Dù là người rất khâm phục Steve Jobs, Tim Cook và Craig Federighi, tôi vẫn không thể tránh khỏi cảm giác “nực cười” khi nghe Apple nói về quyết định khai tử cổng tai nghe vào năm ngoái.
Sự thật không thể chối cãi là, làm như vậy sẽ gây khó chịu cho người dùng. Nếu bạn đã từng muốn vừa cắm pin vừa nghe nhạc, bạn biết iPhone 7 khó chịu đến mức nào.
Ấy vậy mà Apple lại nói khai tử cổng tai nghe là “dũng cảm”. Lúc ấy, dù rất thích dùng iPhone 7 Plus để chụp ảnh mấy chú cún cưng trong nhà, tôi vẫn quyết định ở lại với chiếc 6 cũ kỹ. Tôi nghĩ mãi, không hiểu “dũng cảm” là dũng cảm thế nào.
Một câu chuyện khác: iPhone X. Ngày chiếc iPhone này ra đời, tôi cũng như nhiều người, nghi ngờ. Bộ cảm biến khuôn mặt liệu sẽ hoạt động tốt hay sẽ là thảm họa?
Quan trọng hơn, tôi quen dùng nút Home trên cả iPhone, cả Android lẫn BlackBerry đã 10 năm rồi. Một chiếc smartphone với trải nghiệm “toàn cảm ứng” liệu có phá hỏng trải nghiệm của tôi?
Lúc đó, tôi cầm lên tay chiếc Galaxy S8 và thấy một trải nghiệm khá “an toàn”. Do không thích phải “lần” ra đằng sau và dùng cảm biến vân tay nên tôi bật tính năng Iris Scanner.
Nếu tính đến chuyện nút Home, cách sử dụng Galaxy S8 chắc chắn sẽ không gây khó cho người dùng iPhone 7 (và 8 chiếc iPhone trước đó) hơn là iPhone X.
Vì Galaxy S8 có nút Home ảo. Nếu bạn đã quen với việc dùng nút Home để trở về màn hình chính, Galaxy S8 sẽ phục vụ tốt cho bạn. Ngay cả khi cảm biến vân tay đã không còn được đặt dưới vân tay trên mặt trước.
Nhưng điều đáng nói là sau 2 tháng chờ đợi để được cầm iPhone X trên tay, sau chỉ duy nhất 1 ngày, tôi đã quên hẳn sự hiện diện của nút Home hay cảm biến vân tay trong trải nghiệm sử dụng của mình.
Face ID đơn giản, và quan trọng hơn, đi kèm với Face ID, Apple đã thêm một loạt các cử chỉ mới (rất dễ quen) để người dùng có thể “sống tốt” mà không cần đến nút Home hay cảm biến vân tay.
Dĩ nhiên, chưa cần đợi đến lúc tôi có bài cảm nhận này, một loạt các nhà sản xuất Android đã từ bỏ theo đuổi công nghệ cảm biến vân tay gắn dưới màn hình cảm ứng (có thể là ngay dưới nút Home “ảo”).
Cũng trong một năm qua, danh sách smartphone Android loại bỏ cổng tai nghe đã kịp... dài dằng dặc.
Google, từng lớn tiếng mỉa mai iPhone 7 không có jack cắm tai nghe, nay cũng tự hào nói về quyết định bỏ cổng kết nối “cơ bản” này khỏi Pixel 2/2 XL. Xiaomi, “Apple của Châu Á”, cũng học theo quyết định gây tranh cãi của Apple “xịn”.
HTC, Motorola/Lenovo, Essential (của “cha đẻ” Android, Andy Rubin)... Danh sách này sẽ không dừng ở đây.
Mới đầu tháng, các báo liên tiếp đăng cảnh người ta xếp hàng nô nức chờ iPhone X. Ngay trước khi iPhone X lên kệ, Apple cũng công bố doanh số và lợi nhuận “khủng” cho quý 3 – vốn chỉ có iPhone 8/8 Plus làm sức hút chính. Nhiều nguồn tin còn khẳng định iPhone 7/7 Plus cũng bán chạy.
Tất cả những chiếc iPhone này đều không có cổng 3.5mm.
Cái chết của jack tai nghe và cái chết của nút Home trên iPhone buộc tôi phải suy nghĩ lại: liệu Apple có thực sự dũng cảm hay không? Và câu trả lời giờ đã chuyển thành “có”.
Bởi trong cả 2 trường hợp, Apple đã thẳng thừng đưa ra những bước đi có thể làm phiền lòng người dùng. Khả năng các bước đi ấy gây ra thảm họa cho iPhone là có thật.
Nhưng một năm sau, khi chính Apple đã chứng minh rằng người dùng không quá phiền lòng vì jack tai nghe, các hãng Android cũng đi theo Táo. Họ cũng gây ra những sự phiền toái giống như Táo, nhưng họ được sự đảm bảo (từ doanh số iPhone) rằng loại bỏ cổng tai nghe không đồng nghĩa với thất bại.
Còn với Face ID, khi các đối thủ vẫn còn ở lại với các giải pháp “lưng chừng” (chuyển cảm biến vân tay ra phía sau, dùng nút Home ảo trên màn hình “dài”), Apple đã thẳng thừng từ bỏ một yếu tố trải nghiệm quá quen với người dùng.
Đổi lại, Apple bỏ công sức ra thực hiện một trải nghiệm sử dụng mới với các cử chỉ tiện dụng không kém.
Và cùng lúc, Apple gia tăng mức độ bảo mật, tiện dụng cho người dùng iPhone X.
Nhìn sâu hơn về lịch sử, chuyện “dũng cảm” – hoặc ít nhất là “dũng cảm hơn đối thủ” cũng không phải là hiếm. Hãy nhớ về sự ra đời của Android: ban đầu, Google và HTC cũng chỉ tạo ra một chiếc smartphone giống như BlackBerry.
Đến khi iPhone ra mắt, Google và HTC mới tạo ra một chiếc smartphone vừa có màn cảm ứng cỡ lớn, vừa có bàn phím trượt phía dưới. Bởi gã khổng lồ phần cứng vẫn sợ rằng điện thoại không có bàn phím vật lý thì không thể thành công.
Còn iPhone thì chưa bao giờ có bàn phím cả. Người dùng có chê cảm giác nhấn trên phím ảo không? Có. Rất nhiều người đã chê.
Thế nhưng, bàn phím vật lý trên smartphone vẫn cứ thế dần dần biến mất. Cả người dùng lẫn các hãng smartphone Android đều phải chấp nhận sự thật rằng, những lợi ích của màn hình cảm ứng KHÔNG có bàn phím là có thật.
Như thế đó bạn ạ. Apple “dũng cảm” thật. Nói đúng hơn, Apple “ngông” thật, dám làm mếch lòng người dùng. Ấy vậy mà các đối thủ vẫn cứ dần dần đi theo bước chân của Táo.