Tại cuối cuộc họp APEC CEO hôm thứ Năm (9/11), đại diện các quốc gia đã cùng bàn luận về những cơ hội tận dụng robot và các loại máy tự động để kích thích sự phát triển kinh tế.
Robot thực sự đã thu hút được sự chú ý của các nền kinh tế APEC với những "quân đoàn" kĩ sư kĩ thuật, các công ty công nghệ, các nhà khởi nghiệp và chưa kể tới những tiến bộ trong công nghệ tự động hóa trong thời gian gần đây.
Không thể chối cãi, bên cạnh mặt lợi của những công nghệ hiện đại nhất, nỗi lo ngại về mặt trái của sự phát triển là không thể tránh khỏi. Liệu robot có thay thế con người và tạo ra nạn thất nghiệp lan tràn hay không? Liệu robot có thể thống trị thế giới và biến con người thành "nô lệ", hay thậm chí xóa sổ con người hay không?
Theo lẽ thường, những vấn đề xoay quanh robot đều rất phức tạp. Sự phát triển không ngừng và hậu quả của công nghệ này là điều không ai biết, và con người vẫn sẽ tiếp tục khai thác hết tiềm năng của robot mặc cho những nguy cơ tiềm tàng, không lường trước.
Dưới đây là một vài vấn đề đáng lưu tâm.
Trong lịch sử phát triển của con người, tiến bộ khoa học kĩ thuật luôn là một tín hiệu đáng mừng. Nền công nghiệp hiện đại luôn thay thế nền công nghiệp lỗi thời. Quy trình này được gọi là "sự hủy diệt sáng tạo."
Lấy thành phố Coventry ở Anh làm ví dụ. Coventry khởi đầu từ việc nuôi cừu và sớm trở thành một trong những khu vực sản xuất len sợi hàng đầu trên toàn quốc. Sau đó, thành phố này chuyển qua chế tạo đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay rồi tới xe đạp.
Sau đó, Coventry đầu tư mạnh vào sản xuất các dòng xe hơi Jaguars và Land Rover cùng nhiều phụ tùng máy móc khác. Hiện tại, thành phố này không tìm được hướng phát triển tiếp theo, và đang dần trở nên thụt lùi.
Dây chuyền sản xuất ô tô hàng loạt của Toyota.
Trớ trêu thay, công nghệ không phải là nguyên do duy nhất cho sự suy sụp kinh tế cho Coventry. Những cuộc chiến tranh liên miên, từ trận đánh với người Viking, sự kiện vua Henry VIII giải thể nhà thờ Catholic, nội chiến Anh cho tới các đợt rải bom của Thế Chiến II, đã nhiều lần biến Coventry thành đống tro tàn. Phải chăng thế giới luôn trong tình trạng chiến tranh và công nghệ chỉ biến nó trở nên chết người hơn?
Và hơn hết, không ai biết công nghệ sẽ chuyển biến theo hướng nào? Con người có thể đảo ngược sự phát triển để tránh mặt trái của nó không? Chúng ta có thể điều khiển công nghệ theo những hướng cụ thể hay không?
Trong nhiều lĩnh vực, robot đã chứng tỏ rằng chúng có thể thực hiện những công đoạn kĩ thuật tốt hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, hiệu năng cao hơn con người rất nhiều. Tại các nhà máy sản xuất xe ô tô của Nhật, robot chiếm ưu thế hơn con người trong hầu hết các công đoạn.
Một vài dạng tiểu phẫu phức tạp cũng thường được robot thực hiện. Hệ thống máy tính có thể điều khiển không lưu toàn cầu tốt hơn con người. Rõ ràng đây là những điều không thể tránh khỏi.
Những nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Oxford cùng nhiều trường khác đã chỉ ra một kết luận đáng kinh ngạc: robot sẽ "tiêu diệt" một nửa lượng công việc hiện tại. Trong tuần này, ngân hàng Deutsche với hơn 97.000 nhân viên thông báo trong vòng 1 thập kỉ tới, một nửa số nhân viên sẽ bị thay thế bởi robot.
Robot làm việc cùng các nhân công trong nhà máy ở thành phố Kazo, tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Liệu các nền kinh tế có thể thay thế số lượng công việc bị mất do robot với cùng tốc độ như thành phố Coventry đã đạt được trong lịch sử gần 1.000 năm hay không? Những người lạc quan đồng tình, những người bi quan phản đối.
Cả hai phe dường như đều không nhìn ra mấu chốt vấn đề. Nhiều công việc có thể bị thay thế, nhưng những công việc mới – ví dụ như kĩ sư sửa robot – gần như không thể nào bị thay thế bởi robot. Yếu tố giáo dục, đào tạo, độ tuổi, và nhiều nguyên do khác sẽ khiến nhiều người thất nghiệp.
Trong một nghiên cứu của tôi trên các công nhân xưởng thép bị mất việc ở Mỹ, tôi phát hiện ra rằng hầu hết họ đều chọn cách nghỉ hưu hoặc tìm một công việc không đòi hỏi kĩ năng, không có gì liên quan tới công việc với mức lương cao họ từng làm trước đó.
Chưa có chính phủ nào thực sự biết cách đào tạo lại lực lượng lao động một cách hiệu quả. Các viện đào tạo yếu kém là một chuyện, nhưng vấn đề chính là chính phủ cũng không thể tiên đoán được nên đào tạo theo hướng nào. Vậy nên, sự "xâm lăng" của robot có thể tốt cho vài nhóm người, nhưng không phải cho tất cả.
Khi APEC tiếp tục trên con đường phát triển, diễn đàn này cần tìm cách giải quyết vấn đề gây ra bởi robot, đặc biệt theo hướng tìm việc và tái đào tạo những người bị mất việc.
Robot chính là đại diện cho trí thông minh nhân tạo. Một robot có thể làm nhiều tác vụ kĩ thuật khác nhau. Chỉ thông qua việc học hỏi từ môi trường, thay đổi các quyết định bằng các phản hồi, robot mới có thể trở nên giống người hơn.
Tuy vậy, đây cũng là điều khá đáng ngại. Robot trong các nhà máy ô tô của Nhật không phải là mối đe dọa cho thế giới. Nhưng robot thông minh thì lại là chuyện khác.
Robot có thể suy nghĩ đã bắt đầu xuất hiện. Robot hiện nay đang cố gắng vượt qua bài kiểm tra có tên "Turing Test", tức là, chúng sẽ lừa con người tin rằng chúng là người thật. Nỗi sợ này ngày càng lớn hơn nếu robot được xây dựng chính xác trên khuôn mẫu người, và có thể đưa ra quyết định ảnh hưởng tới loài người, dù họ có muốn hay không.
Giáo sư ngành robot Nhật Bản Hiroshi Ishiguro cùng phiên bản robot mô phỏng bản thân. Ảnh: Telegraph
Loạt phim "Kẻ Hủy Diệt" (The Terminator) chính là ví dụ phản ánh chân thực nhất. Trong phim, hệ thống mạng máy tính có tên SkyNet chiếm quyền điều hành robot trên toàn cầu, tìm cách tiêu diệt loài người. "
Mạng lưới mọi vật thể" kết nối các thiết bị điện tử như tivi, đồng hồ, xe ô tô,... đã khiến nhiều người thấy lo lắng.
Nhà vật lí thiên văn Stephen Hawking nhiều lần lên tiếng cảnh báo con người rằng: "Sự phát triển toàn diện của Trí thông minh Nhân tạo sẽ xóa sổ loài người." Quân đội Mỹ, và tôi tin nhiều quân đội khác trên thế giới, đang có kế hoạch sử dụng robot để đánh nhau, không dùng tới con người nữa. Tương lai là một bức tranh "Star Wars" (phim khoa học viễn tưởng trong đó robot và máy móc hiện đại được dùng để giao tranh) trong đời thực.
Nhiều người khác còn tỏ ra quan ngại hơn. Alan Winfield, Giáo sư ngành Đạo đức Robot – một ngành mà ít người biết có tồn tại – cho rằng vấn đề không phải ở trí thông minh nhân tạo, mà nằm ở "sự ngu ngốc nhân tạo."
Con người không thường xuyên nghĩ về việc làm thế nào để hoàn toàn kiểm soát các cỗ máy họ làm ra. Chẳng ai nghĩ về khả năng hai quốc gia nghèo khó và một băng khủng bố - chứ không phải các siêu cường quốc - sẽ kích động chiến tranh hạt nhân. Hãy nghĩ về vấn đề này.
Ảnh minh họa xe ô tô thông minh, có thể tự lái như con người. Ảnh: Fortune
Xe ô tô thông minh – cũng được coi là một dạng robot – chạy thử nghiệm trên đường cao tốc. Kết quả dự kiến là xe sẽ phản ứng chính xác như có người lái xe thật. Nhưng ông Winfield chỉ ra rằng hệ thống dẫn đường của ô tô không được lập trình để đưa ra quyết định cho vô vàn các trường hợp liên quan tới đạo đức.
Ví dụ, khi một chiếc xe thông minh đang chạy và gặp nguy hiểm, nó sẽ cố gắng cứu mạng người ngồi trong xe bằng việc đâm vào người qua đường, hay cứu người qua đường và mặc cho người trong xe thiệt mạng? Sẽ ra sao nếu hành khách đều là những kẻ phạm nhân còn người qua đường là những đứa trẻ? Cho tới khi xã hội có thể giải quyết những vấn đề ấy, những điều tồi tệ sẽ luôn xảy ra.
Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển với robot, những nhà lãnh đạo APEC cần cân nhắc các chính sách cộng đồng cần thiết để làm chủ trí thông minh nhân tạo.
Đó là một trong những bản năng của con người. Nhiều quốc gia đang nghiên cứu để thống lĩnh công nghệ robot trên thị trường. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực quốc phòng. Nước Anh gần đây thành lập Ủy ban Chiến lược Công nghệ để thâu tóm thị trường robot. Nhiều quốc gia khác rất có khả năng sẽ làm theo.
Hãy nghĩ về những hiện thực sẵn có. Trang Amazon.com, từ một trang bán sách qua mạng, trở thành một kho hàng khổng lồ với đủ loại mặt hàng. Facebook, một nền tảng được dùng để chia sẻ thông tin giữa bạn bè, đang nhanh chóng trở thành một phương tiện truyền thông thời hiện đại. Twitter, một công cụ dùng để chia sẻ suy nghĩ cá nhân, trở thành nơi công bố các chính sách của nước Mỹ.
APEC cần cân nhắc lại việc tiến quá nhanh trong lĩnh vực còn nhiều tranh cãi này.
APEC là một chỉnh thể đồng nhất, tức là 21 quốc gia thành viên cần đồng thuận trước khi các chính sách được áp dụng trên toàn khu vực. Nhìn chung, các cam kết thường khá cởi mở, đẩy mạnh tính linh hoạt. Hiện nay, APEC sẽ khó có thể giải quyết vấn đề liên quan tới trí thông minh nhân tạo, mặc dù việc tạo ra các robot tốt hơn là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.
APEC nên nhớ rằng sự chú ý dành cho robot "là hơi muộn." Các quốc gia, tổ chức và trường đại học đã tiến khá dài trên lĩnh vực robot. APEC cần phải đánh giá cẩn thận tiềm năng trong lĩnh vực với vô vàn những đối thủ vượt trội, "háo thắng" này.
** Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.