Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam đã tăng kỷ lục trong tháng 3 với 998 tấn, thu về 5,4 triệu USD, tăng 79% về sản lượng. Trong đó xuất khẩu sang thị trường chính là Ấn Độ chứng kiến mức tăng 178% về sản lượng so với tháng trước, đạt 645 tấn, chiếm tỷ trọng gần 65%.
Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong tháng 3 với 203 tấn, tăng 99%.
Lũy kế trong quý 1/2024, xuất khẩu hoa hồi đạt 13,3 triệu USD với 2.435 tấn, giảm 27% về sản lượng và kim ngạch giảm 38%. Xét theo thị trường, Việt Nam xuất khẩu hoa hồi sang Ấn Độ nhiều nhất trong quý 1 với 1.376 tấn, giảm 39%, chiếm tỷ trọng 56,5%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với 212 tấn, chiếm 8,7% tỷ trọng và giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó trong năm 2023, nước ta thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16.136 tấn, tăng mạnh 26% về lượng. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 499 tấn, chiếm 57% tỷ trọng.
Hồi là một cây nhỡ cao 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng, cành dễ gẫy. Lá mọc gần thành chùm 3-4 lá ở đầu cành, có cuống, phiến lá nguyên, dài 8-12cm, rộng 3-4cm, dòn, vò nát có mùi thơm. Cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4 năm trồng.
Cây hồi thường cho hoa từ tháng 3 đến tháng 5, đến tháng 7, tháng 9 hoa hồi bắt đầu chín và người dân có thể thu hoạch. Thông thường một cây đại hồi có tuổi đời từ 5 năm trở lên mới được lấy quả, mỗi năm cũng chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý hơn.
Năng suất từ năm thứ 5-6 là 0,5 -1 kg/cây. Từ năm thứ 20 trở đi cây sẽ cho năng suất ổn định lên tới 40 – 50kg/cây. Nếu cây hồi được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì sẽ cho năng suất cao và ổn định, kéo dài thời gian thu hoạch lên tới 80 năm.
Đáng chú ý theo dữ liệu của Tridge, Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ hiện là những nhà cung cấp hoa hồi đứng đầu toàn thế giới. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất có thể sản xuất hồi với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi. Nước ta có diện tích trồng hồi khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.
Khi trồng cây hồi chỉ phải bỏ công chăm sóc, bảo vệ lúc cây còn nhỏ; khi cây đã phát triển cao hơn 1m thì không tốn nhiều công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh như một số loại cây trồng khác mà hiệu quả kinh tế tương đối ổn định và cho thu hoạch lâu dài.
Hoa hồi thường được ưa chuộng sử dụng làm gia vị nhiều ở dạng bột hoặc nguyên đóa. Vì đặc tính cay, thơm nên hoa hồi là gia vị được sử dụng nhiều trong các món như phở, cà ry, hầm, tiềm…. giúp tạo vị và dậy mùi, cho món ăn có hương vị nồng nàn và đặc sắc. Ngoài ra hoa hồi còn tạo cảm giác thèm ăn, kích thích vị giác cũng như giúp chữa đau bụng, ho, xương khớp, cảm cúm hay kháng viêm,… Tinh dầu hoa hồi cũng được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp.