R-R: Rooney và Ronaldo
Pha lập công trên chấm 11m trong trận đấu với Swansea đã giúp Rooney nâng tổng số bàn thắng ghi được cho Man United lên 252 sau 553 trận, tiếp tục đào sâu kỷ lục ở vị trí cầu thủ săn bàn vĩ đại nhất lịch sử "Quỷ đỏ".
Ngoài ra, Rooney còn là cầu thủ có nhiều pha lập công nhất trong màu áo tuyển Anh, với 53 bàn sau 119 lần ra sân cho "Tam sư". Những thống kê chỉ ra sự vĩ đại ở "Gã Sherk", như để biện hộ cho màn trình diễn nhạt nhòa trên sân của anh hai năm trở lại đây. Các thống kê trên cũng dùng để yêu thương và cảm thông cho cầu thủ rất mực được yêu quý này.
Thế nhưng, cũng chính những thống kê đã vẽ ra một sự thật trần trụi, rằng có một chàng trai khác sinh cùng năm với anh (1985), người đó cũng như Rooney, hiện đang nắm giữ hai kỷ lục săn bàn ở cả CLB và đội tuyển quốc gia, nhưng lại làm được nhiều điều vĩ đại hơn anh.
Chàng trai chúng ta muốn nói tới tên là Cristiano Ronaldo. Với Real Madrid, Ronaldo có số bàn thắng nhiều hơn số trận thi đấu, đấy là 396 bàn sau 388 trận. Còn với đội tuyển Bồ Đào Nha, CR7 có 71 bàn sau 138 trận. Tức là, Cristiano Ronaldo có hơn Rooney tới 154 bàn, dù thi đấu ít hơn tới 146 trận.
Cuối tuần vừa qua, dù cả hai đều ghi bàn, nhưng với bàn thắng vào lưới Valencia, Ronaldo phá kỷ lục của huyền thoại Jimmy Greaves, để trở thành chân sút vĩ đại nhất lịch sử trong 6 giải đấu lớn hàng đầu châu Âu, với 367 bàn thắng ở giải VĐQG.
Ronaldo như bạo vũ cuồng phong, lao tới các kỷ lục sừng sững mà phá bỏ nó đi, đặc biệt, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Còn Rooney thì đã tính đến chuyện qua Mỹ dưỡng già.
Rooney chẳng kém gì Ronaldo về xuất phát điểm và có lẽ cả tố chất nữa. Nhưng hiện tại, cả 2 đang theo những ngã rẽ rất khác.
Điều gì đã diễn ra ở đây? Khi hai chàng trai sinh cùng năm, có xuất phát điểm, thậm chí Rooney còn vượt trội hơn với mác "thần đồng", thế mà giờ lại khác nhau đến vậy?
13 năm về trước, Rooney – Ronaldo, hai cậu bé tuổi 18 chính là cặp học trò cưng được Alex Ferguson gửi gắm hòng tạo dựng tương lai cho Man United. Ông đã chọn họ, và quay lưng với chính cây săn bàn số 1 của mình: Ruud Van Nistelrooy.
Như một cuốn băng tua ngược còn phủ bụi thời gian, ngày 17/6/2004, trên sân vận động Estadio Cidade tại Coimbra, Bồ Đào Nha, đội tuyển Anh gặp đội tuyển Thụy Sĩ trong khuôn khổ bảng B tại Euro 2004.
Wayne Rooney 18 tuổi, 7 tháng và 24 ngày, lập cú đúp vào lưới Thụy Sĩ, trở thành cầu thủ trẻ nhất từng ghi bàn ở một kỳ Giải vô địch bóng đá châu Âu. Ngày hôm đó, thần đồng mới của nước Anh đã che mờ hoàn toàn người đá cặp nổi tiếng Michael Owen.
Sau Euro 2004, Manchester United đưa ra cái giá 25,6 triệu bảng và ký hợp đồng được với Rooney từ Eveton, và hôm đó lịch sử của CLB cũng như cá nhân Rooney thay đổi.
Nhưng anh đã tới vào những năm tháng khó khăn nhất khi Man United trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, họ rượt đuổi Chelsea của Mourinho trong vô vọng.
Rooney, cậu bé 19 tuổi vực dậy cả một đoàn quân rệu rã, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ghi bàn, mà còn trở thành niềm hy vọng sau cuối của đội bóng. Nhưng "Cánh én không làm nên mùa xuân", anh thất bại, Quỷ đỏ cũng thất bại.
Rooney đã là một tượng đài ở Man United nhưng thay vì nhớ tới anh như một cầu thủ vĩ đại nhờ các bàn thắng ghi được, người ta lại nghĩ tới nhiều hơn là sự hy sinh, chìm mình xuống cho kẻ khác tỏa sáng.
Ronaldo "lùi lại" để tiếp tục tiến lên, Rooney cháy hết mình để nhanh chóng tàn lụi
Chấn thương còn khiến Rooney không thể có được phong độ tốt nhất để vực dậy một đội tuyển Anh cực mạnh nhưng yếu bản lĩnh tại World Cup 2006. Giữa một tập thể được mệnh danh là "thế hệ vàng" của bóng đá Anh, hình bóng Rooney với chiếc thẻ đỏ và bước đi khập khiễng chỉ tăng thêm tính chất bi tráng của nó.
Bi kịch kéo dài đến Euro 2008, trên sân Wembley một năm sau đó, đội tuyển Anh không thể vượt qua vòng loại sau trận thua Croatia 2-3.
Bốn năm trước, chính đứa bé ấy khiến cả Châu Âu phải dõi theo từng bước chạy của mình. Bốn năm sau, khi ở đỉnh cao phong độ, cậu bé thần đồng năm nào lại không thể xuất hiện. Ba giải đấu tiếp theo, dẫu đội tuyển Anh góp mặt đều đặn nhưng Rooney đẹp nhất đã chết ở đêm mưa Wembley đó rồi.
Một Rooney của tuổi đôi mươi, một Rooney ghi bàn và cười mỉm. Một Rooney đã mất. Thứ còn lại về anh chính là bi kịch của sự hy sinh: hết mình, lăn xả, chiến đấu như để chết trên sân. Một Rooney ở lại.
Mọi thứ đã thay đổi từ năm 2006, khi HLV Ferguson nhìn ra sự khác biệt giữa Ronaldo và Rooney trong lần trở về từ nước Đức. Ở Rooney có sự khát khao được vẫy vùng trên sân cỏ, nó mạnh mẽ như núi lửa, thứ sức mạnh này cần dùng để nâng cánh toàn đội.
Còn Ronaldo có thứ tài năng đi cùng khát khao khẳng định cái tôi, phẩm chất này sẽ phát huy tất cả nếu được cả đội phục vụ. Ronaldo được kéo lên phía trên, Rooney được đẩy xuống phía dưới. Kể từ khi ấy, mọi thứ đã thay đổi.
Nếu được làm lại, Rooney có chơi bớt nhiệt đi một chút, để giữ lại gì cho mình phòng đường xa trắc trở?
Cái cao cả nhất, mà cũng là đau đớn nhất của một con người, lại chính là sự hy sinh. Có thể Rooney không biết điều ấy, vì anh sinh ra chỉ để được chiến đấu cùng trái bóng tròn trên thảm cỏ. Nhưng lịch sử Manchester United sẽ hiểu, một thập kỷ qua đã nhờ có anh mà duy trì được sự vĩ đại.
Nhưng mặt trái của điều đó là Rooney đã để cái hoang dại đường phố, cái tinh thần Mike Tyson vượt lên lý trí điều chỉnh thể chất con người, rồi biến thành ngọn đuốc tự đốt cháy bản thân theo thời gian khi nào không biết.
Có thể chỉ một thay đổi nhỏ của quá khứ, Rooney sẽ cống hiến rất nhiều ở tương lai, chứ không phải là gánh nặng như hôm nay, như bây giờ.
Bi kịch và hạnh phúc hòa quyện quanh Rooney, bởi anh đã đá như để chết trên sân!