Rủi ro lớn của Ukraine khi giáp mặt quân đội Nga giữa mùa đông lạnh giá

Trung Hiếu |

Mùa đông 2024 đang tới gần, tình cảnh của Ukraine trở nên u ám hơn lúc nào hết. Dự báo, quân đội Ukraine gặp phải nhiều rủi ro khi bước vào cuộc chiến với Nga trong thời gian tới.

Nga tấn công điểm yếu chiến lược của Ukraine, uy hiếp toàn diện đối thủ

Mùa đông 2024-2025 sẽ là một thử thách thực sự đối với quân đội và dân chúng Ukraine - những người đã kiệt sức ít nhiều trong năm thứ 3 của cuộc xung đột vũ trang với Nga.

Thương binh Ukraine ở mặt trận Pokrovsk được chăm sóc, điều trị tại trạm quân y dã chiến của quân đội Ukraine. Ảnh: BBC.

Nga vẫn đều đặn làm suy yếu cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, bao gồm các trạm điện, các chi nhánh lưới điện và các cơ sở lưu trữ năng lượng. Trong khi đó, mùa đông tại Ukraine thường lạnh giá, nhiệt độ giảm dưới 0 độ C, khiến nhu cầu của họ về điện là rất lớn.

Các thành phố tiền tuyến của Ukraine, như Kharkov, có lẽ sẽ phải đối mặt với cái lạnh khắc nghiệt nhất khi mà 2 trong số các nhà máy điện phục vụ thành phố này đã bị phá hủy.

Nga đã nhận diện được điểm yếu trong cơ sở hạ tầng của Ukraine. Mạng lưới năng lượng của nước này quá rộng nên rất khó che chắn hết được, nhất là khi hệ thống phòng không của Ukraine tương đối mỏng. Và những đòn đánh của Nga đã làm suy giảm năng lực sản xuất điện của Ukraine, buộc nước này phải dựa nhiều hơn vào năng lượng hạt nhân. Năng lượng hạt nhân hiện cung cấp tới 70% nhu cầu năng lượng của Ukraine - một trong những mức cao nhất trên thế giới, thậm chí còn cao hơn cả mức 65% của Pháp.

Ít khả năng Nga sẽ tấn công các nhà máy điện hạt nhân do hậu quả khôn lường của hành động này. Tuy nhiên, các trạm điện phụ (chịu trách nhiệm đưa điện từ nhà máy hạt nhân vào lưới điện) có thể bị tấn công và khó sửa chữa, thay thế.

Tình trạng thiếu điện tại Ukraine đã nặng nề vào mùa hè 2024. Sang mùa đông, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn nữa. Ukraine sẽ không chỉ thiếu điện để sưởi ấm mà còn thiếu điện đáp ứng ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của nước này.

Công nghiệp quốc phòng đóng vai trò thiết yếu trong bảo đảm quân đội Ukraine được trang bị đầy đủ trong bối cảnh viện trợ của Mỹ cho họ giảm dần.

Bầu cử Mỹ có thể khiến tình hình của Ukraine tệ hại hơn

Dù ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine nhìn chung vẫn suy giảm.

Áp lực tài chính trong nước, sự mệt mỏi vì xung đột Ukraine cũng như việc chuyển bớt nguồn lực quân sự cho Israel trong năm qua đã làm xói mòn sự hậu thuẫn của Mỹ về vật chất và tinh thần dành cho Ukraine.

Ngay cả khi Phó Tổng thống Mỹ Harris, ứng viên phe Dân chủ trong bầu cử Mỹ 2024, đắc cử tổng thống trong thời gian tới thì bà vẫn sẽ chỉ thúc đẩy viện trợ cho Ukraine ở mức độ như hiện tại. Trong tương lai, phe Cộng hòa có tiềm năng kiểm soát Thượng viện Mỹ, nhiều đảng viên Dân chủ Mỹ cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước. Khi ấy, chính quyền dự kiến của bà Harris sẽ gặp trở ngại.

Còn trong kịch bản ứng viên Trump đắc cử tổng thống Mỹ, khả năng cao ông ấy sẽ chấm dứt xung đột Ukraine một cách nhanh chóng ở trạng thái hiện tại, nghĩa là nhiều phần đất của Ukraine giàu tài nguyên ở miền Đông sẽ tiếp tục do Nga kiểm soát.

Hơn nữa, mức độ sụt giảm viện trợ của Mỹ cho Ukraine trước sau gì cũng khiến Kiev dễ phải chấp nhận một thỏa thuận đình chiến để đóng băng xung đột chứ không phải là giải quyết dứt điểm xung đột.

Khi thỏa thuận đình chiến được thực thi, Nga sẽ có điều kiện tái vũ trang, còn Ukraine chưa chắc đã gia nhập được NATO do xung đột mới chỉ đóng băng.

Tình hình châu Âu cũng khá u ám đối với Ukraine

Khi viện trợ của Mỹ cho Ukraine giảm, công nghiệp quốc phòng tại nhiều nước châu Âu bắt đầu tăng cường sản xuất để bù lại. Tuy nhiên, nhiều người châu Âu lo ngại rằng họ sẽ phải chi nhiều tỷ USD cho sản xuất vũ khí trong bối cảnh một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine có thể được ký kết, khiến cho lượng lớn vũ khí được sản xuất trở nên dư thừa và gây lãng phí lớn.

Ngoài câu chuyện rủi ro kinh tế như trên, bản thân châu Âu cũng không có chung tiếng nói chính trị trong vấn đề Ukraine. Nhiều nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nghiêng sang phe hữu, và do vậy sẽ ảnh hưởng đến sự ủng hộ của khối cho Ukraine. Bản thân nước Đức - nhà tài trợ lớn thứ 2 cho Ukraine chỉ sau Mỹ, đã công bố kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2025 tới đây.

Còn Thủ tướng Hungary Orban đã công khai tuyên bố Ukraine không thể giành chiến thắng trên chiến trường và do đó cần phải khởi động đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại