Nếu bạn không biết thì ngay trước ngày giỗ lần thứ 2 của Steve Jobs, tờ báo The New York Times đã bất ngờ tiết lộ một bản tường thuật chi tiết về những gì mà Apple dàn dựng cũng như thực hiện màn ra mắt chiếc iPhone đầu tiên của họ vào 9/1/2007 - điều mà sau này ngay lập tức khiến cả thế giới phải bất ngờ.
Theo Andy Grignon - bấy giờ là giám đốc cấp cao phụ trách phát triển công nghệ tín hiệu cho iPhone - cái đêm ngay trước ngày giới thiệu quả thực là một ác mộng không thể nào quên.
Lúc đó, chỉ còn chưa đầy 1 ngày trước "giờ G", Jobs bỗng đổi quyết định, muốn tự mình đem một nguyên mẫu iPhone đời đầu lên diễn thuyết trực tiếp, dù cho nó vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, phát triển, và đầy lỗi vặt, "thường tự ngắt tín hiệu, mất kết nối mạng, treo máy và thậm chí là tự sập nguồn."
Thường thì đa số các công ty công nghệ sẽ đều lên một kịch bản sẵn chi tiết với mọi thứ được tính toán trong tầm tay hết, kể cả việc can thiệp trước vào thiết bị đem lên giới thiệu.
Thế nhưng Steve Jobs lại muốn làm một điều đầy rủi ro là tự trình diễn trực tiếp theo đúng nghĩa đen, cầm trên tay một chiếc iPhone được coi là chính thức luôn.
"iPhone có thể chạy một đoạn bài hát hoặc video ngắn, nhưng nếu dài hơn tí là sẽ ngay lập tức 'sập' ứng dụng. Trình duyệt sẽ hoạt động khá trơn tru nếu như bạn thực hiện công việc gửi email rồi mới lướt web.
Nhưng nếu làm ngược lại - lướt web xong rồi gửi email - mọi chuyện có thể sẽ lại rối tung lên vì lỗi.
Do đó, tất cả mọi người đã thử nghiệm rất nhiều để quyết định về một chuỗi các hành động nhất quán sao cho iPhone sẽ không bị lỗi gì cả, nhưng phải làm theo chính xác trình tự như vậy - một 'Lộ trình tuyệt đối'."
Ở thời điểm đó, mới chỉ có 100 chiếc iPhone được làm ra và chuẩn bị sẵn, nhưng không thiếu những thiết bị dính lỗi gia công hoặc hở cạnh màn hình đối với rìa máy.
Phần mềm thì liên tục gặp sự cố, đến nỗi họ thống nhất là sẽ đảm bảo sẵn vài chiếc iPhone hoàn hảo nhất để có thể kịp thời thay thế nếu như có gì bất trắc xảy ra lúc diễn thuyết.
Ngoài ra, sau khi hỏi và được Jobs chấp thuận, họ đã lập trình màn hình chiếc iPhone mà Jobs mang lên giới thiệu sao cho nó luôn hiện 5 vạch sóng - kể cả khi cường độ sóng thực lúc ý bằng 0 đi chăng nữa; hoặc Jobs sẽ mang theo mình một bộ phát sóng di động nhỏ ngay sát người.
Bạn nghĩ mọi thứ vậy là xong ư? Chưa đâu, vì dung lượng RAM khi đó của iPhone chỉ là 128 MB, lại còn ứng dụng đời đầu không thể được tối ưu hóa như 10 năm sau như bây giờ, cho nên iPhone sẽ luôn chịu rủi ro quá tải RAM và cần phải... khởi động lại để giải phóng bộ nhớ.
Do đó, Jobs cũng chuẩn bị một mánh nhỏ: Mang theo vài chiếc iPhone giấu xung quanh 1 lúc, để có thể luân phiên thay mới theo từng chặng của "Lộ trình tuyệt đối", sao cho không chiếc máy nào bị quá tải để khởi chạy các ứng dụng cả.
Được biết, Jobs đã dành rất nhiều thời gian tập cho thành thạo từng màn trình diễn - tất cả các lần tập thử đều bị sự cố cho tới tận phút gần chót.
Nhưng phép lạ là khi đến 90 phút đứng trước hội trường và hàng triệu người theo dõi qua màn ảnh nhỏ, ông đã không gặp phải trở ngại nào. Mọi thứ đều diễn ra trơn tru và tất cả đều thở phào nhẹ nhõm.
Nếu không thì có lẽ iPhone sẽ không ở vị thế hiện tại mà ngay lập tức bị lâm vào tình cảnh tụt dốc không thể đoán trước được rồi chứ nhỉ? Còn chả chắc có iPhone X cho chúng ta mơ ước ngày hôm nay nữa chứ.