Chỉ hơn 1 tháng nữa là đến Tết, nhiều gia đình, các bạn trẻ đã bắt đầu sắm sửa cho mùa lễ hội. Tuy nhiên, mỗi mùa lễ Tết trôi qua, hầu hết các gia đình đều sẽ có những khoản chi mà khi nhìn lại cảm thấy rất lãng phí.
Bánh kẹo thừa phân nửa, quần áo Tết mua nhiều không mặc tới
Lê Thị Tươi (30 tuổi) chia sẻ rằng năm trước đã mua sắm đồ thắp hương và bánh kẹo, đồ ăn vặt khô rất nhiều, chi khoảng 10 triệu đồng. Sau Tết, bánh kẹo thừa tới 70%, cô đã phải cho mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, cô sắm 5 bộ quần áo mặc chơi Tết nhưng cuối cùng chỉ dùng đến 2 bộ. Năm ngoái, tổng số tiền cô chi tiêu không hợp lý khoảng 15 triệu cho mua sắm quần áo và thực phẩm.
Tươi Lê
Cũng giống Tươi Lê, năm ngoái Trúc Hà (25 tuổi) chi khoảng 3 triệu để mua đồ ăn. Sau kỳ nghỉ Tết, số đồ ăn còn thừa lại như bánh chưng, giò chả, bánh kẹo, khoảng hơn phân nửa. "Bởi mấy ngày Tết trôi qua cũng nhanh, khách đến chơi nhà cũng không phải quá nhiều mà thời gian mình ở nhà lại ít. Do vậy, mình thấy việc mua nhiều đồ ăn khá lãng phí".
Gia đình Trúc Hà thường mặc áo dài ngày mùng 1 đầu năm. Chỉ 1 ngày thôi, nhưng năm nào cô bạn cũng may hoặc mua 2 bộ áo dài mới. Cô chia sẻ rằng bản thân vẫn diện áo dài đó, tuy nhiên sau những ngày Tết Trúc Hà chưa diện lại 2 bộ đó lần nào.
"Do vậy, năm nay chắc mình sẽ rút kinh nghiệm mua 1 bộ, hoặc chỉ mua áo dài còn quần thì có thể kết hợp sử dụng lại quần có sẵn thay vì sắm cả bộ. Chưa kể phụ kiện đi kèm như mấn, khăn,... mua về chỉ dùng đúng 1 lần. Giá trung bình năm ngoái mình mua 1,5 triệu/ bộ, thêm khoảng 200 nghìn phụ kiện".
Ngoài quần áo và đồ ăn, do có nhiều thời gian rảnh rỗi vào Tết năm ngoái, cô bạn 25 tuổi đã lên Hàng Mã để mua đồ trang trí phòng. Trúc Hà đã mua khoảng 7-10 cành lựu giả trang trí với giá 70 nghìn/ cành. Ngoài ra là những đồ trang trí như bánh chưng giả, lì xì câu đố khoảng 800 nghìn, phông nền treo tường 200 nghìn. Tổng cộng chi trang trí phòng ngày Tết hết khoảng 1,5 triệu đồng. "Tuy nhiên, những đồ này cũng nhanh hỏng, do vậy mình cũng không chơi được lâu. Giờ nghĩ lại cảm thấy rất tiếc tiền".
Trúc Hà trang trí phòng đón Tết năm ngoái
Năm nay quyết tâm hạn chế sắm đồ Tết lãng phí
Phi Hùng (28 tuổi) thường thích mua sắm áo quần, đặc biệt là các đợt giảm giá trong năm. Cậu bạn thường mua dần dần để vừa có thể mặc hàng ngày cũng như diện Tết, do vậy, tủ áo quần cũng khá nhiều sơ mi không dùng đến.
"Số tiền chi ra, mình không thể nhớ nổi. Song, mình nghĩ với số tiền mua sắm đó cũng không gọi là lãng phí, do đáp ứng được việc thoả mãn cảm xúc lúc mua sắm, một phần nào việc mua sắm cũng để giải tỏa áp lực trong công việc".
Những ngày Tết, Phi Hùng thường sẽ chi mạnh cho ăn uống, đi du lịch cùng người thân và bạn bè. Song, Tết năm nay, cậu bạn sẽ chỉ mua các vật dụng thật sự cần thiết. Tình hình kinh tế chung của xã hội hiện nay được đánh giá là vừa chớm phục hồi sau đợt dịch Covid, nên Phi Hùng nghĩ cần cân nhắc lựa chọn phong cách sống hài hoà giữa tiết kiệm và hưởng thụ.
Phi Hùng
Còn đối với Tươi Lê, năm nay cô sẽ không mua sắm quá nhiều quần áo mới. Thay vào đó, cô sẽ thay đổi lại cách phối trang phục để làm mới bản thân. "Mình cũng không mua nhiều đồ ăn tích trữ, nếu có làm mâm cơm thắp hương mình cũng sẽ làm đơn giản hơn phù hợp với gia đình mình. Kẹo bánh sẽ mua ít hơn, vì hầu hết mọi năm đều được biếu tặng nhiều dẫn tới dư thừa, để lâu lại hỏng".
Những năm trước, bình thường sắm Tết chủ yếu là mẹ và chị gái Trúc Hà sẽ mua tất cả đồ đạc cần thiết. Vậy nên cô chủ yếu cho tiêu cho những thứ bản thân thích, chẳng hạn như đồ ăn Tết, trang trí nhà. Song, cũng vì vậy nên thường bị thừa thãi vì có quá nhiều đồ mẹ và chị mua trước đó.
Năm nay, cô bạn sẽ bàn bạc với mẹ và chị trước khi sắm Tết. Bên cạnh đó, Trúc Hà ghi sẵn những món đồ cần mua từ trước vì cô bạn thường sẽ mua sắm theo cảm xúc, không có thói quen ghi chép.
Ảnh: NVCC