Thực ra quyết định sa thải Steve Bannon - cố vấn chiến lược của Tổng thống Trump đã được cân nhắc trong nhiều tuần qua. Sa thải Steve Bannon, chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ, người cổ xúy tư tưởng cực hữu và chủ nghĩa dân túy giúp ông Trump giành chiến thắng là một điều khó khăn nhưng là điều không tránh khỏi.
Một tuần trước quyết định gây sốc, Tổng thống Donald Trump đã không còn giấu diếm về chuyện vị trí của Bannon đang lung lay. Ông Trump đã rất phật ý khi trong một cuốn sách mới phát hành “The Devil’s Bargain”, người ta đã tung hô Bannon là người làm nên chiến thắng cho Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử 2016.
Tổng thống Trump tỏ ý tức giận khi nói rằng ông Bannon tham gia vào chiến dịch tranh cử rất muộn và chính ông đã tự vượt qua 17 nghị sĩ, thống đốc, và đã chiến thắng tất cả các cuộc bầu cử sơ bộ. Ông Bannon đến sau những thắng lợi đó rất lâu. Tổng thống Trump gần như phủ nhận vai trò của Bannon trong chiến dịch tranh cử. Điều này cho thấy những rạn nứt khó hàn gắn giữa cá nhân ông chủ Nhà Trắng với cố vấn chiến lược Steve Bannon.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là cố vấn Steve Bannon đang gặp trục trặc trong quan hệ với một loạt nhân vật khác trong bộ máy cố vấn cao cấp ở Nhà Trắng.
Báo chí Mỹ thời gian gần đây nhắc tới mâu thuẫn công khai trong công việc giữa ông Bannon với con gái tổng thống Trump là Ivanka, con rể Tổng thống kiêm Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Gary Cohn.
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nội bộ Nhà Trắng mâu thuẫn trong đường lối chính sách và có những vụ rò rỉ thông tin suốt hơn 7 tháng qua.
"Ai cầm đuốc" cho phong trào dân túy?
Bất chấp những mâu thuẫn giữa cố vấn chiến lược Steve Bannon với Tổng thống Mỹ và đội ngũ tại Nhà Trắng suốt thời gian qua, giới phân tích tại Mỹ đều cho rằng việc sa thải Bannon là một mất mát của Tổng thống Mỹ. Tổng thống Trump có thể đã đánh mất "bộ não" trong các đường hướng quan trọng của mình.
Thực tế, đường hướng chính sách cực hữu và dân túy của chính quyền hiện tại đều do ông Bannon lên kế hoạch và triển khai nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri Mỹ, cụ thể là chiến lược "Nước Mỹ trên hết". Tờ Washington Examiner cho rằng thuật ngữ "chiến lược gia" không miêu tả chính xác vai trò của Bannon. Chủ tịch của hãng tin Breibart là một nhà tư tưởng của chính quyền Donald Trump.
Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt của Tổng thống Donald Trump và chính quyền mà ông điều hành. Và chính là thứ khiến một phần lớn cử tri Mỹ bỏ phiếu cho ông. Vậy nên, khi mà "bộ não" đứng đầu và tạo ra các chính sách khác biệt đó đã ra đi, rất khó để Tổng thống Trump tiếp tục triển khai các chính sách đã chọn.
Các nhà phân tích nhận xét, Tổng thống Trump có thể tiếp tục phàn nàn về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay người nhập cư bất hợp pháp. Nhưng ông lại chỉ còn một nhóm nhỏ các cố vấn không sẵn sàng chuyển những lời phàn nàn đó thành chính sách thực sự.
Một điểm bất lợi nữa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phải chuẩn bị là việc cựu cố vấn chiến lược Steve Bannon hiểu rõ nội tình và những lỗ hổng trong bộ máy tại Nhà Trắng. Trong bối cảnh các cuộc điều tra đang diễn ra xung quanh nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ và mối liên hệ giữa Nga với đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump, không gì có thể chắc chắn rằng Bannon không cung cấp những thông tin mật với các công tố viên và các ủy ban điều tra của Quốc hội nếu được yêu cầu.
Sự cô lập ngày càng tăng
Việc thay đổi các vị trí chủ chốt trong bộ máy điều hành tại Nhà Trắng không phải là tín hiệu xấu bởi nó cho thấy tổng thống Mỹ đang nắm bắt được những bất ổn trong quá trình vận hành. Đây là cơ hội để tổng thống Trump làm mới lại các vị trí nhân sự, loại bỏ bất đồng và tái xác định các ưu tiên ngắn hạn hay chiến lược.
Tuy nhiên, vấn đề là nhân sự được thay thế có sẵn sàng để thực hiện các mục tiêu đó hay không. Ngoài ra, khó khăn của chính quyền Mỹ hiện nay là sự nghi ngờ vẫn không giảm. Thậm chí Nhà Trắng đang nằm trong tâm điểm của các cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Những vấn đề này cản trở niềm tin của công chúng và Quốc hội Mỹ vào chính quyền Donald Trump.
Các cam kết tranh cử của Tổng thống Trump không nhận được sự hợp tác của Quốc hội điều này càng khiến trở ngại trầm trọng hơn. Dư luận Mỹ đánh giá, Tổng thống Trump có thể không bị luận tội hoặc truy tố vì nghi vấn liên hệ với Nga, nhưng ông có thể bị Quốc hội buộc phải làm nhiều thứ mà ông không muốn, như đạo luật trừng phạt Nga.
Điều đó cho thấy không gian để tổng thống Mỹ thực thi các kế hoạch của mình là rất hạn chế trong thời gian tới, nếu không muốn nói là bị giám sát chặt chẽ hơn.
Còn uy tín chính trị cũng như liên minh của Tổng thống Trump đang bị ảnh hưởng với việc các lãnh đạo doanh nghiệp đang rời bỏ ông. Nếu điều này không được ngăn chặn, nguy cơ là đảng Cộng hòa sẽ phải lựa chọn một nhân vật khác cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020.