Báo Triều Tiên bất ngờ miệt thị nặng nề Hàn Quốc và lên án "các nỗ lực giãy chết của thế lực thù địch"

Ngọc Khánh |

Báo Triều Tiên cũng chỉ trích Hàn Quốc là "con rối thảm hại" và coi sự hợp tác Mỹ-Hàn là sự "phụ thuộc, sỉ nhục, xấu hổ".

Theo Chosun Ilbo (Hàn Quốc), sau khi tuyên bố rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều vào ngày 22/3, phía Triều đã phê phán Hàn Quốc là "con rối thảm hại" của Mỹ.

Trong bài báo có tiêu đề "Những gì nhận được từ mối quan hệ hợp tác Hàn–Mỹ là bằng không" ngày 22/3, trang điện tử đối ngoại Triều Tiên Uriminzokkiri viết rằng: "Điều đáng thương chính là trong khi hợp tác với Mỹ, chính phủ Hàn Quốc lại tham vọng xây dựng một hệ thống hòa bình và hợp tác với chúng ta", đồng thời cho rằng, "Hàn Quốc phải hợp tác với Mỹ mới thấy được mình không nhận được gì từ mối quan hệ này".

Vào ngày 23, tuần san Tongil Sinbo cũng nhận định rằng "Hàn Quốc đang cho thấy mình không thể thoát ra khỏi mối quan hệ chủ-tớ với Mỹ" và chỉ trích, "Hàn Quốc vốn cùng dân tộc chúng ta nhưng lại theo đuôi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên chúng ta, đây là nhiệm vụ của một con rối".

"Lịch sử ngoại giao của Hàn Quốc chúng ta biết rằng họ chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ phụ thuộc, sỉ nhục và xấu hổ", Tongil Sinbo viết, "Thông thường, ngoại giao phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc thường xuyên, tôn trọng, bình đẳng và có đi có lại. Tuy nhiên, trong "Kế hoạch hoạt động đối ngoại 2019" lần này của Bộ ngoại giao Hàn Quốc lại không hề phản ánh những nguyên tắc này".

Báo Triều Tiên chỉ trích Mỹ-Hàn

Rodong Sinmun: Trước sự tàn ác của thế lực thù địch, phải tiết kiệm từng giọt dầu, watt điện - Ảnh 1.

Mỹ-Triều hiện đang cho thấy dấu hiệu đóng băng về đối thoại phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AFP

Báo Triều Tiên cho rằng, ví dụ thực tế trực tiếp nhất chính là vấn đề đàm phán về phân chia ngân sách quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc.

"Vào tháng 2 vừa qua, 2 nước đã kí kết một thỏa thuận đặc biệt về tài chính quốc phòng, trong đó Mỹ cam kết giành hơn 918 triệu USD, tăng 8.2% so với năm ngoái cho chi phí quân sự tại Hàn Quốc.

Ngay sau đó, truyền thông Mỹ cho biết Washington đang xem xét tính thêm 50% chi phí ở tất cả các quốc gia và khu vực nơi Mỹ đang đóng quân và nếu vậy Hàn Quốc sẽ trở thành đối tượng áp dụng đầu tiên. Nếu điều này trở thành hiện thực, Hàn Quốc sẽ phải cung cấp chi phí gấp 3 lần so với chi phí của quân đội Mỹ.

Ví dụ đơn giản này cho thấy rõ ràng, Mỹ không coi Hàn Quốc là một căn cứ quân sự để thực hiện tham vọng tầm cỡ thế giới, không phải mối quan hệ "huyết thống" hay "liên minh" mà chỉ là mục tiêu giam giữ để thỏa mãn lòng tham của họ.

Dù người khác sống hay chết thì Mỹ cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của mình và cũng chỉ sẽ gây tổn hại và làm cản trở nền hòa bình giữa 2 miền Triều Tiên mà chúng ta vẫn hằng mong mỏi. Vậy Hàn Quốc sẽ nhận được gì từ sự "hợp tác" này với Mỹ?", Tongil Ilbo chỉ trích.

Bên cạnh đó, bài xã luận trên trang nhất tờ Rodong Sinmun vào ngày 23/3 khẳng định rằng: "Các thế lực thù địch đang thực hiện những nổ lực giãy chết với chúng ta, do đó chúng ta phải sẵn sàng trước những khó khăn cản trở đó".

Tờ này kêu gọi: "Chúng ta phải trân trọng từng giọt dầu, từng watt điện, từng sợi vải và phải loại bỏ triệt để thực trạng lãng phí hiện nay" hay "Phải cho thấy nổ lực đoàn kết nội bộ trước sự lo lắng của lòng dân về khó khăn kinh tế".

Chosun Ilbo (Hàn Quốc) cho biết, Triều Tiên hiện vẫn đang tìm cách phát triển kinh tế thông qua hợp tác với Nga.

Ông Kim Chang Son, một quan chức cấp cao được mệnh danh là "quản gia" của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 23/3 đã khởi hành tới thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga sau khi kết thúc chuyến thăm Moskva - trong một động thái được cho là bước chuẩn bị cho khả năng ông Kim Jong Un thăm Nga.

Về việc rút văn phòng liên lạc của Triều Tiên, ông Gary Seymour, cựu điều phối viên vũ khí của Nhà Trắng nói: "Ông Kim Jong Un tuyên bố rằng nếu Hàn Quốc không thuyết phục được Tổng thống Donald Trump thì những hi vọng của Tổng thống Moon Jae In về cải thiện hòa bình liên Triều sẽ bị đổ vỡ".

Tờ New York Times (Mỹ) vào ngày 23/3 cáo buộc, Triều Tiên đang tăng cường nỗ lực tạo ra một vết nứt giữa quan hệ Hàn Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, trong động thái mới nhất, Bình Nhưỡng đã cử đội ngũ nhân viên mới tới văn phòng liên lạc chung tại Kaesong sau khi đội ngũ cũ rời đi vào ngày 22/3 vừa qua.

Đáng chú ý, hành động này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã ra lệnh lại rút các lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.

Truyền thông Hàn Quốc nhận định, điều này là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có ý định tiếp tục đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại