Cuộc hôn nhân của ông Phạm Xuân Nghiêm (67 tuổi, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) và bà Lê Thị Kim Chi (67 tuổi) bắt đầu từ những bữa ăn tập thể của khu mỏ than. Ông Nghiêm khi đó làm công nhân trong mỏ, còn bà Chi là kế toán phụ trách cho nhà ăn đó. Mỗi lần đóng dấu phiếu ăn, ông Nghiêm đều nán lại lâu để tìm cơ hội tiếp cận, trò chuyện với bà.
Bà Chi cũng biết anh công nhân có ý với mình, nhưng bà không tỏ thái độ gì vì chưa có cảm tình. Khi đó ông Nghiêm đã có bạn gái, dù si mê cô kế toán xinh đẹp ở khu mỏ nhưng ông không dám nói lời chia tay. Ông tìm cách lảng tránh, im lặng vì sợ nếu nói thẳng, người yêu sẽ đau lòng.
Bà Chi cũng loáng thoáng biết việc ông đang có người con gái khác nên vẫn phân vân, không muốn tiến tới với ông Nghiêm.
“Bố mẹ tôi không ưng, nhận xét ông ăn mặc càn quấy, quần loe, râu để dài. Chắc thuộc dạng ăn chơi có tiếng. Thế nên tôi vẫn lưỡng lự không dám đến với ông. Nhưng sau đêm định mệnh, tôi quyết tâm phải lấy bằng được người này làm chồng", bà Chi nói.
Bà Chi kể, quen được vài tháng, bố ông Nghiêm qua đời. Thương cảnh ông mồ côi mẹ, bố ra đi đột ngột, bà đồng ý theo ông về quê làm lễ cúng 49 ngày. Sau lễ cúng, trời cũng đã tối, bà nghĩ chắc ông sẽ sắp xếp chỗ ngủ cho bà cùng với các chị dâu. Ngờ đâu, ai về phòng nấy, để lại bà bơ vơ ở ngoài hiên.
“Ở quê đom đó, ếch kêu, trời mưa, tính tôi nhát, sợ lắm. Ông cũng không dám nói gì, ra ngồi cạnh tôi. Tới 1 giờ đêm, ông bảo thôi vào nhà ngủ. Mà bấy giờ tôi vẫn hãi”, bà Chi kể.
Nằm cạnh bà, ông Nghiêm chớp thời cơ thổ lộ tình cảm. Bà Chi nằm im, tim đập mạnh vì xấu hổ.
Trong tình thế bất khả kháng, bà bối rối không biết phải làm thế nào. “Trong lòng tôi lúc ấy chỉ nghĩ mình đã trao ai thì nhất định phải lấy người ấy làm chồng. Thế rồi tôi có đêm động phòng bất khả kháng”, bà Chi nói.
Chịu thiệt thòi đủ bề, 67 tuổi mới được an nhàn
Một tháng sau, bà Chi biết mình mang thai nên đề cập chuyện cưới xin với ông. Nhưng bố mới mất nên ông Nghiêm muốn chịu tang, không đồng ý tổ chức đám cưới rình rang. Bà Chi chấp nhận cảnh thiệt thòi, tuy nhiên vẫn yêu cầu gia đình ông đến nhà làm lễ ăn hỏi. Hai bên gia đình làm 3 mâm cơm ấm cúng báo hỷ.
Nhà bà Chi rất nghèo, nuôi 7 anh chị em. Cưới xong, bà đến ở nhờ nhà bà ngoại. Gia cảnh khó khăn, ông bà chỉ đủ tiền mua một chiếc màn tuyn.
Hôn sự ngoài ý muốn, bà Chi vẫn nghĩ mình bị “sập bẫy" ông. Thế nhưng ông Nghiêm một mực khẳng định tình cảm sâu đậm dành cho bà khi đó.
Tháng 6/1980, bà sinh con đầu lòng và qua ở nhờ nhà bà cô họ. Qua cái Tết đầu tiên bên nhau, ông bà đón nhận tin sét đánh khi biết con đầu bị bệnh viêm màng não.
“Bố tôi đi bộ mười mấy cây, vừa đi vừa khóc", bà Chi lặng người.
Còn ông Nghiêm cũng nén nước mắt khi nhớ về hình ảnh của vợ khi đó: "Chúng tôi bất lực, ôm nhau khóc".
Sau biến cố, ông bà xách vali sang ở nhờ trong một căn nhà tập thể bị chủ cũ bỏ lại. Nhưng được ít lâu, nhà bị trộm đột nhập, lấy sạch đồ đạc. Bà Chi sợ hãi, lại tìm cách đổi chốn ở.
“Thời điểm đó tôi tích được mấy trăm đồng, mua căn nhà cũ ở lưng chừng núi. Cũng hạnh phúc vì cuối cùng cũng có căn nhà, có tấc đất cắm dùi", bà Chi kể.
Vợ chồng nghèo lại tiếp tục cày cuốc nuôi con nhỏ. Không ai chăm con, ông bà phải chia ca đi làm. Bà đi bộ cả chục cây số để tiết kiệm, quần áo trong nhà cũng chắp vá từ những mảnh vải thừa đi xin, hiếm khi may mới.
Sau này ông bà lại mua thêm được căn nhà tập thể, bán nhà trên núi. Có đồng ra đồng vào, cuộc sống của ông bà mới dần khấm khá. Năm 1986, bà lại tích được 1 chỉ vàng mua thêm miếng đất, xây căn nhà khang trang.
“Tôi vẫn tự hận và giận mình, vì đêm đó để cơ sự xảy ra như vậy là tại tôi, không trách người đàn ông được. Nhưng sau này nghĩ lại, nhìn những thời điểm khó khăn hai vợ chồng đã đi qua, chúng tôi lại thấy thương nhau hơn”, bà Chi tâm sự.
44 năm hôn nhân, chịu cơ cực, thiệt thòi đủ bề, bà Chi mới giờ mới được an nhàn. Ông bà nuôi dạy 2 con khôn lớn thành đạt, nay đã có gia đình riêng. Ông Nghiêm trong thâm tâm luôn thương vợ, nhưng không thể hiện ra ngoài.
Sau cùng ông gửi lời nhắn nhủ tới vợ: “Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm, trong thâm tâm anh lúc nào cũng muốn những điều tốt cho vợ, con.
Dẫu vậy, anh không thể thể hiện những cảm xúc ấy qua hành động, lời nói. Mong rằng vợ chồng mình luôn giữ được mái ấm gia đình, tình yêu đến trọn đời”.
Nguồn: Tình trăm năm