Tôi quyết định rời Mỹ vào năm 2019, thời điểm mà bản thân thực sự mong mỏi được tìm về với chính mình. Tôi từng đọc ở đâu đó rằng nếu muốn tìm lại bản thân, hãy nghĩ về những điều mình thích khi còn là 1 đứa trẻ. Và tôi đã nghĩ về cô bé Bethany 10 tuổi với ước mơ tới Nhật Bản làm giáo viên dạy tiếng Anh.
Trước đó, tôi đang là 1 nhà thiết kế nội thất luôn cảm thấy kiệt sức vì cống hiến cho công việc và theo đuổi các mục tiêu tài chính cá nhân. Những giờ làm việc ở văn phòng thực sự không hề vui vẻ và có tính cạnh tranh rất cao. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể quay trở lại với lối sống của dân văn phòng ở Mỹ. Thứ tôi muốn là 1 thế giới mà mọi người cùng làm việc với nhau thay vì tranh giành để leo lên những nấc thang sự nghiệp.
Tôi bắt đầu tìm việc ở Nhật Bản ngay từ khi vẫn còn sống ở New York. Mất khoảng 2 năm để có được công việc dạy tiếng Anh mà tôi mong muốn. Tôi nghe nói dạy tiếng Anh là 1 lựa chọn tốt cho những người Mỹ tới sống ở Nhật Bản vì sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ.
Công ty tuyển dụng lo mọi thủ tục cho tôi, từ xin visa cho tới mở tài khoản ngân hàng. Tôi còn nhận được tiền trợ cấp chỗ ở và chỉ phải trả khoảng 60 USD mỗi tháng cho tiền thuê nhà. Đó là căn hộ 1 phòng ngủ rộng khoảng 46m2. Ngoài ra, tôi được cấp 1 chiếc xe ô tô để di chuyển tới chỗ làm hay đi chợ.
Ở Nhật Bản có rất nhiều ngôi nhà bị bỏ trống, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Akia Banks là 1 trang web môi giới bất động sản tương tự như Realtor.com. Điểm khác là nó chủ yếu phân phối những ngôi nhà bị bỏ hoang và được điều hành bởi chính quyền các địa phương.
Trên đó bạn có thể tìm thấy cả những ngôi nhà cho thuê và đang rao bán. Nhưng thực ra thì tôi đã tìm thấy ngôi nhà của mình thông qua truyền miệng.
Bethany “Bitsii” Nakamura. Ảnh: Business Insider.
Bà cụ sở hữu ngôi nhà đã trên 100 tuổi khi qua đời. Con trai bà cụ, người năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện sống ở 1 hòn đảo khác và không cần dùng đến ngôi nhà này.
Gần như tôi đã được cho không ngôi nhà, chỉ phải trả tiền điện nước hàng tháng (khoảng 136 USD/tháng). Tùy thuộc vào chính sách của từng địa phương, nhưng tiền thuế phải nộp sẽ nằm trong khoảng 2.000 đến 50.000 USD – tôi không nghĩ rằng tiền thuế cao đến vậy bởi đây là một vùng rất xa xôi.
Tôi từng đọc nhiều câu chuyện về việc cải tạo những ngôi nhà bỏ hoang. Từng là nhà thiết kế nội thất, tôi bắt tay ngay vào việc.
Đây là 1 ngôi nhà khá đẹp đẽ. Được xây dựng từ thời Showa (từ năm 1926 đến 1989), ngôi nhà mang đậm nét cổ kính. Phần lớn mặt sàn được phủ chiếu tatami, loại vật liệu được dệt nên từ nhiều lớp cỏ và mang lại cảm giác rất dễ chịu. Đây là 1 ngôi nhà 2 tầng, nhưng tầng 1 rộng khoảng 92m2 còn tầng 2 chỉ rộng 23m2.
Ở Mỹ, mọi người sẽ gọi đây là căn nhà 1 phòng ngủ. Tuy nhiên, trong những ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản, mọi người không nhất thiết phải có phòng ngủ riêng. Trong tủ quần áo có rất nhiều chăn điện (futon), và ngôi nhà có đủ chỗ cho 9 người ngủ.
Ở Nhật Bản, có bao nhiêu phòng ngủ không quan trọng mà quan trọng là trong nhà có bao nhiêu chiếc futon. Sống ở trong ngôi nhà này, bạn sẽ cảm thấy giống như đang đi cắm trại, bởi vì ngôi nhà thực sự kết nối rất tốt với không gian bên ngoài.
Nông thôn Nhật Bản đang suy giảm dân số nghiêm trọng, vì thế tôi từng nghĩ cải tạo ngôi nhà là việc nên làm để tạo nên sức sống mới. Nhưng cuối cùng lại phát hiện ra rằng ngôi nhà thực sự không cần sửa chữa chút nào. Nó rất sạch sẽ và đẹp đẽ.
Sau 1 thời gian sống ở đây, tôi đã quyết định sẽ không mua ngôi nhà này. Trên giấy tờ, tôi là cư dân chính thức đang sinh sống ở đây, nhưng không có hợp đồng thuê nhà nào cả. Tôi không phải nộp bất cứ khoản nào cho chính quyền địa phương ngoài tiền điện nước. Tôi đã có 1 ngôi nhà 0 đồng!
Cá nhân tôi thấy rằng sẽ không phải là 1 ý tưởng tốt nếu người nước ngoài sở hữu nhà ở vùng quê Nhật Bản. Chuyển từ Mỹ tới sống ở Nhật thực sự đem lại nhiều trải nghiệm văn hóa khác biệt. Và thị trường bất động sản Nhật Bản cũng rất khác với thị trường Mỹ.
Một khi đã sở hữu 1 ngôi nhà, bạn rất khó từ bỏ nó. Ở Mỹ, giá trị của ngôi nhà thường chỉ tăng lên, còn ở đây giá trị lại giảm đi theo thời gian. Sở hữu nhà được coi là tấm vé để ổn định cuộc sống dài hạn. Nhưng ở Nhật Bản, những điều đó không còn đúng nữa.
Tham khảo Business Insider