Khi Đại biểu quốc hội lên tiếng
Lời kêu cứu khẩn thiết của Công ty Đèo Cả đã lan tới diễn đàn QH nửa ngày sau khi Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể đứng áp chót trong bảng xếp hạng những người được tín nhiệm thấp nhất, sau bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ.
ĐBQH Đinh Văn Nhã, đã đưa ra nghị trường thông tin giật mình : "Theo kiến nghị gần đây của cơ quan kiểm toán nhà nước nếu những vướng mắc này chậm được giải quyết thì có thể 1-2 tháng nữa công ty Đèo Cả có thể phải buộc đóng hầm Đèo Cả, bỏ dự án Hầm Đèo Cù Mông còn dở dang, bàn giao công việc quản lý vận hành Hầm Đèo Hải Vân cho cơ quan quản lý nhà nước".
Ông Nhã cho biết thêm: "Qua các đợt tiếp xúc cử tri tôi biết, nhà đầu tư đã kiến nghị nhiều lần trong vài năm nay, nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, chưa kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có biện pháp giải cứu cho doanh nghiệp".
Tại sao hai công trình được coi là niềm tự hào số 1 của hầm đường bộ Việt Nam, tại sao công ty được coi là "vua hầm đường bộ Việt Nam" lại phải kêu cứu khẩn thiết đến như vậy?
Đại biểu Đinh Văn Nhã nói về sự khó khăn của Công ty Đèo Cả (đơn vị vận hành Hầm đường bộ Hải Vân) do những chính sách thiếu nhất quán của bộ ngành với công ty BOT
Mới đây, Điện lực quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã phát đi văn bản đòi Đèo Cả trả 2 tỷ đồng tiền điện, cùng với lời khẳng định: Nếu chậm trễ thanh toán họ sẽ cắt điện. Một hầm đường bộ dài bị cắt điện, đồng nghĩa với việc phải đóng cửa.
Nhưng không chỉ có tiền điện, Công ty Đèo Cả còn chưa thanh toán được chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân 1.
Việc nợ 2 tỷ đồng tiền điện thực ra chỉ là giọt nước cuối cùng trong chiếc ly đầy ứ nằm trên bàn tay chậm chạp của Bộ Giao thông.
Ngày 3/9/2017, hầm đường bộ Đèo Cả bắt đầu thu phí. Nhưng ngay từ ngày đầu ấy, Bộ Giao thông đã "bỏ quên" mức giá mà chính mình đã phê duyệt cho nhà đầu tư theo phương án tài chính.
Khi Bộ ban hành thông tư 35/2016, họ đã quên mất việc đề cập mức phí cho hạng mục hầm đường bộ. Chính vì vậy Đèo Cả chỉ được thu mức phí bằng mức đường bộ thông thường (nghĩa là thấp hơn nhiều mức giá đã được phê duyệt và giá đã ký kết với nhà đầu tư tại Hợp đồng dự án).
Chưa hết, theo phương án tài chính được Bộ Giao thông phê duyệt ngày 5/10/2016, trạm Nam Hải Vân sẽ được thu phí từ ngày 1/1/2017 để có nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hạng mục sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Giao thông đã phê duyệt phương án cắt bỏ trạm Nam Hải Vân, và buộc nhà đầu tư sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân để thu phí hoàn vốn. Như vậy, thay vì hai dự án có 2 trạm thu phí, thì giờ chỉ còn 1, khiến phương án tài chính của Đèo mất cân đối nghiêm trọng.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến Đèo Cả, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những ngân hàng cho dự án vay vốn. Những ngân hàng này cũng không thể hoàn vốn đúng tiến độ, đúng phương án tài chính đã được Bộ Giao thông phê duyệt.
Công ty Đèo Cả cho biết: Dù ra quyết định gây tổn hại cho doanh nghiệp như vậy nhưng Bộ luôn lặp lại điệp khúc: Sẽ tiếp thu ghi nhận kiến nghị và tiếp tục... báo cáo Thủ tướng.
Trong khi Bộ "tiếp tục ghi nhận" thì theo ông Lưu Xuân Thủy – Phó Tổng giám đốc công ty Đèo Cả, chỉ tính từ ngày 1/1/2018 đến 1/10/2018, dự án thâm hụt nguồn thu khoảng 65,7 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 7,3 tỷ đồng.
Đèo Cả cho biết, vài năm nay, dù công ty đã kiến nghị rất nhiều lần để Bộ sửa Thông tư 35, bổ sung thêm mức phí hầm đường bộ; dù Bộ đã tổ chức họp lấy ý kiến để chỉnh sửa, có cả Bộ trưởng, thứ trưởng thay nhau giải quyết, nhưng đến hôm nay doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục kêu cứu trong tuyệt vọng. Họ vẫn phải chịu đựng những cơ chế bất cập, những quy định phát sinh không hề có trong các điều khoản hợp đồng đã ký.
Hầm Hải Vân từng được coi là niềm tự hào số 1 của hầm đường bộ Việt Nam.
Ai sẽ bị cắt trách nhiệm?
Cách đây vài tháng, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn cho đầu tư xây dựng mà Thủ tướng chủ trì, chính ông Thủy, đã gửi tham luận kiến nghị sửa đổi thông tư 35 và nhắc lại một số cam kết mà Bộ không thực hiện với doanh nghiệp.
Thậm chí, tham luận của Đèo Cả còn đề nghị xử lý trách nhiệm của một số lãnh đạo đã trong việc để xảy ra nhiều tồn tại của ngành giao thông.
Việc một doanh nghiệp lớn, lần đầu tiên, dám công khai đối mặt với những người quản lý ngành, chắc chắn phải là việc làm cực chẳng đã, trong tình hình tất cả doanh nhân đều phải nghiến răng tự nhủ "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Thế nhưng, ngay cả những động thái cuối cùng ấy cũng không mang lại kết quả.
Tháng 4 năm nay, Bộ Xây dựng đã tổ chức lễ gắn biển Công trình xây dựng tiêu biểu cho hầm đường bộ Đèo Cả, nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành xây dựng (cả nước chỉ có 5 công trình được gắn biển này).
Hầm Đèo Cả khi đưa vào vận hành giúp rút ngắn khoảng cách quãng đường dài 21,4km bằng đường đèo xuống còn 13,19km đi qua hầm, rút ngắn thời gian di chuyển từ 45 phút xuống còn hơn 10 phút.
Nhưng không chỉ có thế, với việc thi công ngày đêm thần tốc, hầm Đèo Cả đã về đích sớm 2 tháng so với dự kiến, tiết kiệm gần 4.000 tỷ đồng, trở thành một hiện tượng lạ giữa vô số dự án trọng điểm kéo dài hơn dự kiến hàng năm trời và phát sinh kinh phí nhiều ngàn tỷ.
Nhưng thi công thần tốc, quyết liệt bao nhiêu ở công trường, thì nhà đầu tư ấy vẫn không thể thúc đẩy được "guồng máy bình tĩnh" khi xử lý vướng mắc cho mình,ở cơ quan lẽ ra phải hỗ trợ họ nhiều nhất: Bộ Giao thông.
Đèo Cả nợ tiền điện thì sẽ bị cắt điện. Điều đó rất sòng phẳng. Nhưng Bộ Giao thông không tuân thủ cam kết, ì trệ trong tháo gỡ chính sách, thì ai sẽ cắt vị trí, cắt trách nhiệm của những người có trách nhiệm?
Khi dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn gần như phá sản, do nhà đầu tư UDIC không còn khả năng thực hiện, Bộ Giao thông đã kêu gọi các doanh nghiệp giải cứu. Chính Đèo Cả đã xung phong gánh trách nhiệm này, và công ty này tiếp tục đẩy dự án đi những bước thần tốc, dự tính tiết kiệm cả ngàn tỉ đồng.
Khi Đèo Cả gặp khó vì cơ chế bất hợp lý của chính Bộ Giao thông, họ đề nghị tháo gỡ, thì kỳ lạ thay, không có ai giải cứu cho họ.
Thời gian là cơ hội, là tiền, là niềm tin của nhà đầu tư. Một dự án phức tạp như Đèo Cả, nhà đầu tư đã làm mọi cách để về đích sớm, tiết kiệm cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng, nhưng đổi lại, họ nhận được gì? Nếu làm việc với tinh thần kiến tạo thực sự thì trụ sở Bộ Giao thông, phải là nơi hanh thông nhất, chứ không phải ngược lại.
Trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ kiến tạo của mình, liên tục gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp và nhà quản lý, để tháo gỡ những nút thắt, thì sự chậm chạp của Bộ Giao thông trong việc tháo gỡ những vướng mắc do chính mình gây ra, gây băn khoăn không nhỏ cho môi trường đầu tư ở lĩnh vực rất nhạy cảm và tốn kém này.
Theo kiến nghị của Đèo Cả, nếu những vướng mắc này không được giải quyết, nếu Bộ Giao thông không đảm bảo được nguồn kinh phí như đã cam kết cho dự án, ngày 5/11/2018 này, hầm Hải Vân 1 sẽ dừng hoạt động và "Bộ Giao thông sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm". Nhà đầu tư cũng sẽ báo cáo Thủ tướng, đề nghị trao trả dự án cho Bộ Giao thông.
Hai ngày nay, khi đăng đàn tại Quốc hội, bộ trưởng Thể đã nêu ra nhiều khó khăn khi bị thanh tra, kiểm toán thường xuyên, nhưng ông vẫn hứa tiếp tục nỗ lực khai thông các dự án trọng điểm.
Cử tri có quyền đặt câu hỏi: Các dư án trọng điểm sẽ được khai thông như thế nào khi những tồn tại với nhà đầu tư lớn chưa được giải quyết và niềm tin chưa được khôi phục?
Kỳ sát hạch ở Quốc hội đã xong, nhưng chắc chắn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ còn phải chứng minh cho các ĐBQH và cử tri thấy rằng mình thực sự là một Bộ trưởng hành động, mà hành động đầu tiên, chính là việc chống thành công nạn "ùn tắc kiến tạo" ngay tại trụ sở của mình.