Sân vận động trong trung tâm là thiếu tầm nhìn?

Trần Hoàng |

SVĐ Hàng Đẫy vốn nằm trong khu vực giao thông đông đúc, trong tương lai không xa khu Giảng Võ cũng mọc lên nhiều nhà cao tầng… khiến khu vực này thành một nút giao thông “nóng”. Nếu quy hoạch tiếp tục giữ SVĐ Hàng Đẫy trong trung tâm Thủ đô trong 20 - 30 năm tới là thiếu tầm nhìn.

Là một người gắn bó với nhiều công trình của Hà Nội, KTS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, SVĐ Hàng Đẫy được xây dựng từ năm 1937, ban đầu chỉ là bãi đất trống với diện tích khiêm tốn.

Đến năm 1958 mới được xây dựng thành SVĐ, năm 1995 sân được cải tạo lại lần nữa và có diện mạo như ngày nay.

Theo KTS Tuấn, SVĐ Hàng Đẫy và SVĐ Cột Cờ cùng 2 CLB bóng đá Công an Hà Nội và Thể Công đã gắn liền với người yêu bóng đá Hà Nội trong suốt một thời gian dài.

Dự án nâng cấp SVĐ Hàng Đẫy hay dự án làm bãi đỗ xe phục vụ sân bóng tại trụ sở của Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đã có từ lâu nhưng Hà Nội chưa bố trí được kinh phí thực hiện.

Việc cải tạo sửa chữa SVĐ Hàng Đẫy theo ông Tuấn là đúng đắn, bởi nhiều hạng mục trong sân đã xuống cấp, phần thiết kế ghế ngồi lấn ra không gian đường đi lại cũng không phù hợp, tuy nhiên Hà Nội nên lựa chọn làm những công trình đúng với chức năng công cộng.

Nếu “nhồi nhét” thêm nhà cao tầng, văn phòng, trung tâm thương mại… vào tổ hợp SVĐ rất dễ khiến khu vực này trở nên quá tải.

 Chưa kể xung quanh dự án có nhiều công trình biểu tượng như Văn Miếu, Lăng Bác nên phải tôn trọng chiều cao công trình, đặc biệt là vấn đề giao thông kết nối.

Theo ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội, SVĐ Hàng Đẫy đang có nhiều hạng mục xuống cấp, sau khi xây lại sân đấu này sẽ trở thành một trong những SVĐ hiện đại hàng đầu khu vực.

Nhưng ông Hội lưu ý rằng; SVĐ hiện đang có 20.000 chỗ ngồi, sau khi cải tạo số lượng ghế ngồi vẫn là 20.000 chỗ, không đổi.

Một số chuyên gia cho rằng, dự án mới sẽ bỏ đường piste trong sân, thu gọn khán đài (không đưa ra ngoài các tuyến phố như hiện nay) thì cơ bản SVĐ không mở rộng gì thêm.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm, SVĐ Hàng Đẫy vốn nằm trong khu vực giao thông đông đúc, trong tương lai không xa khu Giảng Võ cũng mọc lên nhiều nhà cao tầng… khiến khu vực này thành một nút giao thông “nóng”.

Nếu quy hoạch tiếp tục giữ SVĐ Hàng Đẫy trong trung tâm Thủ đô trong 20 - 30 năm tới là thiếu tầm nhìn. SVĐ Hàng Đẫy chỉ phù hợp khi Hà Nội có vài chục vạn dân, còn hiện nay, Hà Nội đã lên đến gần 10 triệu người thì tốt nhất là di dời SVĐ đi nơi khác.

Đất tại Hàng Đẫy không nên xây cao ốc nữa mà nên làm những công trình văn hóa, phúc lợi kết hợp công viên - không gian Hà Nội đang rất thiếu.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, thành phố đang có chủ trương xã hội hóa, nhưng không phải xã hội hóa bằng mọi giá.

Với đề án cải tạo SVĐ Hàng Đẫy hiện nay, nếu đã quyết định làm thì cần có triển lãm, các phương án lấy ý kiến của người dân, chuyên gia, đặc biệt là người dân quanh khu vực đó.

Ngoài ra, không nên kéo quá nhiều công trình vào SVĐ, dành không gian trống để làm cây xanh, không gian hở có tính kết nối, giảm tải lưu lượng phương tiện. Phương án giao thông cần rất cụ thể, nếu không chắc chắn sẽ xảy ra tắc nghẽn trong những ngày diễn ra sự kiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại