Bí quyết tiêu Tết xong vẫn còn dư tiền tiết kiệm

Nguyễn Quỳnh Trang |

Có nhiều lựa chọn trong cách sắm tết, không nhất thiết là phải chi tiền cho quần áo, mỹ phẩm mới!

"Một mùa Tết nữa lại sắp đến, đây cũng là thời điểm mình bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc mua sắm. Bố mẹ phụ trách sắm Tết hết rồi, nên mình chỉ tập trung sắm sửa cho bản thân là chính. Những thứ mình mua vào dịp Tết thường là những món đồ bình thường ít dám mua." Trang Ly (24 tuổi, Hà Nội) trích gần 40% tiền lương thưởng cuối năm để chi tiêu cho việc mua sắm ngày Tết.

Không dành quá nhiều tiền để mua sắm quần áo Tết, Nhi Anh (27 tuổi, Mai Châu) chọn đem tiền về cho mẹ là trên hết: "Mình thích việc mang nhiều tiền về cho mẹ trong dịp Tết. Việc này cũng xem như là thành quả lao động cả năm vậy đó. Mỗi năm, nhìn mẹ cười tươi, khoe khắp xóm là con gái năm nay biếu quà Tết to lắm là thấy vui rồi. Để có tiền cuối năm biếu mẹ, dân văn phòng như mình đã làm việc vất vả cả năm, chi tiêu tiết kiệm, tính toán từng đồng."

Nhiều kiểu tiêu Tết: Người chọn đầu tư vào bản thân, người chọn mang tiền về cho mẹ

Trang Ly (24 tuổi) cảm thấy may mắn, vì dù đã đi làm được 2 năm rồi, nhưng chưa bao giờ lo chuyện sắm tết: "Vì không cần phụ mẹ tiền sắm Tết hàng năm, nên tiền lương và thưởng cuối năm của mình gần như là tiêu trên mục đích cá nhân.

Như thói quen, mình vẫn trích 1 phần bỏ vào tiền tiết kiệm, phần còn lại sẽ là sắm sửa cho bản thân. Không chỉ chi tiêu vào quần áo, mỹ phẩm, mà mình còn mua thêm những món đồ công nghệ bình thường tiếc tiền không dám mua.

Mình không phải 1 người chi tiêu hoang phí, chỉ là luôn chi tiền mua sắm những món đồ mang đến nhiều lợi ích hơn. Tết đến, về quần áo mình chỉ mua 1 bộ áo dài để mặc, nhưng chất lượng phải tốt. Năm nay mình đã xuống tiền đặt cọc cho 1 bộ áo dài giá 2 triệu, mua thêm 1 đôi giày hơn 1 triệu và vài món phụ kiện. Với mình thế này là đủ, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng.

Bí quyết tiêu Tết xong vẫn còn dư tiền tiết kiệm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Pinterest

Thêm vào đó, vì tính chất công việc làm về đồ họa và thiết kế, nên mình có đầu tư thêm 1 số thiết bị công nghệ, phục vụ cho công việc. Thường thì cứ đến dịp cuối năm, những mặt hàng này giảm khoảng 20-30% so với giá gốc, là cơ hội để mình rinh đồ về nhà với mức giá tốt hơn bình thường. Đây cũng được xem như món đầu tư vào công việc, giúp hiệu suất năm sau tăng lên, kiếm được nhiều tiền hơn.

Sau khi tính toán những khoản tiền để mua sắm, mình tính thêm cả tiền lì xì. Năm nay dự tính của mình sẽ bỏ bao lì xì những người thân thiết 1 chút, khoảng hơn 2 triệu cho khoản này nữa. Đấy là những khoản tiền mình sẽ chi cho dịp Tết. Mới chỉ sắm sửa cho bản thân thôi mà đã tốn kém thế rồi!"

Chỉ dành chút tiền để tự thưởng bản thân, Nhi Anh (27 tuổi, Mai Châu) dành gần hết số tiền kiếm được cuối năm để đem về cho mẹ. "Mỗi năm, mình chỉ dành nhiều nhất 1-2 triệu để mua sắm cho bản thân. Chỉ cần 1 bộ quần áo mới là đủ. Đôi khi mình cũng không mua luôn. Gia đình mình tài chính không quá tốt, vậy nên dịp cuối năm lúc nào cũng hướng về gia đình nhiều hơn. Mua đồ cho em, cho bố mẹ, mua sắm bánh kẹo Tết cho cả nhà,.. số tiền còn lại mình đều đưa hết cho mẹ. Như năm ngoái, tính thêm cả thưởng mình đem về nhà được 20 triệu. Mình đi làm cả năm, cũng có để tiền tiết kiệm hàng tháng. Nhưng riêng số tiền kiếm được trong 3 tháng cuối năm, cộng thêm cả thưởng Tết thì mình đưa hết cho mẹ. Khi càng lớn, ra ngoài tự lập, tự lo cho cuộc sống, mình càng muốn đem tiền về cho mẹ. Chắc 1 phần cũng do tâm lý sắp lấy chồng, muốn lo toan cho gia đình nhiều hơn khi còn tự do."

Tiêu Tết xong vẫn còn dư tiền để tiết kiệm

Dù dành hết lương thưởng 3 tháng cuối năm để tiêu Tết, nhưng Nhi Anh cho biết, phải tính toán tài chính từ đầu năm, thì cuối năm mới còn dư. "Mình chỉ là dân văn phòng bình thường, nhận lương cuối tháng, chỉ có tiết kiệm và không đầu tư gì. Vậy nên, để dư ra được 1 số tiền biếu Tết bố mẹ, mình đã phải cân nhắc giữa việc thu - chi - tiết kiệm thật nghiêm khắc.

Một trong những việc giúp mình tiết kiệm được hiệu quả hơn đó là chỉ mua sắm món đồ mình cần. Ngay cả dịp Tết cũng vậy. Mình không mua đồ mới vì Tết, mình chỉ mua đồ mới vì cần, lựa chọn chất liệu và kiểu dáng có thể mặc nhiều lần. Những khoản chi tiêu cần thiết để duy trì cuộc sống như tiền nhà, tiền ăn, đi lại,... luôn duy trì ở 1 mức cố định. Không bỏ tiền ăn ngoài, không tụ tập bạn bè quá 3 lần/tháng. Hay những sở thích sưu tầm, hưởng thụ gì đó mình cũng không có.

Bí quyết tiêu Tết xong vẫn còn dư tiền tiết kiệm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Pinterest

Chỉ từ những việc tiết kiệm thế này, mình đã để dành được 1 số tiền tiết kiệm khá ổn. Có thể dành tiền lương 3 tháng để biếu Tết bố mẹ một cách thoải mái. Với mình, tiền tiêu Tết hay tiêu ngày thường luôn phải nằm trong mức an toàn."

Chỉ dành khoảng 40% số tiền lương và thưởng cuối năm để tiêu Tết, Trang Ly cho biết dù tự thưởng bản thân nhưng cũng phải có giới hạn cố định. "Dù số tiền dành để chi tiêu vào dịp Tết của mình khá lớn, nhưng nó luôn nằm trong những tính toán cố định của mình. Có 1 điều mình luôn luôn không bỏ qua mỗi khi nhận lương, đó là dành ra khoản tiết kiệm đều đặn. Ngay cả Tết cũng vậy. Mình ưu tiên trích tiền tiết kiệm ra trước, sau đó mới liệt kê ra những khoản chi tiêu. Khoản nào quan trọng, không có là không được sẽ tiêu trước. Khoản nào chưa cần gấp, có thể đợi đến tháng sau. Nói chung, tự thưởng bản thân vào dịp Tết là đúng, nhưng phải ưu tiên kế hoạch tài chính trong dài hạn."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại