Rủi ro từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo

Ban Thời sự |

Sự bùng nổ đầu tư trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo được nhận định là sẽ tạo ra một số rủi ro, đặc biệt là đối với chuỗi cung ứng phát triển quá nhanh.

Cơn sốt đầu tư vào trí tuệ nhân tạo

Báo cáo tài chính của các công ty công nghệ lớn được công bố mới đây cho thấy đang có xu hướng đầu tư ngày càng gia tăng vào trí tuệ nhân tạo (AI).

Công ty nghiên cứu thị trường New Street Research có trụ sở tại Anh ước tính, Alphabet (công ty chủ quản của Google), Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram), Amazon và Microsoft sẽ chi tổng cộng 104 tỷ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu AI mới trong năm nay. Cộng thêm khoản chi của các công ty công nghệ nhỏ hơn và các ngành công nghiệp khác, tổng số tiền đầu tư vào trung tâm dữ liệu AI giai đoạn 2024 - 2027 có thể lên tới 1.400 tỷ USD.

Tất cả sự quan tâm đối với AI đang tạo ra "cơn sốt" đầu tư mới trong chuỗi cung ứng AI, từ các nhà sản xuất chip bán dẫn, sản xuất máy chủ, tới các nhà sản xuất thiết bị mạng, thiết bị truyền tải điện, hệ thống làm mát... Theo phân tích của The Economist đối với 60 công ty trong lĩnh vực này, khoảng 2/3 trong số đó dự kiến sẽ tăng chi tiêu vốn của năm nay cao hơn mức trung bình 5 năm qua.

Rủi ro từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Các công ty công nghệ đang tạo nên "cơn sốt" đầu tư mới trong chuỗi cung ứng AI

Ông Chen Nanxiang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc - cho rằng: "Chúng ta đang trải qua kỷ nguyên vàng của phát triển AI. Dự báo tới năm 2030, doanh thu bán dẫn có thể vượt 1 nghìn tỷ USD, một con số rất lớn. Hiện nay vẫn chưa phải là đỉnh vào của ngành này. Những điều tốt đẹp nhất còn ở phía trước. Giống như bất kỳ công nghệ mới nào, có một thời gian nghiên cứu kéo dài, tiếp theo là thử nghiệm trên thị trường và cuối cùng là phát triển bùng nổ".

Bà Lisa Su - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sản xuất thiết bị vi xử lý AMD - cho biết: "AI là ưu tiên số một của chúng tôi và chúng tôi đang trong giai đoạn khởi đầu của một thời kỳ rất thú vị đối với ngành công nghiệp này, khi mà AI đang chuyển đổi hầu như mọi doanh nghiệp, cải thiện chất lượng cuộc sống và định hình mọi khía cạnh của thị trường máy tính".

Ông Tomas Lamanauskas - Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế - nhận định: "Có những doanh nghiệp làm trong lĩnh vực nông nghiệp, trong lĩnh vực y tế hay chăm sóc người cao tuổi… Tôi nghĩ đó chính xác là AI. AI không phải là một công nghệ phát triển vì chính nó. AI là một công nghệ giúp mọi lĩnh vực của xã hội và nền kinh tế được chuyển đổi theo hướng tốt hơn, được thúc đẩy phát triển, để chúng ta có thể tạo ra một xã hội và nền kinh tế thịnh vượng hơn nữa".

Rủi ro tiềm ẩn từ sự bùng nổ đầu tư cho AI

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà trí tuệ nhân tạo đã và đang mang đến cho chúng ta nhưng sự bùng nổ đầu tư trong lĩnh vực này cũng được nhận định là sẽ tạo ra một số rủi ro, đặc biệt là đối với chuỗi cung ứng phát triển quá nhanh.

Một trong những rủi ro đối với chuỗi cung ứng AI là sự phụ thuộc quá nhiều vào Nvidia - nhà sản xuất chip có giá nhất thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, khi Nvidia bắt đầu tung ra con chip mới hàng năm thay vì hai năm một lần như trước đây, toàn bộ chuỗi cung ứng phải xây dựng các dây chuyền sản xuất mới với tiến độ đẩy nhanh. Doanh số bán hàng trong tương lai của nhiều công ty trong chuỗi cung ứng AI được dự đoán sẽ phụ thuộc vào khả năng đáp ứng yêu cầu của gã khổng lồ này.

Rủi ro từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo - Ảnh 2.

Các chuyên gia cảnh báo về rủi ro đối với chuỗi cung ứng AI khi phụ thuộc quá nhiều vào Nvidia

Một rủi ro khác bắt nguồn từ nguy cơ nghẽn nguồn cung, đáng chú ý nhất là nguồn cung điện do việc phát triển các trung tâm dữ liệu để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ.

Ông Prasad Kalyanaraman - Phó Chủ tịch phụ trách Dịch vụ hạ tầng tại Amazon - cho rằng: "Hầu hết người dùng, mà chính họ cũng không biết, đang sử dụng điện toán đám mây. Nếu bạn truy cập một trang web hoặc phát trực tuyến video hay bạn đến trang web của dịch vụ tài chính và xem các giao dịch của mình, rất có thể bạn đang sử dụng một số hình thức điện toán đám mây. Các trung tâm dữ liệu là nơi chúng tôi lưu trữ các cơ sở dữ liệu tính toán, cơ sở hạ tầng mạng này".

Cùng với sự phát triển của AI tạo sinh, các hãng công nghệ phải mở rộng khả năng điện toán đám mây và các trung tâm dữ liệu đang mọc lên như nấm. Nhu cầu năng lượng cho AI là rất lớn. Cơ quan Năng lượng quốc tế dự báo, nhu cầu điện cho trung tâm dữ liệu và AI sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026, kéo theo nguy cơ thiếu điện khiến hoạt động bị hạn chế.

Thêm vào đó, việc sản xuất điện phục vụ cho các trung tâm dữ liệu đang làm gia tăng phát thải khí nhà kính của các công ty công nghệ. Phát thải của Google trong năm ngoái đã tăng 13% so với năm trước đó và tăng 48% so với năm 2019. Phát thải của Microsoft trong năm ngoái cũng tăng hơn 29% so với năm 2020.

Các công ty công nghệ lập luận rằng, AI không phải chỉ góp phần gây ra biến đổi khí hậu mà còn giúp giải quyết vấn đề này. Các chuyên gia lại cho rằng, điều quan trọng là sử dụng AI một cách có trách nhiệm và mang lại lợi ích cho xã hội.

Rủi ro từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo - Ảnh 3.

Việc sản xuất điện phục vụ cho các trung tâm dữ liệu đang làm gia tăng phát thải khí nhà kính

Bà Amanda Smith - Nhà nghiên cứu cấp cao của Dự án Drawdown - cho biết: "Chúng ta vẫn đang tìm cách hiểu và học hỏi lẫn nhau về loại AI nào phù hợp với vấn đề nào và đâu không phải là cách sử dụng tốt nhất sức mạnh máy tính hoặc sức mạnh con người để thiết lập một điều gì đó. Điều quan trọng là phải hiểu rằng, AI có thể là một tác nhân làm tăng lượng khí thải và cũng có thể giúp giảm lượng khí thải. Chính con người chúng ta phải quan sát những gì chúng ta đang làm với AI và đặt câu hỏi tại sao chúng ta lại làm như vậy".

Một điểm tích cực là các công ty công nghệ đang chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Google đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch vào năm 2030 và đã đạt được 64% năng lượng không carbon vào năm ngoái. Công ty cũng tuyên bố rằng các trung tâm dữ liệu của họ hiện nay tiết kiệm năng lượng hơn 1,8 lần so với mức trung bình của ngành.

Trong bối cảnh AI đang phát triển mạnh mẽ, việc đảm bảo một cách tiếp cận có trách nhiệm là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần cân bằng giữa sự đổi mới công nghệ và các giá trị đạo đức, xã hội. Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Công chúng cần nâng cao nhận thức về tác động của AI còn các nhà hoạch định chính sách phải xây dựng khung pháp lý phù hợp. Chỉ khi cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể khai thác tiềm năng to lớn của AI, đồng thời giảm thiểu rủi ro, hướng tới một tương lai công nghệ bền vững và công bằng cho tất cả mọi người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại