Mệt mỏi, căng thẳng, áp lực vốn là "đặc sản" trong môi trường công sở. Phàm là dân văn phòng, chắc hẳn ai cũng đôi ba lần có cơ hội nếm trải những cảm giác này.
Vốn không dừng lại ở những bức bách nhất thời; căng thẳng, áp lực tích tụ trong thời gian dài dễ khiến chị em đâm ra khó chịu, bẳn tính và dễ nổi giận.
Những hành động, quyết định được đưa ra trong lúc giận dữ thường thiếu độ chính xác và để lại những hậu quả khó lường.
Câu chuyện về vị samurai suýt giết hai mạng người lúc giận dữ trong câu chuyện bên dưới đây sẽ khiến chị em công sở có được một vài bài học cho riêng mình. Cụ thể, câu chuyện được kể:
Năm qua tháng lại, mùa vụ lại tới, nhà vua cử người xuống các địa phương đi thu sưu, thuế. Một làng chài nọ có ông lão đánh cá đứng khúm núm trước vị kiếm sĩ Samurai, người nhận nhiệm vụ thu tiền hộ.
Ông lão nói: "Thật xin lỗi, năm nay mùa vụ lại thất bát, mưa bão liên miên, tôi không giữ được đồng nào để trả cho ngài".
Lão đánh cá đã khất nợ mấy năm liền, cứ như thế này, khó mà hoàn thành nhiệm vụ thu thuế trong dân, vị Samurai nổi nóng, tuốt kiếm định giết người đánh cá để làm gương cho dân chúng trong làng.
Ông lão trông lo âu nhưng lấy một chút bình tĩnh, chậm rãi nói: "Lão thời trai tráng cũng từng được học võ, sư phụ có dạy đừng hành động gì khi đang giận dữ".
Nghe thấy cũng có lý, người Samurai nhìn ông lão một hồi như dò xét, từ từ thu kiếm vào vỏ, rồi nói: "Sư phụ của ngươi chắc hẳn là người tốt. Thầy của ta cũng nói mấy lời này, ta đây làm mãi vẫn chưa được.
Hôm nay xem như ngươi còn chút may mắn, ta kỳ hạn một năm trả nợ mới lẫn cũ, thiếu một xu thôi ngươi cũng khó mà yên thân".
Vị Samurai sau đó rời đi, thu tiền các gia đình còn lại, lúc về nhà thì trời đã vào khuya. Không muốn đánh thức người vợ đang yên giấc, ông nhẹ lẻn vào nhà nơi cửa sau.
Qua ánh đèn hắt ra, ông giật mình thoáng thấy một người lạ mặc giáp trụ Samurai đang nằm kế bên vợ.
Cơn ghen tức bùng phát, lòng tự tôn xúc phạm dữ dội, trong cơn nóng giận ông tuốt kiếm định xông vào giết cả hai rồi cũng sẽ tự kết liễu mình, đột nhiên lời lão đánh cá ban chiều vọng bên tai: "Ðừng hành động gì khi đang giận dữ".
Câu nói giúp ông có thêm hòa hoãn, bèn vung kiếm trút giận vào không khí. Có tiếng động lạ, hai người đang ngủ choàng dậy ra xem, hóa ra trên giường là vợ và mẹ vợ.
Lại một phen thất kinh, người Samurai gào lên: "Trời ơi, chuyện gì nữa đây. Suýt nữa ta đã giết cả hai người rồi!"
Người vợ bối rối giải thích: "Chàng xa nhà, đêm khuya một mình thiếp sợ kẻ gian, nên đã nhờ mẹ đến ở cùng, lại giả đàn ông mặc giáp trụ, nằm ngủ chung cho thêm phần yên tâm".
Bẵng đi một thời gian, mùa hoa đào lại nở, vị kiếm sĩ Samurai lại có dịp ghé qua ngôi làng chài để thu thuế của dân.
Chưa kịp tiến vào đến sân, ông lão đánh cá ngày nào đã chạy ra chào đón và hớn hở mời: "Ngài vào đây dùng bữa với chúng tôi, nhờ ơn đức của ngài mà năm nay tôi đánh bắt được khá, để dành được một số tiền và thậm chí còn sắm sửa thêm chút ít cho nhà cửa, tôi đã chuẩn bị sẵn tiền cho ngài cả gốc lẫn lãi, không thiếu một xu".
Vị Samurai lại nhìn ông lão như dò xét một lúc rồi nói: "Thôi ngươi hãy giữ tiền đó lại đi, món nợ mấy năm nay coi như đã được trả".
Ông bà ta xưa vẫn thường hay nói "Giận quá mất khôn". Qua đó mới thấy, sự giận dữ làm con người ta đánh mất đi sự bình tĩnh, lý trí của bản thân.
Cho nên, những quyết định được đưa ra ở thời điểm này đa phần không khôn ngoan và thường dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Vì lẽ đó, giận dữ là bản năng nhưng kiểm soát được cơn giận dữ đang chực trào bên trong tâm khảm là bản lĩnh.
Và nếu không thể kiểm soát được cơn giận, cũng đừng vội đưa ra bất kỳ một quyết định gì ở thời điểm này, kẻo hối hận không kịp chị em nhé!