"Rồng" Trung Quốc trỗi dậy, sức mạnh quân sự ngày càng đáng gờm: Liệu Nga có lo sợ?

Hồng Anh |

Dù kinh tế của Trung Quốc đang giảm tốc, nhưng quân đội của họ vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, cây viết Dimitri Alexander Simes nhận định trên tạp chí National Interest (Mỹ).

Sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng mạnh và gia tăng khoản chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc đã có được những công nghệ mới và thái độ quyết đoán mới, đạt được những bước tiến rõ rệt trong khả năng phòng thủ tên lửa, trên không và trên biển. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã bắt đầu gây ảnh hưởng quân sự ở nước ngoài, từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho đến châu Phi...

Vậy nước Nga nhìn nhận sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc ra sao? Ngay cả khi Moskva và Bắc Kinh tuyên bố tăng cường quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, thì nhiều chuyên gia phương Tây vẫn dự đoán rằng việc quân đội Trung Quốc ngày càng hùng mạnh có thể sẽ trở thành nguồn cơn căng thẳng giữa hai quốc gia này trong tương lai.

Tạp chí National Interest đã liên hệ với một số nhà phân tích quốc phòng và nghiên cứu về Trung Quốc của Nga nhằm hiểu rõ hơn quan điểm của họ về vấn đề nói trên.

Xích lại gần nhau vì "lợi ích chung"

"Trong thời điểm hiện tại, thì lợi ích quốc gia của chúng tôi [Nga] trùng với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, do đó lãnh đạo và quân đội Nga chưa quá lo lắng về sự phát triển của lực lượng vũ trang và công nghệ quốc phòng của Trung Quốc", ông Yuri Tavrovsky, giáo sư của trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các Nhân dân Nga, bình luận.

Tuy nhiên, ông Tavrovsky thừa nhận rằng Moskva vẫn có đôi chút e ngại về sự phát triển của quân đội Trung Quốc. "Về lâu dài, chúng tôi sẽ dõi theo thành công của Trung Quốc, và sẽ không loại trừ bất cứ viễn cảnh nào, bởi chúng tôi vẫn còn nhớ chính sách đối ngoại của Trung Quốc thay đổi ra sao từ thập niên 50 đến cuộc cải cách dưới thời Đặng Tiểu Bình", giáo sư này nói.

Alexander Lukin, một học giả nghiên cứu về Trung Quốc, cũng có chung quan điểm với giáo sư Tavrovsky: "Tôi nghĩ rằng điện Kremlin thừa hiểu là một ngày nào đó Trung Quốc có thể trở thành rắc rối, nhưng hiện tại, những lo ngại về Trung Quốc không thể lớn bằng lo ngại về phương Tây được".

"Giả dụ mối quan hệ [giữa Nga và] phương Tây tốt hơn, thì có lẽ [Moskva] sẽ có cách tiếp cận khác đối với Trung Quốc", ông Lukin nói. "Nhưng vì mối quan hệ giữa hai nước không những không tiến triển, mà còn không có khả năng cho chuyện đó xảy ra, nên việc Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau vẫn sẽ tiếp tục".

Nhìn chung, các nhà phân tích Nga được National Interest phỏng vấn đều không coi việc Trung Quốc phát triển quân đội là mối đe dọa trực tiếp. Viktor Murakhovksy, tổng biên tập của tạp chí Arsenal of the Fatherland, khẳng định mục tiêu của Bắc Kinh là Washington chứ không phải Moskva.

"Nhìn vào tình hình hiện nay dưới góc độ địa chính trị, Trung Quốc không quan tâm tới việc mở rộng về phía Nga, và họ cũng có mối quan tâm rõ ràng trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông và xa hơn nữa, trong khu vực Thái Bình Dương", ông Murakhovksy nói.

Rồng Trung Quốc trỗi dậy, sức mạnh quân sự ngày càng đáng gờm: Liệu Nga có lo sợ? - Ảnh 1.

Quân đội Trung Quốc và Nga tập trận chung. Ảnh: ZUMA

Trung Quốc mạnh - Nga hưởng lợi?

Một số chuyên gia Nga thậm chí còn coi sức mạnh quân sự mới của Trung Quốc là "phước lành" đối với Nga. Giáo sư Tavrovsky lập luận rằng Nga có thể hưởng lợi từ một Trung Quốc hùng mạnh hơn, giúp nước này tự tin hơn khi đối đầu với Mỹ.

"Trước đây Nga là đối thủ chiến lược duy nhất của phương Tây", ông nói. "Nhưng bây giờ Chiến lược Quốc phòng của Mỹ nêu tên 2 đối thủ, do đó những nguồn lực của Mỹ và các nước phương Tây cũng sẽ phải chia ra để đối phó với 2 ngả".

Bên cạnh đó, việc Mỹ ngày càng tập trung vào kiềm chế Trung Quốc sẽ làm giảm áp lực đè lên Nga, vị giáo sư này nhận định.

Tại Washington, ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách và phân tích bày tỏ lo ngại về tham vọng quân sự toàn cầu của Bắc Kinh. Ngược lại, tại Moskva, Trung Quốc được ca ngợi là một cường quốc quân sự thận trọng và có trách nhiệm.

"Cho tới thời điểm hiện tại, thì Trung Quốc vẫn hành xử rất có chừng mực", học giả Lukin bình luận. Theo ông này, thì Bắc Kinh hoàn toàn có thể sở hữu rất nhiều cơ sở quân sự ở nước ngoài với nguồn tiền khổng lồ trong tay hiện nay, nếu như họ muốn như vậy.

Tuy nhiên, "dấu chân" quân sự của Trung Quốc trên toàn cầu vẫn khá giới hạn, và theo ông Lukin thì đây là bằng chứng cho thấy người Trung Quốc "quan tâm nhiều hơn tới việc giải quyết các vấn đề kinh tế" so với mở rộng ảnh hưởng quân sự ở nước ngoài.

Ông Lukin thừa nhận rằng sau cùng thì Trung Quốc vẫn sẽ phải dựa vào sức mạnh quân sự để bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình. Tuy nhiên, theo lời ông này, thì "kể cả khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự, thì họ vẫn phải phấn đấu thêm một thế kỉ nữa mới mong sánh vai được với Mỹ".

Hơn nữa, học giả này tin rằng việc Trung Quốc không có tư tưởng áp đặt như Mỹ, do đó quân đội Trung Quốc dù phát triển hơn nhưng cũng sẽ không trở thành mối đe dọa với Nga.

"Mỹ đánh bom các nước khác chỉ vì họ không thích các quốc gia đó và muốn phổ biến tư tưởng dân chủ tới toàn thế giới", ông Lukin nói. "Nhưng Trung Quốc không hề muốn áp đặt [hệ tư tưởng] của mình ở Nga".

Rồng Trung Quốc trỗi dậy, sức mạnh quân sự ngày càng đáng gờm: Liệu Nga có lo sợ? - Ảnh 3.

Quân đội Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Reuters.

Sự tự tin của Nga

Nước Nga đã góp phần lớn vào quá trình trang bị vũ khí cho lực lượng quân đội mới của Trung Quốc. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga trong giai đoạn 1999-2006. Trong năm 2005, Trung Quốc từng mua đến 60% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga.

Tuy nhiên, trong những năm sau đó, số lượng vũ khí Trung Quốc mua từ Nga giảm xuống rõ rệt. Tới năm 2012, số vũ khí Trung Quốc mua vào chỉ bằng khoảng 8,7% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí.

Sở dĩ có sự giảm sút rõ rệt như vậy là bởi phía Nga lo ngại về việc Trung Quốc có thể sao chép công nghệ của mình. Ví dụ, trong thập niên 90, Moskva đã bán cho Bắc Kinh một số tiêm kích Su-27 và thậm chí còn cấp cho Trung Quốc giấy phép lắp ráp các bộ phận của tiêm kích này trong nước.

Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc đã hủy hợp đồng với Nga, và sử dụng kĩ thuật đã học được từ việc lắp ráp Su-27 để tạo ra chiếc tiêm kích J-11, "nhái" y hệt chiếc tiêm kích của Nga.

Trong những năm gần đây, các thương vụ mua bán vũ khí của Nga và Trung Quốc đã được khôi phục. Năm 2015, Nga đã chốt thỏa thuận bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tiêm kích Su-35 cho Trung Quốc - những vũ khí tân tiến nhất của Nga vào thời điểm đó. Nga cũng có dự định sẽ bán cho Trung Quốc chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57.

Nga giờ đây đã cảnh giác hơn về chuyện Trung Quốc "đạo nhái" - ông Vadim Kozyulin, Giám đốc của Dự án An ninh Châu Á thuộc trung tâm PIR, đã khẳng định điều đó.

Vậy điều gì đã khiến Nga đổi ý, tiếp tục bán vũ khí cho Trung Quốc? Theo học giả Lukin, kể từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 khiến mối quan hệ của Moskva với các nước phương Tây đổ vỡ, Kremlin buộc phải xích lại gần Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Nga vẫn rất tự tin về công nghệ quân sự và sức cạnh tranh rất lớn của họ, và cho rằng Trung Quốc sẽ còn phải đuổi theo Nga dài lâu trong lĩnh vực này.

Giáo sư Tavrovsky cho biết hiện nay việc sao chép công nghệ đã không còn đáng lo ngại như xưa, nhất là khi Trung Quốc gần đây đã phân bổ ngân quỹ cho việc nghiên cứu, và Nga cũng có "mẹo" khi bán vũ khi cho Trung Quốc và các nước khác.

"Chúng tôi bán vũ khí và công nghệ quốc phòng tiên tiến cho Trung Quốc, nhưng vũ khí trong nước của chúng tôi sẽ luôn đi trước một bước so với những mặt hàng được bán ra", giáo sư này nói.

Tương tự, một chuyên gia khác cũng khẳng định rằng Nga có năng lực phát triển kĩ thuật-quân sự rất "khủng", luôn cập nhật và phát triển, do đó Trung Quốc sẽ khó mà vượt mặt được Nga những lĩnh vực chính yếu.

Tuy nhiên, các chuyên gia được phỏng vấn đều thừa nhận Bắc Kinh đã vượt qua Moskva trong một số lĩnh vực, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự, đóng tàu, chế tạo máy bay không người lái, và sản xuất các tên lửa chống hạm.

Do đó, trong tương lai gần, Trung Quốc có khả năng sẽ bán lại vũ khí cho Nga. Đây là điều có lợi đối với cả hai nước, một chuyên gia nhận định.

Mặc dù vậy, vẫn còn một câu hỏi phải chờ thời gian giải đáp, đó là mối quan hệ hữu hảo của Nga và Trung Quốc liệu có dài lâu, tác giả bài viết kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại