Sang Angola làm nông nghiệp, team châu Phi (có Quang Linh Vlog là thành viên) rất chăm chỉ khai hoang, tìm hướng đi mới, trồng cấy các loại rau màu mới. Việt Phi farm (do Linh Philip) và nông trại của Đông Paulo là tích cực nhất trong việc phổ cập cây trồng Việt Nam, từ củ đậu, bầu bí, rau muống... cho đến lúa nước.
Sau khi khai hoang một khoảng đất rộng, các anh em trong Việt Phi farm đã mang giống lúa từ Việt Nam sang, trồng thử nghiệm khoảng 10 thửa ruộng, hy vọng vài tháng tới sẽ thu hoạch được thóc.
Kỹ sư người Việt đang trông nom trang trại Việt Phi chia sẻ, ở Angola, mọi người ăn ngô và đậu nành là lương thực chính. Đôi khi chỉ cần nấu chín là ăn chứ không chế biến cầu kỳ và cũng không cần thức ăn kèm thịt cá.
Mọi người hy vọng, nếu cây lúa nước phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định, nông dân làm việc cho trang trại sẽ có thêm một loại lương thực để cải thiện bữa ăn. Về lâu dài, nếu sản lượng lớn, có thể bán gạo cho người dân Angola mua ăn.
Sau vài tháng trồng cấy lúa nước, áp dụng kỹ thuật tương tự ở Việt Nam, các ruộng lúa tại Việt Phi farm phát triển khá ổn, lúa lên xanh mướt. Nhưng khi đang ở giai đọan làm đòng, một vài ruộng bắt đầu gặp sự cố.
Một phần nhỏ lúa bị vàng lá, đỏ lá từ gốc đến ngọn, khiến một số ruộng có hai màu. Phát hiện ra điều này, những người trông nom trang trại vô cùng lo lắng.
Dù đã chuẩn bị thuốc chống sâu bệnh cho lúa (các loại sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ rầy, bọ xít) mang từ Việt Nam sang, hiện tượng này vẫn khiến họ bối rối, chưa biết xử trí ra sao. Chỉ khoảng 15 - 20% diện tích lúa tại Việt Phi farm bị vàng lá, bẻ thử bên trong thì không thấy có sâu.
Người chăm sóc trang trại "cầu cứu: "Anh em mình nhổ lên mấy cây lúa bị vàng, mong các chuyên gia xem và bắt bệnh giúp, ai có kinh nghiệm thì hiến kế để anh em mình xử lý. Lo quá, mọi người đã mất rất nhiều công sức để mang hạt giống sang, gieo trồng, giờ sắp lên đòng rồi thì lại thế này. Chỉ mong cây lúa hợp đất, trồng được có thành quả thôi mọi nguời ạ".
Một số người có kinh nghiệm trồng trọt cũng chia sẻ ý kiến và chia sẻ khó khăn với những người nông dân Việt Nam tại châu Phi:
- Lúa vàng lá một là bị bệnh vàng lá cháy lá, hai là bị ngộ độc rễ, ba là bị tuyến trùng hại bộ rễ. Các anh nhổ cây đó lên xem rễ trắng thì ok còn rễ bị đen và ngắn lại thì bị hỏng, phải sục bùn và rắc vôi bột, khô ráo rồi mới cho nước vào ruộng.
- Theo như ở quê mình làm nông thì đây là bệnh ở địa phương gọi là bệnh đỏ đuôi lươn. Không có thuốc thì cứ tháo nước khô xong rải vôi bột vào để khô 3 ~ 5 ngày là cho nước vào lại thì bệnh sẽ hết. Dịp lúa này thì để ý sâu cuốn lá nữa.
- Lúa chuẩn bị làm đòng thì chuột bọ phá nhiều. Ở Việt Nam trồng đại trà còn ở đó chỉ trồng diện tích ít nên càng bị bệnh và chuột phá nhiều hơn. Dưới đất thì chuột, sâu bệnh, trên thì chim chóc phá các kiểu. Mong các bạn bảo vệ được cây, chứ từ giờ cho đến khi thu hoạch được dự là còn rất nhiều khó khăn.
- Mong thiên thời địa lợi nhân hòa để những cánh đồng rau màu trong nông trại phát triển tốt, thu hoạch nhiều.
- Thế mới biết kiếm được miếng cơm, hạt gạo đâu phải dễ, chi phí từ lúc làm ruộng, chọn giống, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc đủ kiểu cũng chỉ là lấy công làm lãi.
- Trồng lúa đầy gian nan, đến khi lúa chín vàng có khi gió mưa bão cướp mất ăn... Vì vậy làm nghề nông ở đâu cũng thế, đầy ắp nỗi niềm lo lắng cho đến khi hạt thóc vào bồ.