Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, thị xã Cẩm Phả là vùng khai thác than lớn nhất trong nước. Thống kê của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, giai đoạn 2010 – 2015, giá trị đóng góp trực tiếp từ hoạt động khai thác than chiếm 57% giá trị sản xuất kinh tế địa phương. Nếu tính cả giá trị đóng góp gián tiếp thông qua các hoạt động hỗ trợ và phân phối, con số này có thể lên tới 80%.
Tháng 2/2012, thị xã Cẩm Phả chính thức lên thành phố. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg công nhận thành phố Cẩm Phả là đô thị loại II thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Đến giờ, Cẩm Phả vẫn là trung tâm sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong đó ngành than vẫn là trụ cột trong kinh tế của địa phương rộng thứ 2 Quảng Ninh. Tuy nhiên, địa phương này đã có nhiều nỗ lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế dần thoát khỏi ngành khai thác than vốn được xem như là động lực chính phát triển kinh tế sang một nền kinh tế “xanh”.
Sau hơn 10 năm lên thành phố, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân theo GRDP của Cẩm Phả luôn đạt trên 13%/năm. Riêng thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt gần 120 triệu đồng/người, trung bình 10 triệu đồng/người, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2012 và gấp 2,3 lần trung bình cả nước.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, dự kiến đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Cẩm Phả sẽ trở thành đô thị loại I. Đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với cơ sở vật chất, hạ tầng, sản phẩm chất lượng cao, thu hút khoảng 2 triệu lượt khách mỗi năm nhờ khai thác du lịch quanh 30km đường biển cùng vịnh Bái Tử Long, và loạt khu di tích khác,...
Đáng chú ý, những năm qua, việc di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư cũng là chủ trương được thành phố quyết liệt triển khai nhằm bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng cuộc sống ngày càng cao của nhân dân.
Để di dời hơn 430 cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị ra khỏi khu dân cư, TP Cẩm Phả đã đầu tư xây dựng CCN Cẩm Thịnh, quy mô 75ha. Công trình này được đưa vào sử dụng từ năm 2019 với tổng kinh phí đầu tư 739 tỷ đồng.
Đến nay, TP Cẩm Phả đã di dời được 340/435 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Đạt trên 78% kế hoạch. Trong đó có 43 cơ sở đã vào CCN Cẩm Thịnh, 124 cơ sở chuyển đổi ngành nghề, 173 cơ sở chấm dứt hoạt động.
Là thành phố công nghiệp, nơi tập trung đông lao động ngành Than, TP Cẩm Phả cũng đã và đang ưu tiên dành quỹ đất và nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là công trình phục vụ đời sống dân sinh và phát triển KT-XH địa phương. Năm 2019, Cẩm Phả đã mạnh tay chi gần 1.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách để khởi công mới 21 dự án, chủ yếu là các công trình hạ tầng đô thị, thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục nhằm chỉnh trang diện mạo thành phố.
Đơn cử như Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 2), với tổng mức đầu tư hơn 840 tỷ đồng; quảng trường công trình công cộng và công viên cây xanh trung tâm TP Cẩm Phả 104 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng QL 279; chỉnh trang tỉnh lộ 326; triển khai các tuyến đường kết nối Cẩm Phả với Vân Đồn theo định hướng KKT Vân Đồn và Quy hoạch chung TP Cẩm Phả;… Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, tạo nên diện mạo mới cho địa phương.
Thu ngân sách cao qua các năm
9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đạt trên 14.025 tỷ đồng (bao gồm thu xuất nhập khẩu). Về hành chính, Quảng Ninh có tới 13 đơn vị hành chính trực thuộc (4 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện) thì riêng Cẩm Phả đã chiếm khoảng 35% tổng thu ngân sách toàn tỉnh (gần 40.680 tỷ đồng).
Con số này bằng mức thu ngân sách 9 tháng năm 2023 của 7 tỉnh phía Bắc cộng lại là Hoà Bình, Thái Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Kạn.
Trước đó, năm ngoái, tổng thu ngân sách nhà nước tại TP Cẩm Phả đạt 20.429 tỷ đồng. Con số này đã giúp địa phương lập kỷ lục mới, lần đầu vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Mức thu trên cao hơn 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, và là thành phố trực thuộc tỉnh thu ngân sách cao nhất Việt Nam năm 2022. Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP HCM có số thu thấp hơn một chút so với Cẩm Phả, là 20.071 tỷ đồng.
Giai đoạn từ năm 2012 – 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trung bình đạt trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Riêng vào năm 2021, mức này đạt 17.003 tỷ đồng.
Ngoài thu ngân sách, 9 tháng đầu năm 2023, nhiều chỉ tiêu kinh tế khác của Cẩm Phả đều tăng. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 6,4%; nông - lâm - thủy sản tăng 24,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,2% so với cùng kỳ.