Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc công bố ngày 27/9, từ ngày 1/12, người dùng đăng kí mới đối với dịch vụ và dữ liệu viễn thông sẽ phải quét nhận diện khuôn mặt.
Chính quyền Bắc Kinh cho rằng đây là nỗ lực trong việc "đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân trong môi trường mạng" cũng như để kiểm soát lừa đảo qua mạng và điện thoại. Bên cạnh việc phải trải qua kiểm tra nhận diện khuôn mặt, người dùng điện thoại cũng bị cấm chuyển số di động cho người khác. Ngoài ra, người dùng cần phải kiểm tra liệu số điện thoại của mình có bị đăng kí bằng tên người khác hay không.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu một số loại giấy tờ tùy thân để lập hợp đồng điện thoại. Tuy nhiên, yêu cầu quét và nhận diện khuôn mặt là hình thức lần đầu tiên sử dụng tại Trung Quốc và trên thế giới. Đối với Bắc Kinh, đây là bước tiến mới nhất của chính phủ trong việc áp dụng công nghệ quản lí với những ứng dụng trực tiếp như tìm kiếm tội phạm giữa đám đông cho tới phân loại xã hội.
Trước đó, năm 2013, người dùng điện thoại tại Trung Quốc đã phải đem chứng minh nhân dân và ảnh chụp tới các hãng viễn thông để xin cấp số mới. Một số luật trước đó còn yêu cầu những người đăng kí số trên mạng phải quay một đoạn video để chứng tỏ họ là người trong CMND. Hiện tại, gần như tất cả người dùng điện thoại tại Trung Quốc đều đăng kí bằng tên thật.
Được biết, luật lệ mới được đưa ra giữa lúc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát mạng và cho rằng đây là công cụ cần thiết để quản lý xã hội.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất ý tưởng "chủ quyền mạng", yêu cầu các nước khác tôn trọng phương pháp quản lý của Trung Quốc - đặc biệt trong việc chặn những trang mạng quốc tế như Facebook và Twitter, thậm chí tin nhắn cá nhân cũng bị kiểm duyệt.
Mặc dù Bắc Kinh cho rằng việc nhận diện sẽ giúp bảo vệ người dùng, nhưng nhiều người Trung Quốc cho rằng việc đó có thể sẽ khiến thông tin cá nhân bị lộ nhiều hơn,
"Bao nhiêu năm đã trôi qua từ khi hệ thống đăng kí bằng tên thật được áp dụng nhưng những cuộc gọi chào bán sản phẩm và lừa đảo vẫn chưa dừng lại! Thu thập thông tin công dân quá đà là hành vi vi phạm quyền công dân!" - một người bình luận.
Hồi tháng 3, một cơ sở dữ liệu chứa hàng trăm triệu đoạn đối thoại cá nhân của 6 ứng dụng Trung Quốc - bao gồm WeChat và QQ - đã bị rò rỉ. Bất cứ ai cũng có thể đọc được nội dung dữ liệu thông qua địa chỉ IP. Đây là lí do khiến người dùng mạng Trung Quốc ngày càng lo lắng về đời tư cá nhân của mình.