Kể từ năm 1964, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa ra Sách Đỏ với nhiệm vụ xác định tình trạng bảo tồn của tất cả các loài sinh vật trên thế giới. Có thể nói, Sách Đỏ là tài liệu rộng và đáng tin cậy nhất trong lĩnh vực này ở thời điểm hiện tại.
Sách Đỏ sẽ được cập nhật thường niên, và trong lần gần nhất diễn ra vào ngày 19/7, chúng ta đã có một kỷ lục đáng buồn: lần đầu tiên trong lịch sử, Sách Đỏ ghi nhận số lượng loài đang bị đe dọa vượt quá 100.000. Cụ thể với 9000 loài mới được thêm vào, tổng số lượng loài bị đe dọa lên tới 105.732. Trong đó, 28.338 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, chiếm 26%.
Một trong những nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất là cá nước ngọt. Theo IUCN, phân nửa số cá nước ngọt tại Nhật Bản hiện nay đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong khi tại Mexico là 1/3. Nguyên nhân được cho là vì ô nhiễm tại các đô thị, sông suối bị ngăn dòng chảy, xây đập giữ nước tràn lan, đánh bắt cá quá mức, và sự xuất hiện của các loài xâm lấn.
"Chúng ta thực sự cần những chính sách để con người không gây tổn hại đến môi trường nước ngọt nữa," - William Darwall, giám đốc ban Đa dạng sinh học nước ngọt của IUCN cho biết.
Môi trường biển cũng không khá khẩm gì hơn. Cá đuối tê giác (rhino ray) - nhóm cá gồm các loài cá vẩu (wedgefish) và cá giống (guitarfish) hiện tại được xem là họ cá biển bị đe dọa nhiều nhất thế giới. Cả họ cá này có khoảng 16 loài, thì đến 15 nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp với tỷ lệ tuyệt chủng cực cao.
Một họ cá đuối khác sống tại vùng biển Mauritania cũng đang nằm trong danh sách sắp tuyệt chủng, khi số lượng giảm tới 80% chỉ trong vòng 45 năm.
Cá vẩu - một trong những loài sắp rơi vào cảnh tuyệt chủng
Nguyên nhân gây ra thảm cảnh trên chủ yếu là do con người đã khai thác biển quá mức. Trớ trêu thay, cá tê giác ban đầu chẳng mang lại lợi ích gì cho con người, nhưng chúng lại thường lọt nhầm vào các mẻ lưới của ngư dân. Ngoài ra dù không liên quan về mặt sinh học, nhưng loài vật này có ngoại hình khá giống với cá mập nên cũng thường bị săn đuổi để lấy vây lưng, sau đó cung cấp cho một số thị trường như Trung Quốc và một số nước Á Đông.
Colin Simpfendorfer - đồng chủ tịch Hội bảo tồn cá mập của IUCN cho rằng: "Chính phủ các nước cần nhanh chóng đưa ra giải pháp bảo vệ các loài vật này, đặc biệt là đối với hoạt động đánh bắt cá biển quá mức."
Ngoài ra, có khoảng 500 loài cá tầng đáy - thường tìm thấy ở độ sâu ít nhất 1000m - cũng được thêm vào danh sách lần này.
Một loài sên biển sống ở tầng đáy
Lần cập nhật mới cũng không có tin gì vui cho các loài động vật trên cạn. Quá trình phá rừng, hủy hoại môi trường sống đã khiến ít nhất 7 loài linh trưởng đang chạm dần đến ngưỡng cửa tuyệt chủng, với 6 loài sống ở Tây Phi. Theo IUCN, 40% các loài linh trưởng tại châu Phi giờ đang ở tình trạng nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Đối với thực vật, 5000 loài cây từ 180 quốc gia, cộng thêm 79 loài nấm cũng đã lọt vào danh sách lần này. Trong đó, 15 loài là nấm bản địa tại các vùng nông thôn của châu Âu.
"Hơn 100.000 loài được đưa vào Sách Đỏ, điều này cho thấy con người đang tận diệt tự nhiên như thế nào," - Tiến sĩ Grethel Aguilar từ IUCN cho biết.
Tham khảo: IFL Science, Science Alert, BBC