trước mắt là trận đấu trên sân khách trước Indonesia đang cực kỳ khát điểm, cũng như tụt lại trước chính Malaysia - đối thủ "không xứng tầm" với Việt Nam.
Nhưng để thắng Malaysia có dễ dàng, dù được chơi trên sân nhà? Câu trả lời là không.
Bởi nếu như Malaysia đã ghi được đến 4 bàn thắng sau 2 đã đấu, bằng lội ngược dòng cực kỳ ngoạn mục ngay trên sân của Indonesia, và bàn thắng cực sớm trước đội đánh giá là sáng giá nhất cho ngôi đầu bảng G, để rồi chỉ chịu thua sát nút với tỷ số 1-2, thì cho đến hiện tại, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn chưa thể ghi được bàn thắng nào.
Nhìn lại quá khứ, trong khoảng thời gian gần đây đội tuyển Việt Nam luôn gặp không ít khó khăn trong việc ghi bàn. Ở King's Cup 2019, họ chỉ có được bàn thắng duy nhất trước Thái Lan ở những giây cuối cùng của trận đấu, và bàn thắng gỡ hòa 1-1 trước Caracao của Đức Huy chỉ đến ở phút 82.
Bên cạnh đó, với sự thiếu vắng Đình Trọng, hàng thủ Việt Nam đang có rất nhiều dấu hiệu xộc xệch. Cả hai trận gặp Thái Lan vừa qua, Supachok đều có những cơ hội cực kỳ ngon ăn để ghi bàn vào lưới Văn Lâm, và cũng Supachok đã khiến Duy Mạnh "quay như chong chóng" trong trận hòa 0-0 trên sân Thammasat.
Bên cạnh đó, Quế Ngọc Hải không những không thể hiện được vai trò thủ lĩnh của mình, mà còn rất thường xuyên chọn sai vị trí, để đặt khung thành của Văn Lâm vào tình trạng nguy hiểm.
2. Chính sự lỏng lẻo của hàng phòng ngự đã khiến HLV Park Hang-seo không thể triển khai được sơ đồ 3-4-3 mong muốn, thay vào đó thường xuyên phải thi đấu với 5 hậu vệ, chuyển sang 5-4-1 hay 5-3-2.
Chuyên gia bóng đá châu Á Gabriel Tan từng phân tích sự khác nhau của Quang Hải dưới tay HLV Park Hang-seo và ở CLB Hà Nội, rằng ở đội tuyển, Quang Hải lợi hại và tỏa sáng hơn rất nhiều so với khi trở về thi đấu cho CLB thủ đô, bởi dưới tay thầy Park, tiền vệ người Đông Anh này được nhấc cao, hỗ trợ và điều tiết cực tốt cho hàng tấn công.
Còn ở CLB Hà Nội, Quang Hải bị ép chơi lùi hơn, thậm chí chơi như một tiền vệ trung tâm truyền thống trong đội hình 4-3-3, dù vẫn đá cao hơn Moses và Hùng Dũng. Chính điều đó đã tước đi của anh rất nhiều sự sáng tạo, tính đội biến - vốn là những điều khiến Quang Hải trở nên nổi bật giữa các đồng đội, và là linh hồn truyền cảm hứng cho toàn đội.
Song hiện tại, trớ trêu thay là vị trí của Quang Hải ở đội tuyển và CLB lại thay đổi theo hướng tráo đổi cho nhau. Sự tỏa sáng của Quang Hải gần đây trong màu áo CLB Hà Nội không phải tự nhiên mà đến, mà nó trùng với thời điểm Văn Quyết trở lại sau chấn thương.
Có Văn Quyết, CLB Hà Nội có thêm một mắt xích quan trọng trên hàng tấn công, giúp đội bóng có thể tự tin gây áp lực cho đối phương trên chính phần sân nhà của họ. Đấy là mấu chốt quan trọng nhất để Quang Hải được đẩy cao lên, chơi ở vai trò tiền vệ tấn công, thậm chí là hộ công như thầy Park đã từng dùng anh rất thành công.
Sự thay đổi ấy đang đem lại thành công cực kỳ mỹ mãn cho CLB Hà Nội, với bộ đôi Quang Hải - Văn Quyết ghi được đến 10 bàn cùng 4 đường kiến tạo chỉ trong có 4 trận, đưa đội bóng thủ đô vào đến trận chung kết liên khu vực ở AFC Cup, cũng như đứng trước viễn cảnh vô địch sớm V.League.
Ở ĐTQG Việt Nam thì ngược lại. Với sự lựa chọn mang tên Tuấn Anh - Hùng Dũng ở vị trí tiền vệ trung tâm, cùng Tiến Linh - Văn Toàn hay Văn Toàn - Công Phượng trên tuyến đầu, thầy Park đang dẫm đúng vào vết chân của CLB Hà Nội thời kỳ Văn Quyết chấn thương, khiến Quang Hải hầu như "mất tích" trên sân, và đường vào khung thành đối phương trở nên khúc khuỷu hơn bao giờ hết.
Tiến Linh dễ dàng ghi đến 2 bàn vào lưới U22 Trung Quốc, nhưng ở đó, U22 Việt Nam tạo được một thế trận tấn công cực tốt trước đối thủ, để Tấn Tài thoải mái khoét cánh, tung đường kiến tạo ngon ăn cho tiền đạo đang thi đấu cho CLB Bình Dương.
Nhưng trong đội tuyển Việt Nam, Tiến Linh hầu như mất hút khi không có bất kỳ sự kết nối nào với Quang Hải, và nhất là Văn Toàn. Không thể phủ nhận rằng Văn Toàn đang là tiền đạo có tốc độ tốt nhất Việt Nam hiện tại, nhưng lối chơi "cắm mặt vào bóng" của anh khiến các đồng đội cực kỳ khó xử mỗi khi tiền đạo này băng lên.
Với Công Phượng, dù cho đã có được bàn thắng trong màu áo mới ở châu Âu, nhưng việc chỉ được chơi cho đội U21 Sint Truidense đang khiến phong độ của tiền đạo này "hao hụt" đi khá nhiều, thậm chí còn tệ hơn cả ngày còn thi đấu ở Hàn Quốc trong màu áo Incheon United.
Trong suốt hành trình thành công đến khó tin với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo luôn đặt sự chắc chắn lên hàng đầu. Nhưng ở vòng loại World Cup lần này, khi ưu tiên đầu tiên là kiếm được càng nhiều trận thắng càng tốt, có lẽ thầy Park sẽ phải nghĩ đến việc phá vỡ "giới hạn an toàn", để đội tuyển Việt Nam có thể ghi bàn, và chơi bóng để hướng đến chiến thắng, thay vì rình rập chờ sơ hở của đối phương.
Công thức để làm được điều đó, chẳng cần phải nhìn đâu xa. Hãy cứ nhìn vào những gì CLB Hà Nội đang làm được cùng Quang Hải - Văn Quyết thì rõ. "Ngọt nhạt" đủ rồi, đến lúc "ăn mặn" thôi, thầy Park!