Sao bạn thân luôn biết mình nghĩ gì nhỉ - không phải họ giỏi đâu mà đó là phản ứng đặc biệt của não

Vân Ngọc |

Nếu vô tình một ngày nào đó, bạn tự nhiên phát hiện thấy mình và bạn thân ngày càng có suy nghĩ giống nhau "như tạc" thì cũng đừng hoảng vì cái gì cũng có nguyên nhân của nó.

Từ trước đến giờ, nhiều người vẫn nói rằng bạn thân chơi càng lâu thì sẽ càng giống nhau, từ gout ăn mặc, sở thích, thói quen, suy nghĩ. Vậy tại sao lại có sự giống nhau đến thế?

Câu trả lời nằm ở hoạt động não của những người bạn thân trong quá trình gắn bó, chơi chung với nhau.

Sao bạn thân luôn biết mình nghĩ gì nhỉ - không phải họ giỏi đâu mà đó là phản ứng đặc biệt của não - Ảnh 1.

Đi tìm đáp án cho câu hỏi: Giữa những người bạn bè thì có điểm tương đồng gì? Liệu chúng ta có thể dự đoán được ai là bạn bè của nhau?

Một nhóm các nhà tâm lý học đã tiến hành nghiên cứu và phân tích tình bạn hoặc mối quan hệ xã hội của gần 280 sinh viên.

Nhóm nghiên cứu bao gồm: Trưởng nhóm Carolyn Parkinson - Tiến sĩ về khoa học tâm lý và não, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học California, Los Angeles; Thalia Wheatley - phó giáo sư về khoa học tâm lý và não tại Dartmouth, và Adam N. Kleinbaum - giáo sư giảng dạy tại Đại học Tel Aviv (Israel).

Những sinh viên này được chia thành các nhóm nhỏ và xem video với chủ đề: chính trị, khoa học, hài kịch và âm nhạc.

Trong khi họ xem video, các nhà nghiên cứu ghi lại hoạt động thần kinh của họ thông qua chụp hình cộng hưởng từ trường MRI. Dựa vào so sánh những vùng não sáng lên trong hình ảnh này, các nhà nghiên cứu xác định ai trong số họ là bạn bè của nhau.

Sao bạn thân luôn biết mình nghĩ gì nhỉ - không phải họ giỏi đâu mà đó là phản ứng đặc biệt của não - Ảnh 2.

Đối với phần lớn người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học tìm thấy mối liên hệ giữa hoạt động não của những người là bạn bè của nhau, đặc biệt là ở khu vực thần kinh như phản ứng tình cảm, hình thành lý lẽ và khả năng tập trung sự chú ý.

Ngoài ra, những người có mối quan hệ xã hội chặt chẽ khác cũng có kết quả tương tự.

Ngược lại, những người không phải là bạn bè có phản ứng và mô hình hoạt động não khác xa nhau với cùng một video.

Trưởng nhóm Carolyn Parkinson giải thích: "Phản ứng thần kinh đối với các kích thích tự nhiên như xem video có thể giúp chúng tôi thấy được các quá trình suy nghĩ tự nhiên, không bị giới hạn của con người.

Kết quả cho thấy rằng bạn bè có sự tương tác với thế giới xung quanh theo những cách tương tự nhau. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn có thể đoán chính xác ai là bạn bè của nhau thông qua cách bộ não của họ phản ứng khi xem video".

Sao bạn thân luôn biết mình nghĩ gì nhỉ - không phải họ giỏi đâu mà đó là phản ứng đặc biệt của não - Ảnh 3.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng: Đối với mạng xã hội, những người có cùng độ tuổi, có nét ngoại hình giống nhau hoặc cùng một sắc tộc sẽ dễ dàng thu hút nhau và thân thiết với nhau hơn.

Thực tế đây là một dấu hiệu mang tính tích cực. Tại sao ư? Vì việc dành nhiều thời gian ở cùng với người có suy nghĩ giống mình sẽ giúp củng cố giá trị, ý kiến và sở thích của riêng mình.

Ngược lại nếu dành thời gian cho một ai đó không cùng quan điểm, lối sống sẽ khiến bản thân bạn chịu nhiều sự áp lực và ức chế hơn.

Nguồn: From The Grapervine

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại