Rút bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động cực chẳng đã?

Kim Thanh |

Tính đến hết quý I năm nay, đã có hơn hơn 208.000 lượt người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Trong số đó, có người mới chỉ đóng BHXH được vài năm, đáng tiếc có người đóng được gần 20 năm, sắp đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia. Trước thực trạng này, đã nhiều đề xuất giải pháp giảm tình trạng rút BHXH một lần.

Lưỡng lự cầm trên tay cuốn sổ BHXH từng gắn bó hơn chục năm, anh Nguyễn Văn Đông, ở Nghệ An cho biết, gia đình anh có 5 người (2 vợ chồng, 2 con nhỏ đang học và mẹ già). Gần đây, Công ty anh gặp khó khăn khiến anh phải nghỉ việc. Sau nhiều tháng không kiếm được việc làm mới, rồi liên tục gián đoạn vì covid, thu nhập không có, anh Đông quyết định rút BHXH một lần để giải quyết chi tiêu trong giai đoạn túng thiếu này.

“Vì dịch bệnh khó khăn quá, 4-5 tháng không đi làm được nên bất đắc dĩ phải rút thôi. Tiền tiết kiệm không có, trước mắt thì phải lo đủ thứ, lo ăn uống, gia đình, điện nước, trong nhà có người già còn phải lo thuốc thang, khám, đủ thứ tiền.

Giờ mà không rút thì không biết lấy đâu ra. Biết là về hưu thì cũng có trợ cấp từ BHXH nhưng mà khó khăn quá, phải lo trước mắt đã. Giờ còn trẻ mà không lo được thì tính gì đến chuyện về già”, anh Đông nói.

Điều đáng nói là trong số những người đi rút BHXH một lần có nhiều người còn rất trẻ và mới đóng BHXH được vài năm.

Chị Hà, người dân ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, chồng chị mất, giờ chị có một thân một mình, lúc ốm lúc đau, trái nắng trở trời, rất nhiều khoản phải lo.

"Bây giờ mới đóng được mấy năm thì bao giờ mới được hưởng lương hưu, thôi thanh toán một lần, được bao nhiêu thì được”, chị Hà cho biết.

Thực ra, một phần nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người lao động cần nhu cầu tài chính trước mắt. Đặc biệt, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người phải nghỉ việc nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm, nhu cầu chi tiêu bức thiết nên đã chấp nhận hy sinh quyền lợi lâu dài để rút BHXH một lần.

Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), nhận định tình trạng gia tăng số người rút BHXH một lần đã diễn ra nhiều năm gần đây nhưng sau đại dịch đã có phần tăng hơn. Vấn đề cốt lõi là tuyên truyền, thuyết phục người lao động về tầm quan trọng của việc khi người lao động mất việc, nghỉ việc không còn tích lũy thì sẽ gặp những nguy cơ gì?

Khi người lao động có nhận thức về quyền lợi BHXH như hưu trí, tử tuất... thì sẽ củng cố niềm tin, an tâm đóng BHXH. Tuy nhiên, việc tuyên truyền hiện nay chưa đủ mạnh để người lao động hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia BHXH.

“Có lẽ việc tuyên truyền chưa thấm vào người lao động để họ hiểu được đâu là cái hại lâu dài đối với họ. Tôi nghĩ rằng vẫn phải tuyên truyền rồi nhưng cần phải lấy một cái thiệt hại sinh động nào đấy để cho họ hiểu được.

Tôi lấy ví dụ như giữa hình thức gửi tiết kiệm, các anh chị gửi tiết kiệm để lấy lãi, gốc vẫn giữ nguyên nhưng lấy phần lãi để chi tiêu hàng ngày. Nhưng gần đến kỳ lĩnh lãi rồi lại tự rút ra, không còn lãi nữa. Đấy là cái mất đi khả năng che chắn của họ. Và thứ hai là nếu khi có hiện tượng gì xảy ra với họ, BHXH sẽ không bảo vệ họ nữa và người ta sẽ thấy đấy là lợi ích của chính mình”, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ cho biết.

Song song với giải pháp tạo niềm tin cho người lao động với các chính sách như hưu trí, tử tuất, BHYT..., ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, đồng thời có chế tài mạnh, quản lý chặt chẽ, tránh việc doanh nghiệp viện cớ phá sản để chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động...

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất giải pháp cho vay tín dụng với lãi suất thấp, điều kiện vay đơn giản, thuận lợi cho người lao động khó khăn khi mất việc, tránh việc người lao động phải tìm tới "tín dụng đen". Ngoài ra, cần có các chính sách đồng bộ để giảm khoảng cách giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp:

“Hiện nay chúng ta đều thấy việc hưởng chế độ hưu, chúng ta đang nặng về nguyên tắc đóng-hưởng mà đang ít tính chia sẻ.

Thế thì việc sửa đổi này phải sửa đồng bộ cả cách tính lương hưu theo quan điểm làm sao người hưởng lương hưu phải đảm bảo được đời sống, tức là họ giảm điều kiện đóng theo thời gian nhưng người về hưu phải có mức tiền lương đảm bảo được cuộc sống. Và một vấn đề cũng phải sửa đó là giảm khoảng cách giữa những người hưởng lương hưu hiện nay”, ông Quảng nói.

Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất, vẫn cần thực hiện chính sách BHXH một lần, nhưng chỉ trong các trường hợp đặc biệt như: Ra nước ngoài định cư dài hạn, đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng chưa đóng đủ thời gian theo quy định.

Các trường hợp còn lại nên khuyến khích tiếp tục tham gia để bảo đảm về già có lương hưu, trong điều kiện chúng ta sẽ giảm thời gian đóng xuống 15 năm và có thể xuống 10 năm. Tuy nhiên, cũng cần có chính sách hỗ trợ thông qua vay vốn ưu đãi, trợ cấp khó khăn để người lao động không rút BHXH một lần.

Bên cạnh đó, có thể vận động người lao động không rút BHXH một lần mà theo hướng rút một phần. Cụ thể, có thể lấy 8% của người lao động đóng để giải quyết khó khăn trước mắt, còn 14% tiếp tục giữ lại. Phần giữ lại sẽ được quỹ BHXH bảo toàn phát triển, khi hết tuổi lao động người lao động được cân đối sử dụng. Thậm chí khi người lao động có điều kiện quay lại tham gia BHXH thì tiếp tục đóng hướng tới đủ thời gian hưởng lương hưu.

“Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người ta vay vốn hoặc hỗ trợ cách thức gì đó bằng lãi suất thấp. Chúng ta vẫn vẫn có và Ngân hàng chính sách sinh ra để làm việc đó, cho người lao động vay lãi suất thấp để người ta không lấy BHXH một lần. Đây là vấn đề cụ thể mà chính quyền địa phương chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được để khuyến khích người ta chốt sổ lại và chưa lấy. 5 năm sau họ quay trở lại đóng tiếp. 15 năm được hưởng BHXH…", ng Bùi Sỹ Lợi nói.

Tham gia BHXH để chăm lo cho chính mình, tích lũy để hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn, hưu trí, tử tuất và chế độ BHYT. Đây là quyền lợi rất quan trọng và người lao động cần cân nhắc thật kỹ trước khi bàn tới chuyện rút BHXH một lần. Chính sách cũng phải làm sao bảo vệ được quyền và lợi ích của người lao động để họ tham gia lâu dài và đảm bảo an sinh cho toàn hệ thống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại