Triều Tiên bất mãn, TT Trump vội đưa ra tín hiệu xoa dịu: Đối thoại song phương tiếp tục?

Ngọc Khánh |

Chuyên gia HQ cho rằng, muốn biết ông Kim Jong Un tiếp nhận thông điệp của ông Trump như thế nào thì có thể theo dõi cuộc họp quan trọng của Bình Nhưỡng vào đầu tháng sau.

Trong một thông báo trên tài khoản twitter cá nhân rằng vào ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, đã ra lệnh rút lại "các lệnh trừng phạt bổ sung quy mô lớn" đối với Triều Tiên.

“Bộ Tài chính Mỹ hôm nay tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt quy mô lớn sẽ được bổ sung vào các lệnh trừng phạt hiện có đối với Triều Tiên. Tôi đã ra lệnh rút các lệnh trừng phạt bổ sung đó!”, Tổng thống Trump viết.

Hiện nay vẫn chưa rõ các lệnh trừng phạt bổ sung đó mang nội dung gì nhưng qua sự việc này, một số ý kiến cho rằng, có thể chiến lược của ông Trump đã thay đổi sau khi ông thực hiện hai bước theo như kế hoạch đã được vạch sẵn:

Đầu tiên trừng phạt 2 công ty vận tải Trung Quốc giúp đỡ Triều Tiên né tránh các lạnh trừng phạt; sau đó khi đã xem xét phản ứng của Bình Nhưỡng, Mỹ sẽ bổ sung thêm các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với nước này.

Đáng chú ý, chỉ 6 tiếng sau khi Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố áp đặt bổ sung các biện pháp trừng phạt, Triều Tiên bất ngờ rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong "theo chỉ thị của cấp trên".

Phân tích chỉ ra rằng, ông Trump đã phản ứng bằng cách tuyên bố điều chỉnh mức độ trừng phạt với Triều Tiên sau khi nước này bày tỏ sự bất mãn đối với các lệnh trừng phạt bổ sung của chính quyền ông bằng động thái rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều.

Cùng ngày, trong cuộc họp giao ban tại Nhà Xanh, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung tiết lộ, vào khoảng 9h15 sáng phía Triều đã có yêu cầu tiếp xúc giữa 2 đại diện liên lạc và vào khoảng 9h15~9h20, tất cả nhân viên Triều Tiên đã rút khỏi tòa nhà ngay khi có thông báo rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều.

Giới phân tích dự đoán rằng, sau khi tuyên bố rút khỏi văn phòng liên lạc Kaesong , ông Kim Jong Un sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức trong thời điểm không xa, còn Mỹ gửi đến Bình Nhưỡng thông điệp rằng sẽ không làm gì cứng rắn hơn điều này nữa.

Giáo sư Kim Jun Hyung thuộc Đại học Handong giải thích: "Động thái tiếp theo mà Triều Tiên thực hiện sau khi di chuyển thiết bị tên lửa ở Dong Changri và Sanum-dong, buổi họp báo của bà Choe Son Hui, rút khỏi văn phòng liên lạc Kaesong sẽ là hành động mà Bình Nhưỡng thể hiện sự bất mãn của mình với Mỹ theo cách không phá vỡ bàn đàm phán".

Ông này nhận định, Mỹ đã đẩy Triều Tiên đi quá xa và thông điệp trên twitter của Tổng thống Trump là hành động được thực hiện trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Và tuyên bố sẽ không đưa ra hành động gì cứng rắn hơn điều này của ông Trump có thể xem là một phát ngôn nhằm xây dựng hàng rào giữa 2 nước.

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, tuy trong các động thái gần đây, Triều Tiên đã bộc lộ một cách vòng vo về những bất mãn với Mỹ nhưng vẫn thể hiện riển vọng về cánh cửa đối thoại song phương.

Điều đó thể hiện qua việc, Triều Tiên chỉ rút nhân viên của mình tại văn phòng liên lạc Kaesong chứ không sa thải nhân viên Hàn Quốc.

Điều này cũng tương tự đối với Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nói rằng "Tổng thống Trump mến ông Kim Jong Un và không nghĩ rằng các biện pháp như thế là cần thiết", đồng thời bày tỏ ý chí quyết tâmvnối lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều một lần nữa

Ông Choi Yong-hwan, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu Chiến lược An ninh của Viện Nghiên cứu Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, phát biểu rằng: "Triều Tiên gần như đã hoàn thành xong việc sắp xếp lại chủ trương lập trường của mình".

Ông này cho hay, thế giới muốn biết ông Kim Jong Un tiếp nhận thông điệp của ông Trump như thế nào thì có thể theo dõi thông qua cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên vào đầu tháng sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại