Sao chổi đã tạo ra sự sống ở một nơi khác của hệ Mặt Trời?

Anh Thư |

Nghiên cứu mới củng cố thêm hy vọng rằng trong vài năm tới tàu NASA sẽ thực sự chạm tới sinh vật ngoài hành tinh ở "mặt trăng sự sống" Europa.

Sao chổi từ lâu đã được nghi ngờ là một trong những loại "chuyến tàu sự sống " mang những phân tử hữu cơ đầu tiên "gieo mầm" cho Trái Đất. Giờ đây, một nghiên cứu từ Đại học Texas, Viện Công nghệ California và Trường ĐH Williams (Mỹ) chỉ ra những "chuyến tàu" tương tự có thể đã cập bến Europa, thậm chí là Enceladus hay Titan.

Europa là một trong 4 mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc, trong khi Enceladus và Titan là hai trong số các mặt trăng của Sao Thổ. Tất cả thiên thể này từng để lộ các yếu tố cho thấy chúng sở hữu một số điều kiện hỗ trợ sự sống tương tự Trái Đất ở đại dương ngầm dưới vỏ băng.

Sao chổi đã tạo ra sự sống ở một nơi khác của hệ Mặt Trời? - Ảnh 1.

Bên dưới bề mặt băng giá của mặt trăng Sao Mộc là một thế giới sự sống tiềm năng - Ảnh đồ họa từ NASA

Theo Science Alert, những thế giới này vốn xa Mặt Trời hơn Trái Đất rất nhiều và nằm ngoài "vùng sự sống" - là khu vực các thiên thể được "tắm" trong nhiệt độ vừa đủ để duy trì nước ở trạng thái lỏng.

Nhưng khối dữ liệu đồ sộ mà NASA đem về từ các mặt trăng của Sao Mộc và Sao Thổ này cho thấy kết cấu của chúng bao gồm một đại dương ngầm được giữ ấm bởi chính vỏ băng lớn bên ngoài và hệ thống thủy nhiệt y hệt dưới đáy đại dương Trái Đất - cụ thể nhất là giống hệ thống thủy nhiệt ở Nam Cực và Hawaii.

Nhiều sinh vật Trái Đất đã được tìm thấy ở các vùng nước tăm tối y hệt các đại dương ngầm ấy, tiến hóa theo cách riêng biệt để thích nghi.

Mảnh ghép còn thiếu để khẳng định Europa hay các thiên thể tương tự có sự sống, đó là chất oxy hóa. Chúng có, nhưng chỉ giới hạn trên bề mặt, được tạo ra bởi tác động của vật liệu bề mặt với bức xạ Mặt Trời.

Trong nghiên cứu mới, các tác giả chỉ ra các sao chổi không chỉ mang sự sống tới, mà còn góp phần đem các chất oxy hóa cần thiết xuống đại dương ngầm, vì các vụ va chạm sẽ tạm thời làm tan băng bề mặt. Rõ ràng vỏ băng của những thế giới này sở hữu các dấu tích va chạm.

Để xét xem các tác động này đủ để kích hoạt quy trình "gieo mầm sống" đó hay không, các tác giả đã thực hiện một mô phỏng toán học trên Europa và xác định đó là cách khả dĩ nhất hành tinh phản ứng với tác động của các cú va chạm. 40% lượng nước tan chảy khi va chạm sẽ hòa vào với đại dương.

Như vậy, Europa đã hội đủ các điều kiện để sinh ra sự sống giống như Trái Đất. Có lẽ việc cuối cùng chúng ta nên tính đến là chờ đợi tàu Europa Clipper đang được chế tạo của NASA, thứ sẽ đưa robot thăm dò chui xuống vỏ băng để tìm dấu hiệu của sự sống.

Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters.

theo Người Lao Động

Đọc báo VN, xem tin công nghệ mới nhất tại Soha. Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Trí Thức Trẻ
    Công ty Cổ phần VCCorp

    © Copyright 2010 - 2023 – Công ty Cổ phần VCCorp

    Tầng 17,19,20,21 Toà nhà Center Building - Hapulico Complex,
    Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
    Email: btv@soha.vn
    Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 2411/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 31 tháng 07 năm 2015.
    Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thế Tân
    Điện thoại: 024 7309 5555

    Liên hệ quảng cáo:
    Hotline: 0794.46.33.33 - 0961.98.43.88
    Email: giaitrixahoi@admicro.vn
    Hỗ trợ & CSKH:
    Tầng 20, tòa nhà Center Building, Hapulico Complex,
    số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
    Tel: (84 24) 7307 7979
    Fax: (84 24) 7307 7980
    Chính sách bảo mật

    Chat với tư vấn viên