Rút 1,7 tỷ đồng từ tài khoản của chồng quá cố, người phụ nữ bị ngân hàng gọi điện “đòi” lại: “Chị không có quyền giữ số tiền này”

Kim Linh |

Rút số tiền gửi tiết kiệm của chồng quá cố, người phụ nữ Trung Quốc bất ngờ nhận được giấy triệu tập của Toà án do vướng vào tranh cãi liên quan đến thủ tục thừa kế.

Vợ chồng ông Lý, bà Vương (Giang Tô, Trung Quốc) cùng gửi ngân hàng số tiền tiết kiệm 500.000 NDT (1,7 tỷ đồng), đứng tên ông Lý. Sau khi chồng qua đời, bà Vương quyết định đi rút tiền để mua nhà cho cháu trai sắp kết hôn. Người phụ nữ này cầm giấy tờ tùy thân của cả 2 vợ chồng đến ngân hàng trong thị trấn, lấy được số tiền này rất dễ dàng và nhanh chóng.

Vài ngày sau, bà Vương bất ngờ nhận được điện thoại từ phía ngân hàng, yêu cầu bà nhanh chóng trả lại 500.000 NDT với lý do đây là tài sản riêng của ông Lý, bà chưa chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp để sở hữu số tiền này. Bà Vương giải thích đây là tiền chung của vợ chồng bà, vì sao đã làm thủ tục rút xong lại phải trả lại. Người phụ nữ này tin rằng phía bên kia đầu dây có thể là một kẻ lừa đảo nên bà nhanh chóng cúp máy.

 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngày hôm sau, bà lại nhận được cuộc gọi tương tự. Lần này đối phương thông báo nếu bà Vương không chịu hợp tác, phía ngân hàng sẽ nộp đơn nhờ Tòa án can thiệp, phân xử. Bà Vương vẫn cứng rắn nói bản thân rút tiền theo đúng quy định nên không sợ “lời đe doạ” kiện tụng. Cuối cùng, người phụ nữ này quyết định chặn số để tránh bị làm phiền.

Điều bà Vương không ngờ là một tháng sau, bà nhận được giấy triệu tập từ Tòa án Trung Quốc. Phía ngân hàng cho biết, khi người gửi tiết kiệm qua đời, số tiền trong tài khoản được coi là tài sản thừa kế. Nếu không chứng minh được mối quan hệ nhân thân và quyền thừa kế hợp pháp, hành vi rút tiền này có thể được coi là chiếm giữ tài sản trái phép.

Theo Bộ Luật Dân sự Trung Quốc quy định nếu người quá cố không lập di chúc thì những người hưởng thừa kế bậc một sẽ bao gồm vợ/chồng, cha mẹ, con đẻ, con nuôi. Như vậy, bà Vương có quyền được thừa kế tài sản của ông Lý, nhưng vẫn còn con trai, con gái của 2 vợ chồng. Vậy nên bà cần chứng minh việc các con đồng ý để mẹ là người thừa kế hợp pháp duy nhất mới có thể sở hữu toàn bộ số tiền gửi.

 - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Vì phía ngân hàng đã liên hệ để giải quyết vụ việc nhưng bà Vương không hợp tác nên họ buộc phải gửi đơn kiện lên Tòa án. Người phụ nữ này cho rằng lỗi do nhân viên ngân hàng đã không giải thích và yêu cầu cung cấp đủ giấy tờ cần thiết. Hai bên tranh cãi rất gay gắt về việc ai đúng ai sai trong vụ kiện này.

Cuối cùng, Toà án đứng ra hoà giải, số tiền gửi 500.000 NDT vẫn thuộc về bà Vương. Nhân viên ngân hàng đã mắc sai lầm trong quá trình làm thủ tục rút tiền, vì vậy bà Vương chỉ cần cung cấp cho ngân hàng các giấy tờ cần thiết để thừa kế số tiền tiết kiệm mà không phải trả lại.

Một vụ việc gây tranh cãi liên quan đến tiền gửi của người quá cố từng xảy ra ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) khi người phụ nữ họ Đặng đến ngân hàng rút sổ tiết kiệm 130.000 NDT (gần 500 triệu đồng) của chồng.

Sau khi nhân viên xác nhận số tiền trong tài khoản, gia đình bà Đặng công chứng tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật và nộp lại cho ngân hàng. Tuy nhiên khi bà đến rút tiền, tài khoản lại không còn đồng nào khiến phụ nữ này vô cùng hoang mang. 

 - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Phía ngân hàng thông báo chồng bà Đặng đã thực hiện thao tác tất toán toàn bộ tiền trên ứng dụng ngân hàng nên dù sổ tiết kiệm ghi 130.000 NDT nhưng thực tế số tiền trong sổ tiết kiệm chỉ còn 0 đồng. Hiểu lầm này do nhân viên nhầm lẫn số dư ghi trong sổ tiết kiệm với số dư khả dụng trong tài khoản nên đã thông báo khách hàng làm thủ tục rút sổ. 

Ngân hàng đã liên lạc với bà Đặng để gửi lời xin lỗi, cam kết sẽ kỷ luật người có trách nhiệm liên quan đến vụ việc đồng thời trấn an dư luận sẽ không có sự việc tương tự xảy ra khi khách hàng gửi tiền.

(Theo Toutiao)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại