Công nghệ đang phát triển với tốc độ như vũ bão, đi kèm với hàng loạt những sản phẩm điện tử mới ra mắt, kéo theo nhu cầu sử dụng của hàng tỷ người trên thế giới gia tăng. Lượng máy móc, chip bán dẫn, thiết bị điện tử trong những năm qua đã tăng vọt. Nhưng cũng chính vì điều này, một hệ lụy khác mang tính tiêu cực đã tới.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, theo số liệu của WEE Forum, có tới 57 triệu tấn rác thải điện tử chưa được xử lý được thải vào môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái trên Trái Đất. Nếu không có sự can thiệp và hạn chế rác điện tử từ các quốc gia, tổng lượng rác thải sẽ tăng lên hơn gấp đôi vào năm 2050, khoảng 120 triệu tấn/năm.
Rõ ràng, con người đang mải mê sản xuất thật nhiều các thiết bị điện tử mà chưa chú ý đến tác động về mặt môi trường mà quá trình sản xuất chúng gây ra.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ môi trường Silicon Valley Toxics Coalition (trụ sở tại San Jose, California, Mỹ) và các nhà khoa học, kim loại nặng và hóa chất trong rác điện tử thường gặp là bari, đồng, niken, berili (trong các bo mạch chủ), cadmium (trong điện trở và chất bán dẫn); crom (trong đĩa mềm); chì (trong pin, màn hình máy tính) hay thủy ngân (trong đèn huỳnh quang, pin, nhiệt kế, một số sản phẩm y tế)… Các chất độc hại này có thể ngấm vào đất, nguồn nước, phát tán vào không khí gây ra ô nhiễm.
Khi mới được sản xuất và trong quá trình sử dụng, các chất trong thiết bị điện tử thường không gây hại cho con người. Việc tích trữ rác điện tử ở các cơ sở thu mua phế liệu không đảm bảo điều kiện bảo quản, dưới tác động của mưa, nắng, bị va đập… các chất có hại bị phơi ra ngoài không khí, bị phóng thích ra môi trường sống bằng nhiều cách như hòa vào nước mưa, các hạt kim loại nhỏ di chuyển dần trong đất, thấm vào nguồn nước ngầm.
Nếu quy trình xử lý rác điện tử không đúng quy cách thì các thành phần kim loại có thể phân tách thành những phân tử nhỏ hơn, mang hóa chất độc hại hòa vào không khí, nước mưa và nhiễm độc cả khu vực. Bên cạnh đó, đốt cháy rác thải điện tử một cách bừa bãi, làm khí đốt độc hại lẫn vào không khí gây ô nhiễm không khí, trong đó có cả chất thải dioxin rất dễ gây ra quái thai, dị tật đối với thai nhi. Nước và không khí cũng dần dần vận chuyển các hóa chất, kim loại nặng từ rác điện tử từ khu vực quanh bãi rác ra môi trường rộng lớn hơn.
Các chuyên gia đã đúc kết ra 5 yếu tố quan trọng cần phải được chú ý thực hiện trong việc chuyển dịch quy trình sản xuất từ truyền thống sang những phương thức "xanh" hơn, đó là:
- Tìm cách giảm phát thải khí CO2: lượng khí carbon sinh ra trong quá trình sản xuất công nghiệp là vấn đề nan giải với bất kỳ doanh nghiệp nào. Khí CO2 quá nhiều trong không khí có thể gây hiệu ứng nhà kính, những cơn mưa axit và tác động đến sức khỏe con người.
- Đề cao yếu tố tiết kiệm điện trên sản phẩm: sản xuất năng lượng .điện sử dụng năng lượng hóa thạch cũng góp phần gây nên ô nhiễm môi trường, do đó tiết kiệm điện đồng nghĩa với việc giảm thiểu tác hại vào môi trường.
- Quy trình sản xuất phải tiết kiệm nước sạch và có các biện pháp xử lý ô nhiễm.Tập trung vào các công nghệ nhằm giảm tải lượng CO2 đồng thời lọc không khí khỏi các hạt vi bẩn - vấn đề đang trở thành thách thức toàn cầu về môi trường.
- Phải thể hiện trách nhiệm và cho thấy sự tiến bộ: Sử dụng các chuyên gia từ bên thứ 3 để kiểm nghiệm, đánh giá quy trình sản xuất nhằm mang lại tính khách quan cao nhất.
Samsung là 1 trong 10 công ty đứng top đầu thế giới về trách nhiệm bảo vệ môi trường do BCG bầu chọn. Tháng 9 vừa qua, công ty cũng vừa công bố kế hoạch phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững. Ứng vào 5 yếu tố nói trên, Samsung đã:
- Đặt mục tiêu phát thải khí CO2 về 0% (Net Zero) vào năm 2050 thông qua hàng loạt biện pháp mạnh mẽ, bao gồm cả việc thay thế hoàn toàn các phương tiện nội bộ bằng năng lượng điện, hydrogen…
- Ưu tiên tính năng tiết kiệm điện trên tất cả các sản phẩm của mình: điển hình là dòng máy giặt sử dụng động cơ nén Digital Inverter, với khả năng tiết kiệm điện từ 30% -> 50% mỗi lần giặt.
- Dừng hoàn toàn việc tăng lượng nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất chất bán dẫn, đồng thời tái tạo nguồn nước sử dụng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn.
- Tích hợp các công nghệ kháng khuẩn, khử mùi lên các thiết bị gia dụng như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, nâng cấp dòng máy lọc không khí để loại bỏ các vi hạt trong môi trường.
- Samsung thông qua Tổ chức chứng nhận an toàn toàn cầu Underwriters Laboratories (UL) cho tất cả các hoạt động trên toàn cầu, đặt mục tiêu đạt chứng chỉ Không chất thải cao nhất, cấp Platinum vào năm 2027.
Việt Nam được Samsung lựa chọn làm trung tâm sản xuất các thiết bị công nghệ cao, điện tử gia dụng hàng đầu thế giới. Bằng cách ứng dụng hoàn hảo 5 yếu tố quan trọng giúp "phát triển bền vững" trong quy trình sản xuất các thiết bị điện tử, Samsung đảm bảo cho yếu tố bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Theo số liệu quan trắc từ các trạm hải văn ven biển và các đảo của Việt Nam, biến đổi khí hậu đã liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển, tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng của siêu bão, lũ và áp thấp nhiệt đới... Trong đó, đáng chú ý rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Đây được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự thay đổi môi trường, hệ sinh thái trái đất và là nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050.
Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy vậy, điều này đang ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Do đó, phát triển kinh tế xanh hay xanh hóa các ngành kinh tế là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, Việt Nam xác định không tăng trưởng kinh tế nhanh bằng mọi giá mà tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Chính vì lẽ đó, tư duy "phát triển bền vững" và đảm bảo 5 yếu tố trong sản xuất các thiết bị công nghệ điện tử giúp Samsung giành được niềm tin từ người dùng.
Vừa đột phá với những phát minh mới thông qua Trung tâm Nghiên cứu và phát triển, vừa tích cực tăng trưởng sản xuất nhưng đảm bảo yếu tố môi trường, đây cũng là lý do vì sao Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Samsung, đồng thời mong muốn tập đoàn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ phụ trợ, công nghệ thông minh, đưa Việt Nam thành cứ điểm sản xuất, đi đầu và đón bắt công nghệ mới.