Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát diễn ra hôm thứ 5 vừa qua, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong chiến lược dài hạn, công ty sẽ tăng cường sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao.
Hòa Phát đang nghiên cứu làm tôn silic, làm cho các mô tơ điện. Đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được. Hiện Việt Nam mới có 1 doanh nghiệp sản xuất tôn silic nhưng chỉ nhập về và gia công khâu cuối cùng, còn Hòa Phát xác định sẽ làm từ gốc.
Tôn silic là gì?
Tôn silic còn có tên gọi khác là thép silic, thép kỹ thuật điện, thép điện từ. Thành phần của tôn silic là hàm lượng cacbon giới hạn 0,01÷0,1% và các tạp chất đủ nhỏ để đảm bảo tổ chức ferit. Nguyên tố hợp kim chủ yếu là Silic (Si - là nguyên tố mở rộng vùng α), khi hoà tan vào ferit nó nâng cao điện trở của pha này và làm giảm tổn thất dòng fucô, ngoài ra Si còn tác dụng tăng dộ từ thẩm và giảm lực khử từ, giá trị cảm ứng bão hoà lớn.
Hàm lượng silic không nên vượt quá 4%, vì lớn hơn có thể làm thép quá giòn. Tuy nhiên, để làm lõi máy biến áp hoặc stato máy điện, có thể lấy hàm lượng silic ở giới hạn trên (3,8% đến 4,4%)
Tôn silic thuộc loại hợp kim từ mềm, gồm có 2 loại là định hướng và không định hướng. Đây là thép chuyên dụng, có thể hoạt động liên tục ở nhiệt độ cao, chịu dầu biến thế, từ tính cao, tính trễ thấp, tính thấm từ rất cao nên được sử dụng rộng rãi trong ngành chế tạo máy điện, như các động cơ điện, máy biến áp...
Với hàm lượng silic cao, tôn silic mang lại hiệu suất từ tính tốt, giúp tăng cường hiệu quả và ổn định cho các thiết bị điện. Tôn silic có hàm lượng silic cao khoảng 3,2% khối lượng cùng chất từ tính cao giúp giảm tổn thất từ điện trong quá trình truyền tải và chuyển đổi giúp tăng hiệu suất và giảm tiêu hao năng lượng của các thiết bị sử dụng tôn silic.
Với tính chất từ tính đặc biệt, nó được sử dụng trong các máy biến áp điện, động cơ và máy phát điện để tăng hiệu suất và ổn định của các thiết bị này. Ngoài ra, tôn silic cũng được sử dụng trong sản xuất các thiết bị điện tử như trở, cuộn cảm và biến áp.
Vật liệu này thường được sản xuất bằng phương pháp cán nguội thành dạng tấm có chiều dày nhỏ hơn 2mm. Việc cán nguội giúp tôn silic có độ bền cao, đảm bảo độ cứng và độ bền kết cấu của các thiết bị sử dụng tôn silic, giúp gia tăng tuổi thọ và hiệu suất hoạt động của các thiết bị trong thời gian dài.
Cùng với đó, tôn silic có khả năng gia công tốt, dễ dàng cắt, uốn và hàn giúp dễ dàng tạo ra các hình dạng và kích thước khác nhau tùy theo yêu cầu của các thiết bị.
Triển vọng của ngành thép Việt Nam
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép của thế giới dự kiến tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, trong đó nhu cầu thép của ASEAN kỳ vọng tăng 5,2%. Triển vọng sản xuất thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 - 30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 - 23 triệu tấn.
Trong khi đó, SSI Research kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam sẽ phục hồi hơn 6% so với cùng kỳ trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%.
Về giá thép, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong năm 2024, giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8% so với năm 2023) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.
MBS cho rằng, nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.
Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép đạt 1,5 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt 711 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.
ASEAN là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% thị phần xuất khẩu. Kế tiếp đó là EU và Mỹ lần lượt đứng thứ 2 và 3, chiếm 28% và 9%.
Trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắt thép tăng trưởng mạnh ở các thị trường Italy, Hoa Kỳ và Malaysia. Cụ thể, tính đến hết tháng 1/2024, xuất khẩu sang Italy đạt 203 nghìn tấn, tăng 114%% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 139 nghìn tấn, tăng 419%; Malaysia đạt 120 nghìn tấn, tăng 625%.