Nhiều đối tác chùn bước trước Vành đai, Con đường
Hiện nay, các dự án trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc đã thu hút hơn 130 nước tham gia, và mức đầu tư dành cho các quốc gia này cũng khác nhau - dao động từ hàng trăm đến hàng nghìn tỉ USD. Phần lớn trong số đó là dưới hình thức các dự án hạ tầng quy mô lớn và khoản vay dành cho các chính phủ những nước mà sau đó phải vật lộn với khó khăn để hoàn vốn.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối BRI ở cả trong và ngoài nước.
Trên bình diện quốc tế, sự phản kháng này phần nào đó có yếu tố địa chính trị, khi các nước ngày một quan ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Làm sao các khoản đầu tư quyền lực mềm của Trung Quốc lại thất bại tại chính những nước mà lẽ ra sẽ giúp quảng bá quyền lực mềm đó cho Bắc Kinh? Các nước giờ đã tỉnh táo hơn đối với các điều khoản tài chính liên quan đến BRI, đó là một lý do. Trong giai đoạn đầu triển khai chiến lược, nhiều nước xem vốn của Trung Quốc là nguồn tiền miễn phí hoặc ít nhất là chi phí thấp.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận không ràng buộc đối với chính phủ sở tại. Khác với những nước phương Tây, Trung Quốc không yêu cầu đối tác phải đáp ứng các điều kiện ngặt nghèo liên quan đến tham nhũng hay ổn định tài chính.
Cách tiếp cận như vậy khiến tham nhũng có cơ hội gia tăng, đồng thời khiến các chính phủ dồn gánh nặng lên chính đất nước mình với những khoản nợ khó có khả năng chi trả.
Năm 2017, Sri Lanka đã buộc phải giao cho Trung Quốc quyền quản lý trong 99 năm đối với cảng Hambantota để tránh bị vỡ nợ từ khoản vay BRI. Kể từ đó, nhiều nước lo sợ việc lặp lại tình cảnh không đủ sức trả nợ cho Trung Quốc và buộc phải đánh đổi.
Nhận định về BRI, nhiều người Trung Quốc phàn nàn đây là chiến lược chi tiêu hoang phí (Ảnh: China Daily)
Ở khu vực Đông Nam Á, cuộc bầu cử ở Malaysia vào tháng 5/2018 đã phản ánh rõ sự e ngại dưới nhiều hình thức đối với quyền lực Trung Quốc được tạo dựng ở những nước đón nhận BRI.
Kể từ sau khi nhậm chức, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đình chỉ hai dự án lớn nhất của Trung Quốc đầu tư vào Malaysia: một dự án xây dựng đường sắt trị giá 20 tỷ USD và một dự án tuyến đường ống khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD. Lý do đưa ra là Malaysia không có đủ khả năng chi trả.
Những nước này cũng tức giận với việc các hợp đồng có quan điểm áp đặt một chiều của Trung Quốc, thường ép buộc nước sở tại phải chọn nhà thầu, đối tác là công ty Trung Quốc, cùng với đó điều khoản bảo đảm có xu hướng đẩy nguy cơ vào tay các nước bản địa, tránh rủi ro cho các công ty Trung Quốc.
Việc Trung Quốc từ chối các yêu cầu phòng vệ hợp lý đối với các dự án BRI bị cho là mang đến nguy cơ nuôi dưỡng tham nhũng, nợ nần và chạy theo lợi ích kinh tế thiếu bền vững. Khi bằng chứng về tham nhũng trong các dự án đầu tư lớn ngày một rõ ràng, công dân các nước có dự án BRI đã nhận ra thực tế Trung Quốc vừa là nước hưởng lợi, vừa là nước thúc đẩy nạn tham nhũng.
Thiếu chiến lược dài hơi, Vành đai, Con đường lộ nhiều hạn chế
Trong nội bộ Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc phàn nàn đây là chiến lược chi tiêu hoang phí. Ngày càng có nhiều chỉ trích về những khoản đầu tư lớn hào nhoáng ở các nước tiếp nhận BRI. Trước việc Bắc Kinh đổ hàng tỷ USD ra nước ngoài, nhiều người Trung Quốc đang tự hỏi tại sao không dùng khoản tiền đó để xử lý những vấn đề trong nước như y tế, nhà cửa, giáo dục.
Số liệu thống kê cho thấy nguồn tiền các ngân hàng Trung Quốc đang đầu tư ở nước ngoài chủ yếu là tiền USD vay mượn từ quốc tế, chứ không phải là tiền lấy từ kho dự trữ ngoại hối chính thức.
Giáo sư Xu Xangrun thuộc Đại học Thanh Hoa cũng đã nêu những quan ngại về cách Bắc Kinh đang thúc đẩy tham vọng viện trợ nước ngoài mà hệ quả kèm theo là chi tiêu nội địa bị ảnh hưởng. Hè năm 2018, ông Xu viết một bài luận đặt ra nghi vấn đối với việc Bắc Kinh "vung tiền" cho BRI trong khi nền kinh tế nước này còn vướng phải nhiều vấn đề nội tại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp báo kết thúc hội nghị cấp cao về sáng kiến Vành đai, Con đường tại Bắc Kinh, ngày 15/5/2017 (Ảnh: Reuters)
Giáo sư Zheng Yongnian, giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học quốc gia Singapore, cảnh báo việc chính phủ trung ương Trung Quốc dành quá nhiều tham vọng đối với khuôn khổ của BRI là một "sai sót chí mạng". Với việc Bắc Kinh kết nối BRI với quá nhiều khu vực và dự án, các nước phương Tây sẽ ngày càng gia tăng ngờ vực về ý đồ thực sự của Trung Quốc. Theo ông, trừ khi BRI trở nên ít chuyển tải ý thức hệ Trung Quốc trong khuôn khổ của nó, sáng kiến này khó tránh khỏi khiến Bắc Kinh bị cáo buộc là theo đuổi bá quyền toàn cầu.
Giáo sư Cheng Chengping và nhà nghiên cứu Wu Fang, từ Đại học Vũ Hán (Trung Quốc), nhận thấy rủi ro lớn trong vận hành BRI tại nhiều khu vực riêng rẽ, mà mỗi vùng lại tiềm ẩn những rủi ro khác nhau về địa chính trị và tài chính.
Cheng và Wu phân tích, BRI cần phải tiếp cận sâu hơn với nhu cầu và điều kiện của bản địa nhằm tạo ra được chiến lược bền vững. Để tránh những rủi ro rõ ràng, Trung Quốc phải hợp tác với tất cả các nước gia nhập BRI và phát triển đồng thời nhiều cơ chế phối hợp khác nhau, đặc biệt trong vấn đề năng lực tài chính và công nghiệp.
Nhiều chuyên gia về Trung Quốc cũng chỉ trích việc thiếu vắng các tiêu chuẩn bản địa của BRI, từ ổn định tài chính tới tác động môi trường.
Li Ziguo, phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), thuộc Viện nghiên cứu quốc tế (CIIS), Trung Quốc, đánh giá thách thức của BRI nằm trong vấn đề kế hoạch chiến lược dài hạn. Không có tầm nhìn xa, rủi ro là khá rõ ràng: Các doanh nghiệp Trung Quốc thiếu nhận thức về tiêu chuẩn pháp lý tại các nước đối tác, phớt lờ nguy cơ môi trường, và đưa ra những quyết định đầu tư thiếu sáng suốt do hiểu biết hạn chế về các điều kiện kinh doanh ở bản địa.
Trong giai đoạn khởi động BRI, Bắc Kinh có thiên hướng xem chỉ trích nhằm vào mình là việc các nước phương Tây từ chối công nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Dẫu vậy, hiện nay mối quan hệ ngại đó không phải đến từ phương Tây mà là từ các nước khắp các châu lục trên toàn cầu.
Ở đó, chính quyền nước sở tại đang cố tìm cách thoát khỏi vấn nạn nợ nần bùng nổ cùng với đó là sự tức giận của người dân.
BRI, một chiến lược có chủ đích thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc, giờ đây lại đang thúc đẩy mối quan ngại trong nước và quốc tế ở mức chưa từng thấy.
Tác giả Hannah Feldshuh nêu trong bài phân tích trên The Diplomat tháng 9/2018, chính phủ Trung Quốc dường như nhạy cảm với những chỉ trích và nghi ngờ cả trong và ngoài nước liên quan đến BRI. Đối với những phê bình từ bên ngoài, chính phủ Trung Quốc phải tìm cách điều chỉnh kỳ vọng của các đối tác và giới quan sát, nhưng hiệu quả không lớn. Và khi nghị luận về BRI gia tăng trong giới tinh hoa Trung Quốc, chính phủ cũng buộc phải làm dịu những kỳ vọng lớn từ trong nước.