17h ngày 7/4/2018, dù đang trong giờ cao điểm tan tầm nhiều người đặt xe nhưng ông Huỳnh Văn Tuấn (51 tuổi, đối tác của Uber khu vực quận Bình Thạnh) và một vài tài xế khác tắt ứng dụng ngồi trò chuyện trước tòa nhà văn phòng nằm trên đường Nguyễn Du. Khoác trên mình chiếc áo đồng phục màu xanh dương, họ ngậm ngùi tiếc nuối khi chỉ vài tiếng nữa không còn được làm việc cùng ứng dụng công nghệ Uber. Kể từ 0h ngày 8/4/2018 ứng dụng này dừng hoạt động tại Việt Nam cũng như thị trường Đông Nam Á sau khi bán cổ phần cho Grab.
"Với tôi, Uber đối xử với anh em rất tử tế. Họ luôn xem xét ý kiến của khách hàng và tài xế trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Không chỉ vậy, họ có nhiều mức thưởng khác nhau để khuyến khích chúng tôi làm việc", ông nói và xem như đó là lời giải thích cho thu nhập gần chục triệu mỗi tháng của mình.
Đặt chiếc điện thoại có móc khóa logo Uber trên bàn, anh Nguyễn Thành Việt say sưa chia sẻ quãng thời gian làm việc cho công ty công nghệ này 2 năm trước. Câu chuyện như vừa mới hôm qua, cũng như ông Tuấn, vị cựu giám đốc vận hành Uber Hà Nội cho biết với tất cả mọi người làm ở đây đều có ấn tượng rất tốt về Uber. Công ty toàn cầu này là hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ khởi nghiệp như anh Việt. Hiện anh là nhà sáng lập ứng dụng cũng dựa trên nền kinh tế chia sẻ có tên Quickstay.
Sinh năm 1985 tại Nghệ An, Nguyễn Thành Việt vốn là dân chuyên toán tại trường chuyên Amsterdam Hà Nội. Sau 1 năm đại cương tại đại học Bách Khoa Hà Nội, anh nhận được học bổng du học Pháp ngành kỹ sư viễn thông. Năm 2009, cựu du học sinh này trở về nước làm việc cho một liên doanh viễn thông tại Việt Nam. Anh được làm đúng nghề kỹ sư, triển khai hệ thống cáp quang đúng thời điểm hạ tầng ngành viễn thông trong nước còn chưa đuổi kịp các nước trên thế giới và có nhiều tiềm năng phát triển.
Năm 2014 khi Uber gia nhập thị trường, Việt quyết định ứng tuyển và trở thành một trong những nhân viên đầu tiên của công ty tại Việt Nam cũng như Hà Nội. Anh gắn bó với ứng dụng này đến ngày cuối cùng Uber bán thị phần cho Grab.
"Quãng thời gian vào Uber và làm việc ở đây giúp mình có được cách nhìn mới, dấn thân vào con đường startup. Những người đã làm ở môi trường như Uber thường sau này sẽ rất khó để quay lại làm trong môi trường doanh nghiệp hay Nhà nước sáng đi tối về mà tiếp tục con đường khởi nghiệp", Nguyễn Thành Việt nhớ lại sau 2 năm rời Uber.
Rời Uber, Việt chuyển sang Go-Viet cũng với vị trí giám đốc vận hành khoảng 1 năm trước khi khởi nghiệp với Quickstay. Ý tưởng ứng dụng nương vào làn sóng nền kinh tế chia sẻ này xuất phát từ một lần nói chuyện cùng với nhà sáng lập, CEO VnTrip Lê Đắc Lâm.
Vốn là những người làm công nghệ, anh Việt và anh Lâm nhận định trong tương lai tất cả các dịch vụ đều dịch chuyển lên điện thoại và hiện tại Việt Nam chưa có đơn vị nào khai thác mảng đặt phòng theo giờ hoặc qua đêm.
"Tôi bắt tay vào nghiên cứu nghiêm túc và nhận thấy thị trường này không hề bé, thậm chí quy mô có thể lên đến 1 tỷ USD tại Việt Nam. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 60-70%. Trên thế giới cũng có những mô hình thành công như kỳ lân của Yanolja của Hàn Quốc", anh chia sẻ. Nhận thấy thị trường đủ lớn, khách hàng thường phải gặp những vấn đề như không thể tìm được nhà nghỉ, khách sạn trong những dịp lễ tết, năm 2019 Việt bắt tay vào xây dựng Quickstay.
Hiểu một cách đơn giản, hiện nay mọi người đều bắt đầu quen với việc sử dụng dịch vụ trên điện thoại thông minh. Họ dùng điện thoại để đi chợ mua thực phẩm, đặt đồ ăn, mua vé xem phim, mua vé máy bay khách sạn, mua sắm trực tuyến. Mô hình Quickstay giải quyết bài toán khi khách hàng có nhu cầu đi nhà nghỉ thì chỉ cần dùng điện thoại có thể tìm được các khách sạn nhà nghỉ nào gần nhất, giá cả hợp lý nhất hoặc có những dịch vụ nào cảm thấy phù hợp nhất.
Đây là nền tảng giúp khách sạn, nhà nghỉ quản lý khách hàng, quản lý vận hành tiếp cận được tập khách hàng mới là những người trẻ sử dụng điện thoại. Về phía khách hàng thì sẽ có trải nghiệm tốt hơn về minh bạch giá cả, thanh toán dễ dàng cũng như có thể để lại phản hồi chất lượng.
Lại nói về hình mẫu Yanolja được nhắc tới, đây là một nền tảng đặt phòng trực tuyến đã thổi làn gió mới vào ngành công nghiệp khách sạn "tình yêu" của Hàn Quốc và khai sinh ra startup kỳ lân mới nhất của nước này.
Su Jin Lee sáng lập Yanolja tại Seoul năm 2007 với mục đích hiện đại hóa thị trường lưu trú ngắn hạn, trả tiền tính theo giờ đang có nhiều vấn đề tại Hàn Quốc. Kể từ đó, công ty này đã phát triển thành một doanh nghiệp khách sạn tỷ đô với 32 triệu lượt tải ứng dụng tính đến thời điểm cuối 2019.
Bắt nguồn từ Nhật Bản, các phòng nghỉ tình yêu đã nổi lên ở Hàn Quốc vào cuối những năm 1980 trong thời đại tự do hóa tình dục ngày càng phát triển. Tuy nhiên, một thời gian sau, hình thức này đã góp phần làm hỏng ngành công nghiệp khách sạn truyền thống của Hàn vì bị cho là nơi tiếp tay cho các hoạt động bất hợp pháp hay ngoại tình.
Nhưng đối với Lee- một người mồ côi từ nhỏ và làm nhân viên anh ninh tại một khách sạn tình yêu từ năm 23 tuổi, anh luôn biết ơn công việc này vì đã cho anh một nơi để ở và mức lương ổn định.
"Tại Việt Nam, mọi người vẫn nhìn dịch vụ nhà nghỉ như điều gì đấy thiếu minh bạch. Và rất nhiều người ngại có ứng này trong điện thoại của mình. Tuy nhiên khi xã hội phát triển, giới trẻ sẽ trở nên cởi mở hơn thì họ sẽ cần và sẽ sử dụng để có trải nghiệm tốt hơn với những dịch vụ như vậy", nhà sáng lập Quickstay cho biết.
Sinh ra trong gia đình khá truyền thống công nhân viên chức và ổn định nhưng Việt cho biết anh rất may mắn khi được mọi người đều ủng hộ kể cả khi không đi theo con đường của gia đình. Người thân của anh quan niệm miễn là làm ra sản phẩm bằng sức lao động của mình và không trái pháp luật, được mọi người chi tiền ra ủng hộ đều đáng quý.
"Tất nhiên khi tôi kể với vợ về ý tưởng startup này, vợ chỉ cười và hỏi "Nếu anh làm dịch vụ này thì có phải đi kiểm tra dịch vụ nhiều không?". Kể cả những người thân trong gia đình mình mình vẫn có cái nhìn như vậy nên tôi nghĩ Quickstay sẽ giúp mọi người dần dần cải thiện được những góc nhìn đó. Ngoài ra còn đem đến cách tiếp cận mới cho người trẻ bằng cách khuyến khích việc hẹn hò một cách văn minh với sự giúp đỡ của công nghệ", anh cho biết.
Xem xét trên thị trường, nhà sáng lập Quickstay cho biết hiện tại ở Việt Nam những đơn vị như Airbnb, OYO, Reddoorz đều chưa tiếp cận vào dịch vụ nghỉ theo giờ. Một phần lý do theo anh là tại những nước sở tại dịch vụ này thực sự không nhiều. Thậm chí qua những lần đi khảo sát, anh Việt cho biết ngay ở Trung Quốc cũng không phát triển.
Thị trường này theo đánh giá của anh Việt mang tính bản địa khá cao với một số quốc gia như Hàn Quốc, Việt Nam. Đối với những đơn vị lớn có thể rất thành công ở các nước khác nhưng với mảng dịch vụ này chưa thực sự am hiểu. Họ cần tốn nhiều công sức, nguồn lực nếu muốn đặt chân vào mảng mới trong khi những startup nội địa như Quickstay có lợi thế am hiểu thị trường và có thể đi nhanh hơn.
Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ đang được đặt nhiều dấu hỏi khi trên thế giới Airbnb, Uber, WeWork ngã ngựa và tại Việt Nam là cú sốc mang tên WeFit, nhà sáng lập Quickstay vẫn đặt niềm tin vào mô hình kinh tế này. Theo anh kinh tế chia sẻ tạo ra một nền kinh tế hoàn toàn mới, tất cả nhà đầu tư đến những người khởi nghiệp đều muốn tham gia. Mô hình này theo anh thực sự tạo ra giá trị tuy nhiên có vấn đề về tăng trưởng nóng nên có những đơn vị, công ty chưa được thành công hay những công ty như WeFit phá sản.
Theo đó bản chất mô hình này rất tốt nhưng mà khi đi vào vận hành, mở rộng quy mô phát triển l sẽ có phần bị chệch hướng. Nếu đúng bản chất ban đầu khi một người có xe và khi sử dụng hay không sử dụng sẵn sàng chia sẻ người khác đi cùng nhưng thường khi phát triển đến mức nhất định sẽ thúc đẩy nhu cầu, có lợi nhuận và hiện tương mọi người đổ xô đi mua xe để chạy, xem như là một công việc toàn thời gian.
"Tham gia vào startup việc không thành công là rất bình thường. Tôi rất thích đá bóng. Startup cũng như đá bóng và thắng hay thua là việc rất bình thường. Quan trọng là khi tham gia một trận bóng mình có cái trải nghiệm của trận bóng đó, mình thi đấu hết mình. Khi mình thi đấu hết mình rồi thì kể cả thắng thua, tất nhiên thắng tốt hơn, thua thì làm lại ván khác. Ví dụ như nếu các bạn ở WeFit tiếp tục làm thì tôi vẫn tiếp tục ủng hộ với tư cách khách hàng", anh Việt thẳng thắn chia sẻ.
Tất nhiên từ sự vụ sụp đổ của kinh tế chia sẻ, những người như Nguyễn Thành Việt luôn có những bài học được rút ra. "Với những bài học đó thì mình tìm cách đi một cách chắc chắn hơn, ngay trong thời gian đầu. Ngay trong thời gian đầu không cần tăng trưởng quá kinh khủng nhưng vẫn phải có những cái giá trị riêng của mình. Những giá trị người dùng có thể cảm nhận được và không nhất thiết phải dùng quá nhiều tiền là cách duy nhất để lôi kéo người dùng", nhà sáng lập này cho biết.
Chính vì vậy mục tiêu ngắn hạn của ứng dụng này là phủ các thành phố chính của Việt Nam như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng Cần thơ nhưng không phải tiêu tiền ồ ạt để có khách hàng mà phát triển chậm rãi hơn, bền vững hơn.
"Tất nhiên startup nào ban đầu cũng lỗ cả, mục tiêu của mình là bền vững và nhanh chóng quay về điểm mình chịu đựng được", anh Việt khẳng định.
Ngoài đá bóng, thú vui khác của nhà sáng lập 8x này là chơi cờ vua và dành thời gian cho con. Vốn là dân chuyên toán, ông bố trẻ này tính ra rằng nếu giả thiết dành cho cho con 1 giờ mỗi ngày, thực chất chúng ta chỉ ở bên cạnh con 9 tháng nếu sống với con đến năm 18 tuổi.
"Tính theo năm thì dài nhưng nếu cộng lại thì thời gian bên con của mình chỉ có khoảng 9 tháng thôi. Cho nên là khi tính như vậy mình sẽ dành nhiều thời gian hơn. Trong đầu tôi luôn nhớ con số 9 tháng", CEO Quickstay chia sẻ cách để mình cân bằng giữa công việc và cuộc sống startup bận rộn của mình.
Thu Thúy
Duy Anh
Hương Xuân