Sabeco bán bia: Chuyển từ 'dùng tại chỗ' sang 'mua về', bắt đầu 'rải' trên sàn thương mại điện tử

Lan Hạ |

Mặc dù Nghị định 100 gây khó khăn cho các DN ngành bia, Sabeco cho biết vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng thức uống có cồn của người tiêu dùng Việt Nam sang các sản phẩm không cồn.

Báo cáo mới đây của CTCK VietCap ghi nhận, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra vào đầu tháng 2/2024 của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB), Ban lãnh đạo lạc quan một cách thận trọng về sự phục hồi của sản lượng bán bia vào năm 2024. Điều này được thúc đẩy bởi sự tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế dự kiến của Việt Nam vào năm 2024. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo tin rằng Sabeco sẽ tiếp tục đà củng cố vị thế trên thị trường. Năm 2023, Sabeco là thương hiệu bia số một Việt Nam (về sản lượng), theo nghiên cứu thị trường của bên thứ ba.

Sabeco kỳ vọng toàn bộ lượng mạch nha có chi phí cao do phòng hộ rủi ro nhiều hơn thực hiện từ năm 2023 sẽ được sử dụng hết vào năm 2024. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp năm 2024 cũng được kỳ vọng sẽ được hỗ trợ bởi việc tích lũy lon (đóng gói) với mức giá tốt vào cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, Sabeco kỳ vọng những cải thiện về hiệu quả hoạt động sản xuất và thương mại và chi tiêu cho quảng cáo và khuyến mãi (A&P) hiệu quả hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho việc cải thiện biên lợi nhuận. Ban lãnh đạo không có kế hoạch tăng chi tiêu A&P (so với doanh thu) vào năm 2024, nhưng sẽ chi tiêu cho A&P hiệu quả hơn.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Sabeco cho biết, chi phí quảng cáo và khuyến mãi trong năm 2023 là 2.814 tỷ đồng – giảm 254 tỷ đồng so với năm trước. Tỷ lệ chi phí quảng cáo khuyến mãi/doanh thu của năm 2023 là 9,1% - tăng so với con số 8,7% của năm trước.

Mặc dù việc thực thi Nghị định 100 có tác động tiêu cực đến sản lượng bán bia, ban lãnh đạo không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi cơ cấu về khả năng tiêu thụ bia bình quân đầu người trong trung và dài hạn. Sabeco dự kiến sẽ có sự chuyển dịch kênh tiêu dùng từ kênh tiêu dùng tại chỗ (on-trade) sang kênh mua về (off-trade) trong khi Sabeco tương đối mạnh hơn ở kênh off-trade.

Sabeco bắt đầu cung cấp sản phẩm của công ty trên các nền tảng thương mại điện tử vào tháng 11/2023. Mặc dù một lượng nhỏ bia được bán qua các nền tảng thương mại điện tử này vào năm 2023, công ty hy vọng sẽ đạt được doanh số bán hàng cao hơn qua kênh này vào năm 2024.

Sabeco bán bia: Chuyển từ 'dùng tại chỗ' sang 'mua về', bắt đầu 'rải' trên sàn thương mại điện tử- Ảnh 2.

Gian hàng của Sabeco trên Shopee Mall

Ban lãnh đạo cho biết quá trình tăng tỷ lệ sở hữu của Sabeco tại CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco, UPCoM: SBB) từ 22% (cuối năm 2023) lên trên 50% đang trên lộ trình hoàn tất vào giữa quý 2/2024 .

Ban lãnh đạo bày tỏ quan điểm tích cực về triển vọng dài hạn do thị trường Việt Nam còn trẻ và năng động. Ngoài ra, Việt Nam vẫn là thị trường bia chiếm ưu thế về tiêu thụ thức uống có cồn. Ngoài ra, Sabeco vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng thức uống có cồn của người tiêu dùng từ bia sang các sản phẩm thay thế như rượu và bia không cồn.

Trong quý 4/2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.520 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Các chi phí tăng cao cộng thêm phần lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm khiến lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt 967 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của "ông lớn" ngành bia Việt Nam trong hai năm qua.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần Sabeco đạt 30.461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước. Lãi ròng đạt 4.118 tỷ đồng, giảm 21%. Theo giải trình, sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận. So với kế hoạch đề ra, Sabeco chỉ thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại