Đồng phạm xin xem xét lại con số thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng đại án Phạm Công Danh

Viết Dũng |

Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên thành viên HĐQT, Tổng giám đốc ngân hàng Xây dựng xin HĐXX xem xét lại thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng.

Sáng 10/1, TAND TP HCM tiếp tục ngày thứ 3 xét xử ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB và 45 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Cụ thể, Phạm Công Danh và các đồng phạm được xác định đã gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 6.000 tỉ đồng.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Lương Toản cho biết, sáng nay đã nhận được đơn của các luật sư Trần Minh Hải, Bùi Hồng Trang bào chữa cho Phạm Công Danh thông báo tình hình sức khỏe của thân chủ không được tốt.

Trại T17 sẽ có báo cáo tình hình sức khỏe Phạm Công Danh tới HĐXX, kiến nghị trong phần xét hỏi bị cáo Danh được ngồi trả lời câu hỏi.

HĐXX đã mời bị cáo Phan Thành Mai, nguyên thành viên HĐQT, Tổng giám đốc VNCB lên xét hỏi. Bị cáo Mai xin được xem xét một số vấn đề của vụ án, đặc biệt là con số thiệt hại tại VNCB.

Bị cáo Mai xin xem xét lại con số thiệt hại 6.126 tỷ đồng vì có nhiều tài sản và tiền đang nằm tại ngân hàng nhưng không được xem xét. Bị cáo xin xem xét khoản tiền 4.500 tỷ đồng nâng vốn điều lệ tại VNCB nhưng chưa được ghi nhận, chưa được cấn trừ nợ. 

Phạm Công Danh cũng chưa được tạo điều kiện khắc phục trước khi xem xét kết quả cuối cùng. Bị cáo Mai cho biết, do gặp khó khăn, ông Danh cũng đã bỏ tiền của gia đình lo cho một số chi nhánh ngân hàng Xây dựng.

Chủ tọa hỏi trong hơn 6.100 tỷ đồng thiệt hại của ngân hàng Xây dựng thì bao nhiêu tiền để tăng vốn? Bị cáo Mai nói trong 4.500 tỷ đồng nâng vốn thì 4.000 tỷ đồng vay từ BIDV, 200 tỷ đồng từ TPBank và 300 tỷ đồng khác từ dòng tiền Thiên Thanh chuyển sang.

Chủ tọa nói như vậy là có 4.200 tỷ đồng tăng vốn lấy từ các ngân hàng. Tuy nhiên, việc tăng vốn theo quy định phải tiền tự có, nhưng lại là tiền rút ra từ BIDV và TPBank, do đó không phù hợp và ngân hàng Nhà nước không chấp thuận.

Bị cáo Mai vẫn cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn là còn ở VNCB, chỉ là đã bị hòa chung dòng tiền. Chủ tọa nói theo kết quả giám định tại năm 2016, toàn bộ số tiền này không còn mặc dù VNCB không tăng vốn điều lệ. Nói tổng thể 4.500 tăng vốn điều lệ tính đến ngày khởi tố không còn, theo giám định của NHNN, nợ của VNCB đã âm quá vốn điều lệ ngân hàng.

Đồng phạm xin xem xét lại con số thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng đại án Phạm Công Danh - Ảnh 1.

Các bị cáo được đưa đến phiên toà sáng nay.

Phiên toà hôm qua, VKS đã công bố xong phần cáo trạng dày 130 trang. Chủ toạ phiên toà là thẩm phán Phạm Lương Toản cũng đã thông báo nhận được đơn của ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch HDQT BIDV.

Trong đơn, ông Hà cho biết sức khỏe yếu, bị bệnh ung thư nên không thể tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng và có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

"Tôi giữ nguyên lời khai với cơ quan điều tra trước đây", ông Hà viết trong đơn. Ngoài ông Hà, các nhân vật khác trong BIDV cũng có đơn xin vắng mặt do bị bệnh, trong đó có 2 phó Tổng giám đốc.

Cũng theo HĐXX, tòa cũng nhận được đơn của luật sư bà Hứa Thị Phấn - nguyên cố vấn cấp cao HĐQT ngân hàng Đại Tín xin không đến phiên tòa. Theo đơn, hội đồng giám định y khoa giám định bà Phấn chỉ còn 7% sức khỏe nên không thể tham dự. Lãnh đạo TPbank cũng xin vắng mặt vì bị bệnh.

Theo cáo trạng, ngày 6/9/2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank, ông Phạm Công Danh (Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh) đã nắm quyền kiểm soát, chi phối ngân hàng (sau đổi tên là Ngân hàng Xây Dựng).

Tại thời điểm trên, ngân hàng này đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch từ 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo HĐQT, Ban Điều hành và Ban Kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền sử dụng bằng cách gửi tiền sang 3 ngân hàng: Sacombank, TPBank, BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty của ông thành lập hoặc mượn pháp nhân đứng tên trên hồ sơ vay vốn 3 ngân hàng này, gây thiệt hại cho VNCB 6.123 tỉ đồng.

Cụ thể, ông Phạm Công Danh đã lập hồ sơ vay vốn khống (1.800 tỉ đồng) rồi rút tiền sử dụng cho các khoản vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh, sử dụng cho cá nhân… bằng cách gửi tiền sang Sacombank (1.854 tỉ đồng) để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do 6 công ty của ông thành lập, đứng tên trên hồ sơ vay vốn ngân hàng này, gây thiệt hại cho VNCB 1.836 tỉ đồng.

Ông Danh còn lập hồ sơ vay vốn khống (1.666 tỉ đồng) để rút tiền trả cho bà Hứa Thị Phấn trong thương vụ mua lại TrustBank, trả các khoản vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh, chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân...

Ngoài ra, ông Danh còn lập hồ sơ vay vốn khống số tiền 4.700 tỉ đồng nhằm chứng minh năng lực tài chính thực hiện đề án tăng vốn VNCB từ 3.000 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng, bằng cách gửi 3.070 tỉ đồng sang BIDV để bảo lãnh, trả nợ các khoản vay do 12 công ty của Danh thành lập, vay vốn của BIDV, gây thiệt hại cho VNCB 2.251 tỉ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại