Sao lại bắt doanh nhân kê khai tài sản?

Một khi quyết định bỏ vốn ra làm ăn, các doanh nhân chọn hình thức công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn đều hiểu rất rõ trách nhiệm của họ được hạn định trong khoản vốn họ bỏ ra. Giả thử công ty phá sản, nợ nần ngập đầu thì họ sẽ mất hết tiền đã góp còn tài sản riêng ở nhà của họ không có chủ nợ nào có thể đụng vào được. Khái niệm trách nhiệm hữu hạn là vậy, là một bảo đảm cho mọi người yên tâm làm ăn ở mức họ chấp nhận được.

Thế mà dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã bổ sung những điều liên quan đến doanh nghiệp với điều 112 - Kiểm soát tài sản, thu nhập của người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, trong đó quy định:

“Người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập”.

Thiết nghĩ ở đây đã có sự nhầm lẫn trong quá trình soạn thảo. Công ty đại chúng có một số nghĩa vụ phải công khai minh bạch hoạt động với công chúng như phải công bố nhiều loại thông tin như báo cáo tài chính, báo cáo tình hình quản trị công ty...

Qua các công bố này, công chúng có thể nắm rõ chủ tịch HĐQT một công ty hiện đang nắm bao nhiêu cổ phiếu, được trả thù lao bao nhiêu...

Chính nhờ tổng hợp các thông tin này mà một số tổ chức nghiên cứu hay một số tờ báo lớn có thể lập ra danh sách những người giàu nhất thế giới hay giàu nhất từng nước. Đó là bởi họ sẽ cộng hết các tài sản được công khai, tính ở mức thị giá để phỏng đoán tổng tài sản của những nhân vật này.

Nhưng điều đó không có nghĩa những người giữ chức vụ chủ chốt ở doanh nghiệp bị buộc phải kê khai tài sản. Tài sản của họ là quyền tư hữu, được bảo vệ bởi luật pháp, không ai được quyền bắt họ công khai.

Bill Gates có thể được tờ Forbes định giá giàu nhất thế giới với tổng tài sản 76 tỉ đô la Mỹ nhưng điều đó không có nghĩa Bill Gates ngồi kê khai hết mọi tài sản ông ta có. Báo chỉ tính toán số cổ phiếu và các tài sản công khai của ông ta rồi cộng lại ra con số đó.

Tài sản của một doanh nhân ở một doanh nghiệp thì có thể công khai nhưng tài sản riêng của ông ta ở nhà, như có bao nhiêu xe, bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu đất thì làm sao bắt ông ta kê khai được.

Thu nhập của tổng giám đốc một công ty thì có thể biết rõ nhưng tổng thu nhập của ông ta là chuyện riêng của ông ấy với cơ quan thuế và cơ quan thuế khi tính toán thuế thu nhập cá nhân cũng phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin thu nhập này, theo luật định.

Đây là một bổ sung vào Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ có tác động tiêu cực lên cộng đồng doanh nhân, gây ra những lo ngại không đáng có. Chưa kể ở Việt Nam tính đố kỵ người giàu lại càng có cơ hội lan rộng và giàu tự nhiên bị xem như một trọng tội.

Những người soạn thảo có lẽ cũng không lường hết thực tế là nhiều tổng giám đốc đi làm thuê, thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập, không nắm cổ phần nào của doanh nghiệp họ lãnh đạo.

Bắt những người có phần vốn kê khai tài sản bên ngoài phần góp vốn của họ tại doanh nghiệp đã là chuyện không khả thi thì chuyện bắt những người làm thuê, những thành viên độc lập kê khai tài sản của họ sẽ là chuyện không bao giờ xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại