Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Theo Nghị quyết, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684 tỷ đồng/năm.
Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại.
Cụ thể, đối với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính nhẩm tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.
Đối với mặt hàng túi nilon, với đề xuất tăng 10.000 đồng/kg (từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ đạt khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm.
Đối với mặt hàng dung dịch, với đề xuất tăng 1.000 đồng mỗi kg (từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng, tăng khoảng 12,7 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, lý do tăng mức thuế môi trường kịch khung là do thuế nhập khẩu giảm mạnh, đồng thời giúp tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Cũng theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu ở Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức rẻ. Đề xuất này của Bộ Tài chính cũng nhận được sự tán thành từ phía các cơ quan bộ, ngành.
Dự kiến, Nghị định này sẽ được áp dụng từ tháng 10/2018.