Sự việc gỗ lim lát sàn cầu đi bộ siêu sang ở Huế rạn nứt gây xôn xao dư luận khiến nhiều người thắc mắc về quy trình kiểm duyệt gỗ.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, PV VTC News có buổi làm việc với ông Văn Viết Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế (nhà thầu thi công dự án). Ông Thành tiết lộ quy trình kiểm duyệt chất lượng gỗ lim ốp sàn cầu đi bộ trên sông Hương (TP Huế).
Theo ông Văn Viết Thành, khi gỗ nguyên liệu (gỗ nguyên khối) được nhập khẩu về, đại diện chủ đầu tư sẽ trực tiếp đến nghiệm thu tại xưởng để kiểm tra gỗ xem có đúng nguồn gốc xuất xứ, quy cách cũng như tiêu chuẩn trong hồ sơ thiết kế hay không.
Sau khi kiểm tra gỗ nguyên liệu xong, nếu đạt yêu cầu, gỗ sẽ được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng (đơn vị cung ứng gỗ cho nhà thầu thi xông) xẻ thành các thanh theo 12 chủng loại, kích thước với tiêu chuẩn của đề án (các thanh gỗ có cùng độ dày, chiều rộng nhưng khác nhau về chiều dài và được ký hiệu từ SA1 - SA12).
Sau khi được xẻ thanh đúng tiêu chuẩn, chủ đầu tư đến xưởng kiểm tra, nghiệm thu và loại bỏ những thanh gỗ không đạt chất lượng như nứt, cong, vênh... trước khi chuyển sang nhà thầu thi công tẩm ướp hoá chất, sấy và đo độ ẩm theo tiêu chuẩn thiết kế.
Ông Văn Viết Thành cũng cho biết, sau khi gỗ xẻ thanh được chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu, số gỗ này được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng xuất cho Công ty Cổ phần xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế với giá là 36 triệu đồng/khối. Sau đó, các thanh gỗ được mang đi sấy, tẩm hoá chất, đo độ ẩm...
Kinh phí phục vụ công đoạn này do công ty ông Thành tự chi trả.
Sau khi gỗ lim được sấy và đo độ ẩm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, một lần nữa, chủ đầu tư sẽ đến nghiệm thu và loại bỏ những thanh gỗ không đạt yêu cầu. Lượng gỗ hao hụt chiếm khoảng 3% thường là do bị cong vênh trong quá trình sấy.
Sau đó, những thanh gỗ đạt tiêu chuẩn được mang ra công trường lắp ráp vào mặt sàn cầu đi bộ. Trong quá trình lắp ráp, tư vấn giám sát tiếp tục theo dõi, thanh gỗ nào xuất hiện những vết nứt dọc sẽ được thay thế.
Đối với những thanh gỗ bị rạn nứt chân chim trên bề mặt, ông Thành cho rằng đó là điều đương nhiên vì theo tư vấn thiết kế đánh giá, tính toán, hiện tượng này không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của gỗ mà nó chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ.
Ngoài ra, theo ông Thành, khi cầu đi bộ trên sông Hương được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, nhà thầu thi công phải bảo hành công trình 30 tháng trong khi, thời gian bảo hành công trình thường chỉ vào khoảng 12 tháng, theo luật xây dựng.
Tuy nhiên, do đây là công trình đặc biệt với yêu cầu khắt khe của nhà tài trợ nên thời gian bảo hành lên gấp 2,5 lần bình thường. Trong thời gian bảo hành, mọi hỏng hóc liên quan đến công trình, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục.